Để cứu giúp nạn nhân tai nạn không bị "làm phúc phải tội"
Để lòng tốt được lan tỏa và nhiều người có cơ hội sống cao hơn khi được cấp cứu kịp thời, cần có cơ chế bảo vệ người cứu giúp nạn nhân TNGT.
Quay clip làm bằng chứng
Thiếu tá Nguyễn Ninh Dương, cán bộ Đội CSGT đường bộ số 6, Phòng CSGT Công an TP Hà Nội kể, khoảng 7h sáng ngày 2/10, khi đang trên đường lái xe đi làm, anh nhìn thấy bên vỉa hè đường Nguyễn Xiển có một phụ nữ chảy nhiều máu nhưng chưa có xe cấp cứu đến.
Lập tức, Thiếu tá Dương đã dừng xe, tiến lại hỏi thăm và cùng người dân sử dụng ô tô của mình để đưa người phụ nữ đi cấp cứu. Toàn bộ quá trình này đã được Thiếu tá Dương nhờ người xung quanh hiện trường quay lại clip.
Theo Thiếu tá Dương, đây là hành động cần thiết giúp người nhà nạn nhân nắm bắt được đúng sự việc, tránh rắc rối giống như trường hợp một người ở Quảng Ninh bị khiếu kiện sau khi cứu giúp nạn nhân TNGT.
Thiếu tá Nguyễn Ninh Dương, Cán bộ Đội CSGT đường bộ số 6, Phòng CSGT, Công an TP Hà Nội dừng ô tô, đưa người bị TNGT đi cấp cứu
Sự việc xảy ra khoảng hơn 10h sáng 17/6, bà P.T.T. (trú xã Hạ Long, huyện Vân Đồn) đang dắt xe đạp qua tuyến đường 58m tại thôn 7, xã Hạ Long thì bị một chiếc xe ô tô khách đâm vào ngã văng ra đường.
Đúng lúc ấy, anh Nguyễn Trung Đức đi xe máy đến đã đỡ bà T. vào bên đường, còn tài xế xe khách bỏ đi.
Anh Đức sau đó đã đón xe ô tô của anh Ngô Văn Chính (trú tại thị trấn Cái Rồng, huyện Vân Đồn) đưa nạn nhân đi bệnh viện.
Đến ngày 22/7/2022, bà T. ra viện. Tuy nhiên ít ngày sau, người nhà bà T. tố cáo vợ chồng anh Chính là người gây ra tai nạn, khiến vợ chồng anh phải đưa xe tới cơ quan công an kiểm tra và làm việc. Sau quá trình điều tra của công an huyện Vân Đồn, vụ việc đã được làm sáng tỏ, trả lại sự trong sạch cho anh Chính.
“Không chỉ là tình người, đó còn là nghĩa vụ”
Luật sư Diệp Năng Bình, Trưởng Văn phòng luật sư Tinh thông luật cho biết, hành động cứu giúp người bị nạn của anh Chính, thiếu tá Dương không chỉ là tình người mà còn là nghĩa vụ.
Tuy nhiên, không ít người cho rằng việc giúp người gặp nạn có thể đem đến không ít phiền phức cho bản thân như: Bị cơ quan công an mời lên làm việc nhiều lần, bị người nhà nạn nhân hiểu lầm rồi hành hung... từ đó dẫn đến tâm lý e ngại, không nhiệt tình trong việc cứu giúp những người gặp nạn.
Đây không chỉ là hành động vô cảm mà còn vi phạm pháp luật. Có rất nhiều cách để giảm thiểu những tình huống “làm phúc phải tội” như gọi cấp cứu 115 và gọi cảnh sát 113, đồng thời kêu gọi người đi đường cùng chứng kiến, sử dụng điện thoại quay lại hiện trường cũng như toàn bộ quá trình cứu giúp người.
“Nếu người gặp nạn còn tỉnh táo, hãy hỏi họ cách liên hệ để báo tin cho người thân. Như vậy, ngay khi cảnh sát đến, có thể bàn giao video vừa quay được để hỗ trợ quá trình điều tra và sẽ không bị người thân của nạn nhân hiểu lầm”, luật sư Bình chia sẻ.
Đồng quan điểm, luật sư Nguyễn Ngọc Hùng, Trưởng Văn phòng luật sư Kết nối cho biết, việc không cứu giúp nạn nhân TNGT không phải do bản chất vô tình, vô tâm mà thực tế nhiều người mang tâm lý ngại rắc rối.
Ông Nguyễn Trọng Thái, nguyên Chánh Văn phòng Ủy ban ATGT Quốc gia cho biết, cứu người gặp TNGT giúp giảm bớt nguy cơ tử vong và chấn thương cho nạn nhân nếu được đưa đi cấp cứu kịp thời.
“Vì thế, đây là việc cần làm, nên làm, không chỉ là trách nhiệm mà còn thể hiện lòng nhân ái của mỗi người”, ông Thái nói.
Thiếu tá Trần Quang Chinh, Phó đội trưởng Đội CSGT số 6, Phòng CSGT Công an TP Hà Nội cũng cho biết, quá trình giải quyết các vụ TNGT, chứng kiến rất nhiều trường hợp người dân cứu giúp, hỗ trợ nạn nhân bị va chạm, tai nạn.
Họ không chỉ sơ cứu tại hiện trường mà còn sẵn sàng sử dụng xe cá nhân đưa nạn nhân đi cấp cứu khi xe cứu thương vì ở xa mà chưa đến kịp.
“Khi cứu giúp nạn nhân TNGT, người dân nên quay lại toàn bộ khung cảnh xung quanh hiện trường nếu ở đoạn đường vắng, hoặc nhờ người dân cùng có mặt quay lại toàn bộ quá trình cứu giúp nhằm chủ động bảo vệ bản thân trong trường hợp bị hiểu lầm”, Thiếu tá Chinh chia sẻ.
Cần thêm cơ chế bảo vệ người cứu giúp
Ông Nguyễn Trọng Thái cho biết, pháp luật quy định mỗi người phải có trách nhiệm cứu giúp nạn nhân TNGT khi được yêu cầu.
Những tình huống bị hiểu lầm chỉ là hy hữu. Người dân hoàn toàn có thể yên tâm cứu giúp nạn nhân TNGT mà không lo bị hàm oan vì lực lượng chức năng sẽ có trách nhiệm điều tra, làm rõ vụ tai nạn. Tuy nhiên, cũng cần tăng cường tuyên truyền để tránh xảy ra tình trạng người thân nạn nhân mất bình tĩnh dẫn đến xô xát với chính người cứu giúp. Thượng tá Phạm Việt Công, Phó chánh Văn phòng Ủy ban ATGT Quốc gia. |
Do đó, cũng nên có cơ chế bảo vệ người cứu giúp để khuyến khích người dân chủ động hỗ trợ người bị nạn, thoát khỏi tâm lý e ngại “làm phúc phải tội”. Tuy nhiên, cần nghiên cứu kỹ, tham khảo các chuyên gia, luật pháp các nước trên thế giới quy định việc này như thế nào để đề xuất cơ chế phù hợp.
TS. Nguyễn Minh Hiếu, Trường Đại học GTVT cũng cho rằng, đây không chỉ là câu chuyện riêng tại Việt Nam.
Cuộc khảo sát trên toàn Ấn Độ chỉ ra rằng, 88% người được hỏi sẽ chần chừ giúp đỡ vì lo ngại các rắc rối về pháp lý. Cũng có tới 88% người cho rằng họ sẽ sẵn sàng hơn trong việc giúp đỡ các nạn nhân nếu như được pháp luật bảo vệ và hỗ trợ.
Những nhà lập pháp Ấn Độ kỳ vọng người hỗ trợ nạn nhân sẽ không bị cảnh sát và bệnh viện yêu cầu cung cấp thông tin cá nhân và không phải điền vào các biểu mẫu như là người chịu trách nhiệm (gây ra tai nạn, chi phí) liên quan tới nạn nhân.
Trong trường hợp phải lấy thông tin cá nhân, cần phải có quy trình rõ ràng theo hướng tôn trọng ở mức độ cao nhất đối với người cứu giúp và bệnh viện cũng không được phép yêu cầu họ phải chi trả bất cứ khoản phí nào.
Theo Luật sư Diệp Năng Bình, thực tế pháp luật Việt Nam vẫn có những cơ chế bảo vệ người cứu giúp nạn nhân TNGT. Đơn cử như cho phép việc lấy lời khai ngoài trụ sở công an nếu xét thấy cần thiết.
Luật sư Nguyễn Ngọc Hùng chia sẻ thêm, hiện nay, pháp luật cũng đã có những cơ chế xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự về hành vi vu khống, cố ý gây thương tích, đe dọa đến sức khỏe, tính mạng của người khác, giúp bảo vệ những người cứu giúp nạn nhân TNGT nhưng bị “vạ lây”.
Thấy nguy kịch không cứu có thể bị đi tù Theo quy định tại Luật GTĐB, nghiêm cấm hành vi có điều kiện mà cố ý không cứu giúp người bị TNGT. Nếu vi phạm sẽ bị phạt tiền từ 500 nghìn - 1 triệu đồng đối với cá nhân, từ 1 - 2 triệu đồng đối với tổ chức. Đặc biệt, hành vi không cứu giúp người đang ở trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng sẽ bị xem xét xử lý hình sự. |
“Tôi không ngờ việc làm của mình và đồng đội được ghi lại và chia sẻ trên mạng xã hội lại nhận nhiều sự quan tâm của mọi người đến vậy”, đại uý Tuyên nói.
Nguồn: [Link nguồn]