Để cặp ngà voi ở UBND tỉnh để… trang trí

UBND tỉnh Thanh Hóa để một cặp ngà voi để “trang trí cho đẹp” từ nhiều năm nay. Khi được hỏi về nguồn gốc xuất xứ của cặp ngà voi thì vị Phó chủ tịch UBND tỉnh nói “không quan tâm”.

Mới đây, UBND tỉnh Thanh Hóa tổ chức buổi lễ trao bằng khen cho Hoa hậu các dân tộc Việt Nam 2013 Nguyễn Thị Ngọc Anh (quê ở huyện Quảng Xương, tỉnh Thanh Hóa).

Điều đặc biệt là ở trong một bức ảnh chụp ông Vương Văn Việt, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa, trao bằng khen và quà tặng cho hoa hậu Ngọc Anh dễ dàng nhận thấy sự xuất hiện một cặp ngà voi rất lớn và đẹp ở phía sau. Điều này làm dấy lên dư luận về việc UBND tỉnh Thanh Hóa sở hữu cặp ngà voi này.
 
Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động chiều ngày 26/7, ông Vương Văn Việt cho biết buổi lễ được UBND tỉnh Thanh Hóa tổ chức ngày 16/7 vừa qua. “Cặp ngà voi này đã xuất hiện ở phòng khánh tiết (phòng tiếp đón khách) của UBND tỉnh Thanh Hóa từ lâu lắm rồi, năm 1998 tôi đã thấy có ở đây” - ông Việt nói.
 
Cũng theo vị phó chủ tịch tỉnh này, đây chỉ là vật trang trí cho đẹp. Ông Việt nói việc treo ngà voi trong trụ sở UBND tỉnh để trang trí là hết sức bình thường và ông đã gặp khá nhiều tại trụ sở UBND một số tỉnh dọc miền Trung cũng như khu vực Tây Nguyên.
 
Khi phóng viên đặt câu hỏi về việc UBND tỉnh Thanh Hóa đã tiến hành xác minh xem xuất xứ ngà voi có từ đâu và đây là ngà voi thật hay giả thì ông Việt nói “không quan tâm” tới việc này.
 
Trong khi đó, theo bà Dương Việt Hồng, Đại diện truyền thông Hiệp hội Bảo tồn Động vật hoang dã tại Việt Nam (WCS), ngà voi thuộc nhóm 1B, theo công ước quốc tế cũng như quy định của pháp luật ở Việt Nam hiện hành đều cấm buôn bán và sử dụng vào mục đích cá nhân.

Để cặp ngà voi ở UBND tỉnh để… trang trí - 1

Ông Vương Văn Việt trao bằng khen cho hoa hậu Ngọc Anh. Ảnh BTC cung cấp cho báo chí

Ngà voi chỉ được sử dụng cho mục đích nghiên cứu khoa học và được kiểm soát chặt chẽ về mặt nguồn gốc. Hiện nay ở Việt Nam xung đột giữa voi và con người nhiều hơn là việc săn bắn để lấy ngà. Số lượng voi hoang dã đã chết khá nhiều trong thời gian trước đây.
 
“Gần đây quốc tế đã lên án Việt Nam rất nhiều trong việc chưa xử lý nghiêm đối với việc buôn bán, tiêu thụ các sản phẩm động vật hoang dã như sừng tê giác, ngà voi. Nếu vẫn không có thay đổi thì chúng ta có thể đối mặt với việc bị cấm vận trong lĩnh vực này” - bà Hồng nói.
 
Vị đại diện truyền thông WCS tại Việt Nam này cũng cho biết thêm trước đây cũng đã xuất hiện cơ quan trung ương treo ngà voi trong trụ sở làm việc. Sau đó, khi dư luận lên tiếng phản ánh thì đã chủ động rút đi. Tuy nhiên, tại các tỉnh, thành thì việc này chưa được rà soát và không thể biết ở những đâu có việc treo ngà voi trong nơi làm việc.
 
“Việc sử dụng ngà voi làm vật trang trí ở cơ quan công quyền sẽ càng trở nên nghiêm trọng hơn, bởi lẽ ra những nơi đó phải làm gương cho người dân thực hiện” - bà Hồng nói.
 
Ông Đỗ Quang Tùng, Giám đốc Cơ quan Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp (CITES) Việt Nam, cho biết ngà voi có thể được sử dụng trưng bày để phục vụ mục đích phi thương mại nhưng không được phép mua bán, trao đổi.
 
Theo ông Tùng, ở Việt Nam có tình trạng ngà voi có nguồn gốc từ xưa để lại. Năm 1994, Việt Nam ra nhập CITES, chính vì thế phải lấy năm này để xác định về tính hợp pháp của ngà voi. Sắp tới CITES Việt Nam sẽ xây dựng quy định để bắt buộc các đơn vị đang sở hữu ngà voi phải tiến hành khai báo, kiểm kê.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Thế Kha (Người Lao Động)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN