Đê bê tông "khổng lồ" gần 40 tỷ đồng ngăn lụt cho nội thành Hà Nội
Sau hơn 2 tháng thi công, đê bê tông cốt thép tả Bùi, huyện Chương Mỹ, TP. Hà Nội với chi phí gần 40 tỷ đồng đang được gấp rút hoàn thiện để tránh nguy cơ gây mất an toàn cho các huyện Chương Mỹ, Hoài Đức, Quốc Oai và một bộ phận các quận nội đô Hà Nội.
Nhiều năm trở lại đây, huyện Chương Mỹ trở thành “rốn lũ” của TP. Hà Nội. Mỗi khi mùa mưa đến các xã, thị trấn luôn phải đối mặt với cảnh vỡ đê, lụt, úng ngập triền miên, gây thiệt hại nặng cho đời sống của người dân. Điển hình là trong hai năm gần nhất (2017 và 2018), các xã như Nam Phương Tiến, Tân Tiến, Hoàng Văn Thụ, Thủy Xuân Tiên... luôn rơi vào tình trạng ngập lụt kéo dài do mưa lũ tràn qua đê sông Bùi.
Khi những cơn lũ đi qua, người dân vùng ngập lụt Chương Mỹ vẫn thấp thỏm lo âu khi nhiều đoạn đê tả Bùi đang bị xói lở từng mảng, chính quyền địa phương phải tổ chức lực lượng tuần tra canh gác đê, nhằm chủ động đối phó với thiên tai…
Hình ảnh đê tả Bùi (Chương Mỹ, Hà Nội) được gia cố, ngăn không cho nước tràn qua đê trong mùa mưa lũ năm 2018. (Ảnh: Thành An)
Trước tình trạng ngập lụt ở Chương Mỹ ngày càng trở nên nghiêm trọng, sau nhiều cuộc họp bàn, làm việc với các cấp chính quyền, cuối năm 2018, UBND TP. Hà Nội đồng ý về chủ trương đề xuất của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NNPTNT) Hà Nội đồng thời giao đơn vị này làm chủ đầu tư thực hiện dự án xử lý cấp bách đoạn đê tả Bùi xung yếu nhất từ Trạm bơm Trung Hoàng, cầu Bến Cốc đến hết tràn Thanh Bình (dự kiến chiều dài khoảng 1.500m).
Khi hoàn thành công trình được hy vọng sẽ giúp hàng loạt xã Nam Phương Tiến, Tân Tiến, Hoàng Văn Thụ, Thủy Xuân Tiên... thuộc huyện Chương Mỹ, Hà Nội thoát cảnh ngập lụt khi vào mùa mưa bão.
Ghi nhận của PV Dân Việt cho thấy, thời gian gần đây, tại khu vực đê tả Bùi đoạn xung yếu (từ trạm bơm xã Trung Hoàng đến hết xã Thanh Bình) tại huyện Chương Mỹ, Hà Nội, các chủ đầu tư đang gấp rút tổ chức thi công 16 công trình xử lý cấp bách các sự cố đê điều, thủy lợi trên địa bàn thành phố, để kịp đưa vào hoạt động trước mùa mưa lũ năm 2019.
“Trong trận lũ năm 2018, đoạn xung yếu đê tả Bùi có nguy cơ bị vỡ, người dân phải mang bao tải cát ra gia cố. Do đó, với việc xây dựng tường chắn sóng, nâng cao mặt đê dài hơn 1km sẽ giúp ngăn lũ tràn vào đê. Bên cạnh đó, việc làm này cũng nhằm tiết kiệm chi phí và công sức cho người dân và chính quyền trong việc đắp đê bằng bao cát như mọi năm”, ông Nguyễn Văn Hương - đại diện đơn vị thi công cho biết.
Hình ảnh mưa lũ gây ngập nhiều nhà dân ở huyện Chương Mỹ năm 2017. (Ảnh: Thành An)
Hằng ngày, hàng chục công nhân tại công trình đê tả Bùi vẫn khẩn trương, miệt mài làm việc từ 6h30 và nghỉ trưa lúc 10h30 (do thời tiết nắng nóng – PV) đến chiều lại tiếp tục làm việc nhằm cải tạo, nâng cấp đê trước mùa mưa lũ 2019.
Đoạn đê xung yếu được nâng cấp theo kỹ thuật bê tông dự ứng lực. Từ mặt đê, công nhân đào sâu xuống khoảng một mét, đổ cốt thép làm móng. Giữa tường chắn sóng có băng cản nước màu xanh, tấm này có vai trò co giãn nhiệt để khi nước lên thì không để nước chảy vào phía trong. Bên trong đê, một đường mương thoát nước dài 300m và rộng 1m cũng đang được công nhân tích cực hoàn thiện trả lại cho dân.
Đoạn đê tả Bùi đang được gấp rút hoàn thiện để đề phòng mưa lớn, ngập úng. Theo đơn vị xây dựng, hiện còn khoảng 300 - 500 mét cuối cùng, từ khu vực cầu Cốc đến hết trạm bơm (xã Thanh Bình, Chương Mỹ). (Ảnh: Thành An)
Đê bê tông cốt thép đê tả Bùi khi hoàn thiện sẽ giúp vùng dân cư bên trong đê như khu vực Chương Mỹ, Hoài Đức, Quốc Oai, Hà Đông... yên tâm khi xảy ra mưa lớn, nước dâng cao trên sông Bùi...
Sau hai tháng triển khai, một phần tường chắn sóng trên đoạn đê xung yếu đã hoàn thiện. Một bức tường bê tông cốt thép ngăn lũ trên mặt đê đã xuất hiện; phía bên trong một đường mương thoát nước rộng hơn 2m cũng được xây dựng. Hiện đạt từ 50% đến hơn 70% khối lượng công việc.
“Đê tả Bùi có đoạn cao đoạn thấp vì thế nó được chia làm 3 đoạn để thi công tường chắn sóng. Một đoạn có chiều cao 2m4, đoạn 2m7 và đoạn hơn 3m. Tuy nhiên, đỉnh của tường chắn sóng có chung một cao độ là 9m4”, anh Nguyễn Thành Công - công nhân đang xây dựng công trình cho hay.
Được biết, trước đây công trình dự kiến sẽ hoàn thành trước ngày 30/4/2019, tuy nhiên vì nhiều lý do điểm mốc đó không hoàn thành được nên hiện nay các đơn vị thi công đang tích cực hoạt động để sớm hoàn thành dự án.
Dự kiến toàn bộ công trình được dự toán khoản kinh phí khoảng 37,3 tỷ đồng.
Trước “túi nước” khổng lồ, con đê Bùi vẫn kiên cường chống đỡ sức ép của hàng triệu khối nước.