Đề nghị Quốc hội ra nghị quyết về vấn đề Biển Đông

Sáng 19/6, Tại phiên thảo luận về Luật Căn cước công dân, ĐB Trương Trọng Nghĩa (TP. HCM) đã dành phần mở đầu ý kiến để phát biểu về vấn đề Biển Đông và cho rằng do trong chương trình Quốc hội từ nay tới khi kết thúc kỳ họp này không còn mục nào để nói về nội dung Biển Đông nên xin phép được trình bày ngoài nội dung thảo luận về vấn đề mà dư luận, đồng bào cả nước đang quan tâm, mong mỏi.

Ông Nghĩa đề nghị “Quốc hội cần có một Nghị quyết về Biển Đông để tuyên bố với nhân dân Trung Quốc và nhân dân thế giới biết được quan điểm của Quốc hội Việt Nam về những âm mưu “vừa đánh vừa đàm”, “vừa la làng” của Trung Quốc. Nếu Quốc hội lần này không có tuyên bố nào về Biển Đông thì nhân dân sẽ rất hoang mang, còn dư luận thế giới thì sẽ băn khoăn và đặt câu hỏi tại sao nghị sĩ các nước lại phải lên tiếng về các vấn đề trên Biển Đông? Bởi bạn bè dư luận thế giới cũng đang dõi theo những bước đi của Việt Nam trong các vấn đề liên quan đến Biển Đông, thậm chí còn ủng hộ Việt Nam khởi kiện Trung Quốc ra tòa án quốc tế”.

Trao đổi với báo chí bên hành lang Quốc hội, ĐB Trương Trọng Nghĩa cho rằng nội dung Nghị quyết cần có mấy điểm:

Thứ nhất, Quốc hội VN phải nói rõ chúng ta có lập trường chính nghĩa ở Trường Sa và Hoàng Sa vì vừa rồi Trung Quốc “tung ra” thế giới, kể cả ở Liên Hiệp quốc những nội dung sai trái về cái gọi là chủ quyền của họ ở Trường Sa và Hoàng Sa. Vì vậy chúng ta phải có lời đáp lại một cách chính thức, từ cơ quan quyền lực cao nhất của nhà nước.

Thứ hai, Nghị quyết phải lên án hành vi sai trái của Trung Quốc, hành vi chiếm Hoàng Sa, Trường Sa bằng vũ lực và hành vi kéo giàn khoan vào vùng biển của Việt Nam, đi ngược lại với những điều đã cam kết, tuyên bố với VN và các nước ASEAN. Trung Quốc thể hiện ý định không từ bỏ âm mưu hiện thực hoá đường lưỡi bò vô lý, mưu toan độc chiếm biển Đông, chứ không chỉ là khai thác dầu khí, mà ảnh hưởng tự do hàng hải và an ninh khu vực Châu Á – Thái Bình Dương. Việc đặt giàn khoan vừa qua là một bước đi trong tiến trình thực hiện âm mưu lâu dài hơn thế.

Thứ ba, trong tuyên bố của Quốc Hội cần khẳng định tình hữu nghị của VN với nhân dân TQ; chỉ thị cho các cơ quan chức năng của VN thực thi mọi biện pháp để bảo vệ chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ; và khẳng định chỉ đạo các cơ quan nhà nước chuẩn bị, tiến hành việc khởi kiện TQ về việc chiếm Hoàng Sa, Trường Sa của VN bằng vũ lực sai trái với luật pháp quốc tế.

Đề nghị Quốc hội ra nghị quyết về vấn đề Biển Đông - 1

Tàu Trung Quốc đâm va tàu cảnh sát biển và kiểm ngư của VN

Chúng ta làm thế để nhân dân ta, nhân dân toàn thế giới không bị đánh lừa bởi Trung Quốc, chỉ rõ Trung Quốc nói một đằng làm một nẻo, họ vừa đấm vừa xoa. Họ đặt giàn khoan đã hai tháng nay mà họ lại nói Đảng, Nhà nước Trung Quốc vẫn tôn trọng tình hữu nghị, đại cục…họ vẫn nói như là chưa có cái giàn khoan đang nằm đó. Ta không chấp nhận lối lập luận và thái độ kiểu đó.

Tôi cũng vừa đọc báo biết thông tin họ đang kéo giàn khoan thứ hai vào Biển Đông hôm qua. Điều đó càng chứng minh họ nói một đằng làm một nẻo, nói thì tốt, làm thì xấu. Thực ra thông tin phán đoán họ kéo giàn khoan thứ hai, thứ ba đến nữa cũng đã có “râm ran” từ lâu. Nói chung, vấn đề không chỉ riêng việc đặt giàn khoan mà những hành vi đó của TQ là nằm trong hệ thống, chắc chắn sẽ tiếp tục và liên tục. An ninh của khu vực đang bị đe doạ.

Các nghị viện trong khu vực như Nhật Bản, Hàn Quốc đều đã có Nghị quyết về vấn đề giàn khoan Hải Dương 981 của Trung Quốc vi phạm chủ quyền của Việt Nam thì không có lý do gì người bị xâm phạm trực tiếp là chúng ta lại im lặng. Nếu Quốc hội VN không làm gì thì người dân chắc chắn sẽ thất vọng. Hiện tại, mọi người vẫn đang chờ đợi những động thái của Quốc hội.

Tôi tin là lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quốc hội sẽ xem xét vì tôi nghĩ ý kiến của tôi hôm nay không phải là ý kiến cá nhân hay thiểu số mà tôi tin đa số đại biểu QH cũng có mong muốn này. Nếu lấy ý kiến, tôi tin đa số đại biểu sẽ thống nhất với việc QH có Nghị quyết về việc này".

Diễn biến mới đây, Trung Quốc tiến hành xây dựng trên bãi đá Gạc Ma. Hành động của TQ không chỉ xem xét ở khía cạnh họ xây thêm một công trình hay đặt thêm một giàn khoan trên biển mà là họ nhằm ý đồ sẽ dùng sức mạnh kinh tế, quân sự để kiểm soát Biển Đông, chi phối tự do hàng hải ở khu vực Châu Á – Thái Bình Dương, tác động vào lợi ích của các quốc gia khác để phục vụ lợi ích ích kỷ của họ.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Bình Minh (Pháp luật TPHCM)
TQ đặt giàn khoan trái phép trên Biển Đông Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN