ĐBQH: Nên rút học phổ thông xuống còn 11 năm
“Đã đến lúc phải đổi mới toàn diện chương trình phổ thông nên theo cơ cấu 9+2 thay vì 12 năm”.
Phổ thông 12 năm học không phù hợp?
Chiều 11/6, tại phiên chất vấn Bộ trưởng GD&ĐT Phạm Vũ Luận trước Quốc hội, Đại biểu Trịnh Ngọc Phương (Tây Ninh) cho rằng, hệ thống giáo dục phổ thông 12 năm hiện nay, nhiều nhà khoa học cho rằng không phù hợp, cần rút ngắn.
Theo Đại biểu, đã đến lúc phải đổi mới toàn diện chương trình phổ thông nên theo cơ cấu 9+2 thay vì 12 năm. Vì thực tế xét hoàn cảnh đa phần người học và điều kiện kinh tế của đất nước, việc kéo dài đến 12 năm học là không phù hợp, lãng phí, phần lớn các em học hết 12 năm vẫn quay về lao động chân tay, nếu thi rớt đại học.
Để được đào tạo nghề thì các em phải quay lại học nghề, trong khi đó nếu xác định học nghề từ đầu thì chỉ cần học đến hết lớp 9, không cần đến hết 12. Đại biểu Phương đề nghị Bộ trưởng cho biết quan điểm về vấn đề này?
Đại biểu Quốc hội Trịnh Ngọc Phương (tayninh.gov.vn)
Bộ trưởng GD&ĐT Phạm Vũ Luận cho rằng, về vấn đề đào tạo 12 năm hay rút xuống 11 năm, trong quá trình thảo luận xây dựng đề án đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo đã tổ chức nhiều hội thảo lấy ý kiến.
Có ý kiến đề nghị rút xuống vì những lý do như Đại biểu Trịnh Ngọc Phương vừa nêu trên. Có ý kiến đề nghị không thay đổi vì yêu cầu đòi hỏi một số năng lực, phẩm chất mà học sinh phải có. Ví dụ, khả năng tin học, ngoại ngữ, kỹ năng mềm... học sinh đang yếu cần được tăng cường. Nếu rút ngắn chương trình học sẽ không đủ thời gian.
Ông Luận cho biết, sau khi Trung ương thảo luận, cân nhắc cho ý kiến, trước mắt, giữ ổn định 12 năm như hiện nay. Yêu cầu Bộ GD & ĐT và các cơ quan chức năng tiếp tục nghiên cứu việc này. Trong chương trình hành động của Chính phủ triển khai thực hiện Nghị quyết về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo cũng giao cho Bộ GD & ĐT chủ trì, nghiên cứu hoàn thiện.
Bộ trưởng Luận bổ sung thêm thông tin, trong chuyến tháp tùng Thủ tướng sang Philippines (tháng 5 vừa qua), Tổng thống Philippines thông báo với Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng rằng nước này sẽ chuyển hệ phổ thông từ 11 năm sang 12 năm.
“Xin báo cáo vậy để thấy trên thế giới có nhiều xu hướng khác nhau, có nơi tăng, có nơi giảm tùy thuộc vào mục tiêu người ta hướng tới”, Bộ trưởng cho hay.
Dân nghĩ “mấy anh này chỉ vẽ ra để tiêu tiền”
Cũng tại phiên chất vấn, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận trả lời câu hỏi về việc dư luận cho rằng Bộ trưởng không kiểm soát được tình hình khi Bộ Giáo dục & Đào tạo trình Ủy ban thường vụ Quốc hội đề án đổi mới chương trình sách giáo khoa với chi phí 34 nghìn tỷ đồng, gây xôn xao dư luận.
Bộ trưởng Phạm Vũ Luận cho biết, trong đề án trình Ủy ban thường vụ Quốc hội, không có vấn đề kinh phí, tức là không có con số 34.000 tỷ đồng.
Ông cho biết, thực hiện nghị quyết đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo của Trung ương, Bộ triển khai chương trình đổi mới sách giáo khoa. Bộ thiết kế hồ sơ trình ra Quốc hội, để Quốc hội ra nghị Quyết về chủ trương đổi mới chương trình và sách giáo khoa năm 2014.
“Hồ sơ Bộ GD&ĐT chuẩn bị báo cáo Thủ tướng xem xét để trình Ủy ban thường vụ Quốc hội trước khi trình Quốc hội không có vấn đề kinh phí”, Bộ trưởng khẳng định.
Theo ông, vấn đề kinh phí sẽ được xử lý sau khi Quốc hội có nghị Quyết về chủ trương đổi mới chương trình và sách giáo khoa, Chính phủ sẽ phê duyệt các đề án đổi mới chương trình và sách giáo khoa. Mỗi đề án đó có vấn đề kinh phí.
“Do vậy, không có vấn đề kinh phí và không có con số 34 nghìn tỷ trong hồ sơ. Chúng tôi thấy rằng, không có khuyết điểm gì về việc này vì không có văn bản pháp luật quy định trình hồ sơ thế nào. Chỉ có cách căn cứ vào lịch sử Quốc hội khóa trước ở nhiệm vụ tương tự, Bộ GD&ĐT làm như vậy”, ông nói.
Nói thêm về sự xuất hiện con số 34.000 tỷ, Bộ trưởng Luận cho biết: "Khi Uỷ ban Thường vụ Quốc hội họp cho ý kiến về đề án này, tôi phải đi công tác nước ngoài trên cương vị Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Giáo dục các nước Đông Nam Á, cần chủ trì phiên họp của Hội đồng, không về kịp".
Do vậy, tại phiên họp này, một thứ trưởng báo cáo Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, không có con số 34.000 tỷ. Khi Thường vụ thảo luận, chất vấn các thành viên Chính phủ, bà Trương Thị Mai, Chủ nhiệm UB về các vấn đề xã hội của Quốc hội hỏi về tính toán của Chính phủ về khả năng xã hội hóa nguồn kinh phí để triển khai ngoài ngân sách Nhà nước.
Lúc đó, một cán bộ cấp vụ ngồi ghế sau, đưa lên một tờ giấy... Bộ trưởng cho rằng, đó là cuộc họp trang nghiêm, quan trọng nên “bị khớp”, đọc lên con số đó. Sau đó, Bộ GD&ĐT tổ chức họp báo nói lại con số 34.000 tỷ cho nhiều việc, nhưng báo chí rút gọn lại 34.000 tỷ để làm chương trình sách giáo khoa.
“Do nói không khéo, không đầy đủ nên nhân dân thấy con số 34.000 tỷ là đúng. Như thế là có lỗi kỹ thuật, sai sót”.
“Tôi với tư cách Bộ trưởng, thực hiện sự ủy quyền của Thủ tướng chưa được đầy đủ, gây nên sự lo lắng trong nhân dân. Sự lo lắng nhất là “mấy anh này chỉ vẽ ra để tiêu tiền, thất thoát tiền nong của đất nước, nhân dân”, Bộ trưởng nói.
Để nhận ngay ĐIỂM THI Tốt Nghiệp 2014, soạn tin: DIEM Mãtỉnh Sốbáodanh gửi 8702 VD: Thí sinh tại Hà Nội, có SốBD là 102886. Soạn tin: DIEM 1A 102886 gửi 8702 Xem chi tiết bấm đây |