Đề nghị bỏ sổ hộ khẩu từ năm 2021

Sự kiện: Thời sự

Dự thảo Luật Cư trú (sửa đổi) sẽ bãi bỏ sổ hộ khẩu và các thủ tục hành chính liên quan, thay thế bằng hình thức quản lý thông qua mã số định danh cá nhân.

Sáng 23-5, tiếp tục chương trình làm việc tại kỳ họp thứ 9, Quốc hội (QH) nghe Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm trình bày Tờ trình về dự án Luật Cư trú (sửa đổi). Dự Luật Cư trú sửa đổi dự kiến sẽ thông qua tại kỳ họp thứ 10 vào cuối năm nay và có hiệu lực từ ngày 1-7-2021.

Bốn vấn đề cần làm rõ

Theo Bộ trưởng Tô Lâm, dự thảo Luật Cư trú (sửa đổi) đã sửa đổi theo hướng thay thế phương thức quản lý cư trú sổ hộ khẩu, sổ tạm trú giấy bằng việc sử dụng mã số định danh cá nhân của công dân để truy cập, cập nhật thông tin trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

Báo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của QH Hoàng Thanh Tùng cho hay để bảo đảm tính khả thi, không gây xáo trộn lớn đối với cuộc sống, sinh hoạt của người dân và hoạt động của các cơ quan nhà nước khi bỏ sổ hộ khẩu, sổ tạm trú, Ủy ban Pháp luật đề nghị làm rõ một số vấn đề sau:

Đại biểu Nguyễn Văn Hiển, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Lâm Đồng, phát biểu tại phiên thảo luận Ảnh: Quốc Hội

Đại biểu Nguyễn Văn Hiển, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Lâm Đồng, phát biểu tại phiên thảo luận Ảnh: Quốc Hội

Một là, đề nghị Chính phủ cần có giải pháp cụ thể để khắc phục các khó khăn, bảo đảm hoàn thành việc cấp số định danh cá nhân cho gần 80 triệu công dân còn lại theo đúng tiến độ đề ra. Bởi phương thức quản lý cư trú mới chỉ có thể được vận hành thông suốt trên cơ sở tất cả công dân Việt Nam đã được cấp số định danh cá nhân, trong khi đến nay mới có hơn 18 triệu công dân được cấp.

Hai là, nền tảng công nghệ để vận hành phương thức quản lý cư trú mới là Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và Cơ sở dữ liệu về cư trú. Dự kiến, tháng 6-2021 sẽ đưa Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư vào vận hành. Tuy nhiên, qua khảo sát thực tế việc xây dựng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu về cư trú tại Bộ Công an cho thấy một số gói thầu có liên quan mới trong giai đoạn đàm phán ký hợp đồng, đồng thời kinh phí đầu tư xây dựng các cơ sở dữ liệu này cũng chưa được cấp đủ. Do đó, đề nghị Chính phủ quan tâm chỉ đạo quyết liệt, nhất là bảo đảm việc bố trí đủ vốn cho dự án, bảo đảm tiến độ hoàn thành.

Ba là, khi chuyển đổi sang phương thức quản lý cư trú thông qua số định danh cá nhân, bỏ sổ hộ khẩu sẽ tác động, ảnh hưởng lớn tới các quy định về giấy tờ công dân trong nhiều thủ tục hành chính hiện hành, tác động tới các chính sách, quy định về hộ gia đình cũng như việc xác định quan hệ nhân thân để hưởng quyền lợi và thực hiện nghĩa vụ công dân. Do đó, trong quá trình sửa đổi, bổ sung các văn bản này để phù hợp với phương thức quản lý cư trú mới, đề nghị xem xét, có giải pháp phù hợp thay thế.

Bốn là, đề nghị làm rõ và quy định ngay trong luật trách nhiệm cung cấp, chia sẻ thông tin, dữ liệu về cư trú giữa các cơ quan nhà nước; việc khai thác thông tin từ Cơ sở dữ liệu về cư trú của tổ chức, cá nhân theo hướng tạo điều kiện thuận lợi cho công dân khi cần sử dụng thông tin về nhân thân, nơi thường trú, tạm trú... trong các cơ sở dữ liệu.

Bỏ điều kiện nhập hộ khẩu ở đô thị lớn

Theo tờ trình của Chính phủ, Luật Cư trú hiện hành quy định các điều kiện riêng đối với việc đăng ký thường trú vào TP trực thuộc trung ương so với đăng ký thường trú vào tỉnh. Việc quy định riêng này nhằm hạn chế tình trạng di dân từ nông thôn đến các TP lớn, giảm áp lực cho hệ thống cơ sở hạ tầng và chính sách an sinh xã hội của các đô thị này.

Tuy nhiên, quy định này không thực sự phát huy hiệu quả. Tình trạng gia tăng dân số cơ học, di dân từ các tỉnh, nông thôn đến các TP lớn, trong đó có các TP trực thuộc trung ương, vẫn rất cao. Nhiều người dân dù không có hộ khẩu tại TP nhưng vẫn sinh sống, làm việc trong khi họ và gia đình gặp nhiều khó khăn trong học tập, lao động, hưởng các dịch vụ xã hội. Bên cạnh đó, việc quy định riêng các điều kiện đăng ký thường trú ở các TP trực thuộc trung ương đã ảnh hưởng đến quyền tự do cư trú của công dân theo quy định của Hiến pháp năm 2013. Do vậy, Chính phủ đã thống nhất bỏ các quy định riêng về điều kiện đăng ký thường trú tại TP trực thuộc trung ương.

Để bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật, dự thảo luật quy định bãi bỏ khoản 3, khoản 4 điều 19 Luật Thủ đô quy định về điều kiện đăng ký thường trú ở thủ đô. 

Tăng mức phạt để ngăn chủ đầu tư trục lợi

Chiều 23-5, thảo luận về dự thảo Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng, ĐB Cao Đình Thưởng (Phú Thọ) bày tỏ bức xúc trước tình trạng chủ đầu tư xây dựng trái phép, xây dựng sai thiết kế, đa số xây quá tầng để trục lợi nhưng vẫn được cơ quan chức năng cấp phép. "Vẫn biết sau khi vụ việc vỡ lở, cơ quan chức năng vào cuộc thì chủ đầu tư sẽ bị xử phạt, thậm chí truy cứu trách nhiệm hình sự, song hệ lụy là ngân sách nhà nước thất thu, người dân thiệt hại lớn, khi bỏ ra hàng trăm triệu, hàng tỉ đồng để đầu tư vào các công trình sai phép, mất tiền mà không biết kêu cứu ở đâu trong khi việc xử lý vi phạm của cơ quan có thẩm quyền thường là chậm" - ĐB Cao Đình Thưởng nêu.

Để khắc phục, ĐB Cao Đình Thưởng đề nghị cần bổ sung và quy định rõ trách nhiệm chính quyền địa phương khi để xảy ra xây dựng sai phép gây hậu quả nghiêm trọng. Nêu thực trạng mức phạt tối đa hiện chỉ là 1 tỉ đồng, nếu xây vượt tầng có thể thu lời nhiều tỉ đồng, nên chủ đầu tư sẵn sàng nộp phạt để hợp thức hóa sai phạm của mình, ĐB đề nghị phải tăng mức xử phạt, tránh tình trạng "phạt cho tồn tại" với các công trình sai phép.

Điều chỉnh quy hoạch phải gắn trách nhiệm lãnh đạo

Sáng cùng ngày, QH nghe tờ trình dự thảo Nghị quyết của QH về thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị và một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP Đà Nẵng và sau đó thảo luận trực tuyến.

Theo đó, Chính phủ đề nghị thí điểm tổ chức chính quyền đô thị tại TP Đà Nẵng theo mô hình và phạm vi: Tại TP Đà Nẵng tổ chức cấp chính quyền địa phương (gồm HĐND và UBND); tại các quận và phường không tổ chức cấp chính quyền địa phương mà chỉ tổ chức cơ quan hành chính là UBND. Ở huyện Hòa Vang và các xã trực thuộc vẫn tiếp tục giữ mô hình cấp chính quyền địa phương, gồm HĐND và UBND.

Đại biểu (ĐB) Nguyễn Văn Hiển, Đoàn ĐBQH tỉnh Lâm Đồng, cho rằng việc tổ chức mô hình chính quyền đô thị ở TP Đà Nẵng theo mô hình một cấp là phù hợp với điều kiện địa lý, kinh tế, xã hội của TP. Tuy nhiên, đề nghị rà soát, bổ sung thêm về quyền hạn của chủ tịch UBND cấp quận, cấp phường trong công tác nhân sự, đặc biệt là quản lý tuyển dụng, sử dụng công chức không giữ chức vụ lãnh đạo. Hiện TP Đà Nẵng còn có đơn vị hành chính là huyện Hòa Vang vẫn được tổ chức theo Luật Tổ chức chính quyền địa phương. Tuy nhiên, huyện Hòa Vang đã có 5/11 xã đáp ứng tiêu chí của phường với tốc độ đô thị hóa nhanh. Trong thời gian ngắn, huyện Hòa Vang và các xã thuộc huyện sẽ đáp ứng tiêu chí của chính quyền đô thị. Do vậy, trong dự thảo Nghị quyết cần tính đến phương án Ủy ban Thường vụ QH cho phép nâng cấp huyện Hòa Vang thành chính quyền đô thị và áp dụng mô hình chính quyền một cấp hiện nay mà không cần phải trình QH xem xét lại là cần thiết.

Các ĐB cho ý kiến về điều chỉnh quy hoạch (điều 11). Dự thảo Nghị quyết giao chủ tịch UBND TP phê duyệt điều chỉnh quy hoạch TP; giao UBND TP thực hiện phê duyệt điều chỉnh cục bộ quy hoạch... ĐB Đinh Duy Vượt (Gia Lai) đề nghị phải gắn trách nhiệm của người đứng đầu phê duyệt điều chỉnh quy hoạch, kể cả khi họ về hưu hay luân chuyển công tác, nhằm tránh tình trạng điều chỉnh quy hoạch, bổ sung quy hoạch tùy tiện hay thay đổi quy hoạch theo "tư duy nhiệm kỳ". "Thậm chí nhiệm kỳ sau phủ định quy hoạch ở nhiệm kỳ trước, gây hậu quả không nhỏ như đã từng xảy ra" - ông Vượt nói.

Nguồn: [Link nguồn]

Luật Cư trú: Điều kiện đăng ký thường trú vào thành phố trực thuộc Trung ương sẽ thế nào?

Dự thảo Luật Cư trú (sửa đổi) được Chính phủ trình Quốc hội hôm nay (23-5), có nhiều thay đổi về điều...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Văn Duẩn ([Tên nguồn])
Thời sự Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN