Đề nghị báo cáo rõ nợ xấu lĩnh vực bất động sản, cho vay BOT

Sự kiện: Thời sự

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ báo cáo rõ nợ xấu trong các lĩnh vực như bất động sản, chứng khoán, tín dụng tiêu dùng, trái phiếu doanh nghiệp, cho vay BOT; lãi dự thu, sở hữu chéo…

Tổng Thư ký Quốc hội vừa có thông báo kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về tổng kết thực hiện Nghị quyết số 42/2017/QH14 và dự thảo Nghị quyết kéo dài thời hạn áp dụng toàn bộ quy định của Nghị quyết này.

Theo thông báo, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất đánh giá việc ban hành Nghị quyết số 42 là một quyết sách đúng đắn, kịp thời của Quốc hội. Các bộ, ngành, cơ quan Trung ương, địa phương và các tổ chức tín dụng trong gần 5 năm qua đã tổ chức triển khai thực hiện nghị quyết, góp phần kiểm soát nợ xấu dưới mức 2%, bảo đảm an toàn của hệ thống các tổ chức tín dụng.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết số 42 so với các mục tiêu, yêu cầu khi trình Quốc hội thông qua nghị quyết. Cùng với đó, phân tích, làm rõ về thực trạng nợ xấu, kết quả xử lý nợ xấu, đánh giá kỹ hơn hiệu quả của các biện pháp xử lý nợ xấu.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng lưu ý, phải bổ sung số liệu nợ xấu xác định theo Nghị quyết số 42 (số tuyệt đối và tỷ trọng, phân theo đối tượng tổ chức tín dụng và các lĩnh vực cụ thể) gồm: tổng nợ xấu tại thời điểm nghị quyết có hiệu lực và đã được xử lý; tổng nợ xấu phát sinh sau thời điểm nghị quyết có hiệu lực thuộc phạm vi của nghị quyết và đã được xử lý; tổng nợ xấu còn lại chưa được xử lý đến ngày 31/12/2021.

Chính phủ còn được đề nghị phân tích thực trạng nợ xấu của các tổ chức tín dụng tại thời điểm 31/12/2021 và kết quả xử lý nợ xấu nói chung, trong đó có các biện pháp xử lý như trích lập dự phòng rủi ro, mua bán nợ của các tổ chức tín dụng; kết quả xử lý nợ xấu của Công ty quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC); báo cáo rõ về nợ xấu trong các lĩnh vực như bất động sản, chứng khoán, tín dụng tiêu dùng, trái phiếu doanh nghiệp, cho vay BOT; lãi dự thu, sở hữu chéo…

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đề nghị phân tích ảnh hưởng của dịch COVID-19 đến kết quả xử lý nợ xấu theo Nghị quyết số 42; ảnh hưởng của việc thực hiện quyền thu giữ tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu đối với công tác giữ gìn an ninh, trật tự, an toàn xã hội. Bổ sung thêm đánh giá tác động của việc thực hiện Nghị quyết số 42 đối với sự phát triển của hệ thống các tổ chức tín dụng nói riêng và nền kinh tế nói chung cũng là yêu cầu được nêu tại thông báo.

Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cũng yêu cầu đánh giá kỹ hơn về các khó khăn, vướng mắc, tồn tại, yếu kém trong quá trình triển khai thực hiện Nghị quyết số 42. Đặc biệt là đánh giá nguyên nhân chủ quan, khách quan, bài học kinh nghiệm; đề xuất các giải pháp khắc phục khi kéo dài thời hạn áp dụng của Nghị quyết số 42, lưu ý các mục tiêu, giải pháp, hoàn thiện các hướng dẫn thực hiện nghị quyết để bảo đảm đầy đủ, thống nhất; hoàn thiện hệ thống cơ sở dữ liệu về xử lý tranh chấp tài sản trong các vụ án…

Về hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về xử lý nợ xấu, tài sản bảo đảm, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đề nghị bổ sung vào báo cáo tổng kết thời gian xây dựng khuôn khổ pháp lý về xử lý nợ xấu và tài sản bảo đảm để thay thế Nghị quyết số 42.

Cơ quan thường trực của Quốc hội thống nhất bổ sung vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022 đối với Nghị quyết kéo dài thời hạn áp dụng toàn bộ quy định của Nghị quyết số 42; thống nhất áp dụng trình tự, thủ tục rút gọn thông qua Nghị quyết theo quy trình 1 kỳ họp tại kỳ họp thứ 3 (tháng 5/2022).

Nguồn: [Link nguồn]

Tiếng kêu cứu bên trạm BOT đường tránh Biên Hoà

Tiếng kêu cứu của hàng chục hộ dân ở phía Đông trạm thu phí BOT đường tránh Thành phố Biên Hoà (Đồng Nai) sau nhiều năm vẫn không được lắng nghe một cách thấu đáo

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Luân Dũng ([Tên nguồn])
Thời sự Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN