Đề nghị giải mật tài liệu vụ thâu tóm đất vàng ở Đà Nẵng
Các luật sư cho rằng hồ sơ vụ án có một số tài liệu mật và tuyệt mật, có thể là chứng cứ để bào chữa cho bị cáo nên đề nghị giải mật và có hướng dẫn để sử dụng những tài liệu này.
Ngày 2-1, phiên tòa xét xử Phan Văn Anh Vũ (tức Vũ “nhôm”) cùng 20 bị cáo trong vụ án thâu tóm công sản và đất vàng trên địa bàn TP Đà Nẵng kết thúc ngày làm việc đầu tiên.
Do số lượng bị cáo lớn cùng bản cáo trạng dài tới 104 trang, buổi làm việc chủ yếu là phần làm thủ tục và công bố cáo trạng.
Vũ “nhôm” thành thạo khai báo
Tại phần thủ tục, hai cựu chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Trần Văn Minh và Văn Hữu Chiến là những người đầu tiên bước lên bục khai báo. Cả hai trả lời rõ ràng các câu hỏi của chủ tọa.
Tiếp đến là Vũ “nhôm”. Đứng trước bục khai báo, cựu thượng tá tình báo Bộ Công an tỏ ra bình tĩnh. Trải qua sáu phiên tòa, dường như bị cáo này đã quen với các thủ tục xét xử.
Vũ trả lời rất nhanh các câu hỏi của chủ tọa liên quan đến thông tin cá nhân, thậm chí còn trả lời trước khi được hỏi.
Đáng chú ý, trong phần điểm danh, thư ký cho biết ông Ngô Ánh Hùng (anh rể Vũ) và bà Phan Thị Anh Đài (chị Vũ, vợ ông Hùng) đều vắng mặt. Ông Hùng là giám đốc Công ty TNHH I.V.C, còn bà Đài là giám đốc Công ty CP Đầu tư Nhất Gia Phúc.
Hai cá nhân này có hành vi tham gia việc chuyển nhượng bốn nhà, đất công sản liên quan đến Vũ, gồm 37 Pasteur, 39 Pasteur, số 02 Hải Phòng và 100 Bạch Đằng.
Tuy nhiên, theo Cơ quan CSĐT Bộ Công an, cả ông Hùng và bà Đài đã xuất cảnh ra nước ngoài từ tháng 11-2017 (trước thời điểm khởi tố vụ án) nên sẽ xem xét xử lý sau.
Ngoài ra, bị cáo Phan Ngọc Thạch (cựu tổng giám đốc Công ty Du lịch Đà Nẵng) có đơn xin xét xử vắng mặt, nhiều công ty do Vũ lập ra và có liên quan tới việc chuyển nhượng quyền sử dụng đất tại các dự án trong vụ án này cũng không đến tòa.
Bị cáo Phan Văn Anh Vũ. Ảnh: TUYẾN PHAN
Đề nghị giải mật tài liệu mật
Đáng chú ý, luật sư (LS) của bị cáo Văn Hữu Chiến (cựu chủ tịch UBND TP Đà Nẵng) cho biết đã có kiến nghị gửi tòa, đề nghị triệu tập ông Hoàng Tuấn Anh (nguyên Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng) vì liên quan đến hai dự án nhà, đất. LS cũng đề nghị tòa mời ông Huỳnh Đức Thơ (Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng) vì liên quan đến nhà, đất số 16 Bạch Đằng.
Một ls khác của bị cáo Chiến cho biết đã có văn bản kiến nghị HĐXX triệu tập đại diện Bộ TN&MT vì một số tài liệu có liên quan đến cách đánh giá của bộ này.
Ngoài ra, hồ sơ vụ án có một số tài liệu mật và tuyệt mật, có thể là chứng cứ để bào chữa cho bị cáo. LS đề nghị HĐXX có hướng dẫn để sử dụng những tài liệu này.
LS này cũng nói trong các bị cáo hầu tòa, có nhiều người cao tuổi, sức khỏe yếu, hơn nữa bản cáo trạng dài nên đề nghị HĐXX xem xét cho phép bị cáo được ngồi nghe cáo trạng hoặc trả lời thẩm phán.
LS còn gửi lời tới các cơ quan báo chí, hy vọng phản ánh công tâm, khách quan vì có thể có những diễn biến không giống với kết luận điều tra vụ án.
Trong khi đó, LS của bị cáo Vũ cho rằng trong quyết định đưa vụ án ra xét xử của tòa thì các thành phần tham dự rất đông, đề nghị tòa cung cấp cho LS danh sách đầy đủ người được triệu tập.
Đặc biệt, LS cho biết trước đó đã gửi kiến nghị tới HĐXX về việc ngoài tư cách bị cáo thì đề nghị đưa Vũ “nhôm” tham gia phiên tòa thêm tư cách của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan tại Công ty CP Xây dựng 79 và Công ty CP Bắc Nam 79 để đảm bảo phần tài sản của mình cũng như công ty trong quá trình thi hành án.
LS cũng đề nghị giải mật một số văn bản mật cũng như hướng dẫn phương thức sử dụng các tài liệu này…
Sẽ triệu tập ông Huỳnh Đức Thơ nếu cần thiết
Sau khi hội ý, HĐXX ghi nhận các đề nghị của LS về việc triệu tập thêm người làm chứng như Bộ TN&MT, ông Hoàng Tuấn Anh, ông Huỳnh Đức Thơ... và cho biết sẽ triệu tập nếu thấy cần thiết.
Đối với vấn đề giải mật một số tài liệu, HĐXX cho rằng về nguyên tắc thì không được công bố tại tòa nếu các tài liệu này chưa được giải mật. Vì thế, cá nhân nào công bố và làm lộ thì phải chịu trách nhiệm trước pháp luật.
Tuy nhiên, các tài liệu này đã được thể hiện trong kết luận điều tra và bản cáo trạng, các LS có thể tiếp cận. Trong quá trình xét xử, HĐXX sẽ tiếp tục kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền giải mật các tài liệu này.
Đối với yêu cầu cho các bị cáo sức khỏe yếu ngồi nghe cáo trạng, tòa ghi nhận và đồng ý. Còn với đề nghị cho Phan Văn Anh Vũ tham gia phiên tòa thêm tư cách của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan, HĐXX sẽ xem xét trong quá trình xét xử vụ án.
Chiều 2-1, VKS hoàn tất phần công bố cáo trạng, HĐXX tuyên bố tạm nghỉ, tiếp tục làm việc vào 8 giờ sáng nay (3-1).
Ba bản án của Vũ “nhôm” Tại tòa, Vũ nhớ rất rõ ba bản án đã có hiệu lực với mình. Trong đó, bản án tám năm tù của TAND Cấp cao tại Hà Nội về tội cố ý làm lộ bí mật nhà nước, bản án 17 năm tù của TAND Cấp cao tại TP.HCM về tội lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản và bản án 15 năm tù của TAND Cấp cao tại Hà Nội về tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong thi hành công vụ. |
Nguồn: [Link nguồn]
Tất cả các bị cáo trong vụ án bán đất công sản cho Phan Văn Anh Vũ (Vũ nhôm) đều có hộ khẩu thường trú và sinh sống...