Đề nghị giữ nguyên án tử hình với một số tội danh
“Dự thảo Bộ luật Tố tụng hình sự theo xu hướng chung là giảm án tử hình nhưng không phải là áp dụng lúc này. Trong điều kiện của Việt Nam hiện nay, cần phải dùng luật để răn đe. Cây muốn ngay phải uốn, quy định hình phạt tử hình là để răn đe, chứ không phải cứ quy định rồi bắt buộc phải áp án tử hình” - đại biểu Trần Du Lịch (TP.HCM) góp ý trong phiên thảo luận ngày 26.5.
Nên hay không xử phạt hình sự pháp nhân
Một trong những vấn đề lớn của Bộ luật Tố tụng hình sự (sửa đổi) được nhiều đại biểu (ĐB) cho ý kiến là quy định xử lý hình sự với pháp nhân. Theo ĐB Lê Đông Phong (TP.HCM), trong thực tế có những vi phạm của pháp nhân nhưng cũng do con người điều hành pháp nhân đó quyết định. Hiện nay có một số nước đã đưa chủ thể là pháp nhân vào chịu trách nhiệm hình sự, nhưng ở Việt Nam thì quy định xử phạt hành chính cũng có đủ cơ sở để xử lý pháp nhân.
Đại biểu Quốc hội, Giám đốc Công an Hà Nội Nguyễn Đức Chung phát biểu thảo luận tại tổ. Ảnh: Ý Như
Đồng tình với quan điểm của ĐB Phong, ĐB Nguyễn Đức Chung - Giám đốc Công an TP.Hà Nội cho rằng: Trong các luật khác như Luật Hành chính, Luật Doanh nghiệp đã có các hình phạt như tước giấy phép hoặc các luật khác điều chỉnh rồi nên trong luật hình sự không nên đưa vấn đề liên quan trách nhiệm hình sự đối với pháp nhân vào.
Trong khi đó, ĐB Đỗ Văn Đương (TP.HCM) lại có quan điểm khác khi cho rằng, pháp nhân cũng có ý chí, có tài sản, có động cơ mục đích riêng nên dự thảo luật quy định phải trừng phạt hình sự đối với pháp nhân khi có sai phạm là hợp lý. Theo ĐB Đương, hiện 119 nước trên thế giới, 6 nước trong khu vực cũng quy định pháp nhân bị xử lý hình sự.
“Những hình phạt như đình chỉ, tạm đình chỉ, thu hồi giấy phép hoạt động, phạt tiền đối với pháp nhận là thực hiện được. Pháp nhân, khi bị phạt tiền, mức độ sẽ cao hơn trong xử phạt hành chính” - ông Đương nói.
Cùng chung quan điểm với ĐB Đương, các ĐB Huỳnh Ngọc Ánh, Trương Trọng Nghĩa, Trần Du Lịch (TP.HCM) cho rằng Bộ luật Tố tụng hình sự phải có quy định để xử lý pháp nhân khi có sai phạm. “Cùng với xu thế phát triển của đất nước, có nhiều loại hình pháp nhân khác nhau nên luật phải có quy định điều chỉnh” – luật sư Trương Trọng Nghĩa nói.
Cân nhắc khi bỏ hình phạt tử hình Tôi tán thành dự thảo Bộ luật Tố tụng hình sự (sửa đổi) bỏ thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự với nhóm tội danh tham nhũng. Với tội phạm này, khi bắt được thì cơ quan pháp luật vẫn xử lý chứ không vì cứ phạm tội xong để vài năm không phát hiện rồi hết thời hiệu là vô can... ĐB Đỗ Văn Đương |
Về đề xuất bỏ hình phạt tử hình với 7/22 tội danh, theo ĐB Đỗ Văn Đương, chưa nên bỏ tội “phá hủy các công trình, phương tiện quan trọng về an ninh quốc gia”. ĐB Đương nêu ví dụ, nếu có đối tượng nào đó định phá hoại Nhà máy Thủy điện Hòa Bình, đường dây 500kV Bắc Nam thì hậu quả rất lớn.
“Quy định hình phạt không phải để tước đoạt tính mạng mà là để răn đe phòng ngừa tội phạm” - ĐB Đương cho hay.
Theo ĐB Ngô Ngọc Bình (TP.HCM), không nên bỏ hình phạt tử hình đối với tội “chống mệnh lệnh” vì hậu quả của tội này đặc biệt nghiêm trọng, có thể người chống mệnh lệnh sẽ chỉ điểm, giết hàng chục, hàng trăm đồng đội của mình.
Còn ĐB Lê Đông Phong cho rằng với tội “cướp tài sản” thì chưa nên bỏ hình phạt tử hình vì tội này hiện gây nguy hiểm cho xã hội nên cần phải có hình phạt nghiêm khắc để răn đe. ĐB Đặng Văn Hiếu (Thanh Hóa) cũng cho rằng nên cân nhắc việc bỏ tử hình với tội danh này.
ĐB Phạm Văn Gòn (TP.HCM) cho rằng không nên bỏ hình phạt tử hình với tội danh “vận chuyển trái phép chất ma túy”, bởi đây cũng là hành vi đặc biệt nguy hiểm.