ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng: “Tôi chất vấn thẳng không ngại rủi ro, va chạm”!
ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng được cử tri cả nước biết đến thông qua những lần tranh luận thẳng thắn hoặc những câu hỏi khá “gai góc”, dễ “đụng chạm”.
Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng - Đoàn ĐBQH tỉnh Bến Tre, phát biểu tại Quốc hội
Phó trưởng ban Dân nguyện (thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội) Lưu Bình Nhưỡng chia sẻ như trên trong cuộc trò chuyện với Báo Giao thông ngay sau khi kết thúc phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 10 Quốc hội khóa XIV.
Không chỉ tại kỳ họp này mà trước đó, ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng đã được cử tri cả nước biết đến thông qua những lần tranh luận thẳng thắn hoặc những câu hỏi khá “gai góc”, dễ “đụng chạm”.
Không lo ngại “phiền phức”
Trong các phiên chất vấn tại Quốc hội nhiệm kỳ này, ông là một trong những ĐBQH thường xuyên có những câu hỏi khiến cử tri rất chú ý, nhất là ông thường xuyên bấm nút tranh luận lại với cả người được chất vấn lẫn những ĐB khác. Điều gì thôi thúc ông làm việc này?
Tôi là ĐBQH, tôi có trách nhiệm lắng nghe ý kiến cử tri và truyền tải những vấn đề được nhiều cử tri quan tâm, những vấn đề bức xúc, thiết thực nhất trong đời sống, xã hội tới nghị trường Quốc hội, tới các thành viên Chính phủ. Cũng có vấn đề các thành viên Chính phủ trả lời còn chưa đáp ứng được yêu cầu của đại biểu, chưa đi thẳng, làm rõ vấn đề thì tôi có ý kiến tranh luận, trao đổi lại.
Tôi vẫn sẽ tiếp tục công việc này của mình bởi vì khi xác định người dân, cử tri đã đặt niềm tin thì mình không thể thoái thác. Phản ánh tâm tư và nguyện vọng chính đáng của cử tri một cách khách quan và trung thực là nhiệm vụ cao cả nhất của một người ĐBQH.
Ông Lưu Bình Nhưỡng sinh năm 1963, quê quán xã Hùng Dũng, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình, là tiến sĩ Luật kinh tế. Trước khi ứng cử ĐBQH khóa XIV tại Bến Tre, ông là Vụ trưởng, Phó chánh Văn phòng Ban chỉ đạo cải cách tư pháp Trung ương. |
Có ý kiến cho rằng, số ĐBQH dám thẳng thắn nói lên những điều mà cử tri bức xúc, đặt câu hỏi về trách nhiệm cụ thể... là chưa nhiều. Quan điểm của ông thế nào và nếu có thì nguyên nhân vì sao?
Về mặt nào đó tôi thấy nhận định này có phần đúng, điều này xuất phát từ bản lĩnh của từng người, phụ thuộc vào thông tin của từng đại biểu nắm được, tiếp đến là phụ thuộc vào vị trí công tác. Tôi nghĩ đây là vấn đề bình thường chứ không thể đòi hỏi tất cả các ĐBQH đều phải có thái độ giống nhau.
Nhắc đến đây tôi lại nghĩ đến vấn đề cơ cấu đại biểu, khi chúng ta đưa một ai đó để giới thiệu bầu ĐBQH thì phải xem xét có hợp lý không. Hiện nay có những đại biểu đóng hai vai, vừa là ĐBQH nhưng cũng đồng thời là người của cơ quan hành pháp. Điều này có thể sẽ dẫn đến việc những vị đại biểu đó bị cấp trên “nhắc nhở” nếu như đại diện cho cử tri phát biểu những vấn đề gai góc hay “động chạm”.
Cho nên nhân dân và cử tri cần Quốc hội đổi mới, chuyên nghiệp hóa, khi đó sẽ nâng cao hiệu quả, hiệu lực của Quốc hội.
Sau những lần phát biểu, tranh luận các vấn đề “nóng” trên nghị trường, ông có bị ai đó “nhắc nhở” không?
Việc trao đổi qua lại là có, các tư lệnh ngành chỉ đề nghị làm thế nào hài hòa để cho công việc hiệu quả hơn, chứ tuyệt đối không có đồng chí lãnh đạo nào yêu cầu tôi không được nói cái gì hoặc là cần phải nói cái gì.
Các đồng chí lãnh đạo đều tôn trọng quyền đại biểu của tôi và tất cả các đại biểu khác. Bản thân các đồng chí lãnh đạo cao cấp cũng nói với tôi là những nội dung tôi phát biểu thể hiện rằng tôi đang sử dụng tốt quyền đại biểu theo Hiến pháp, Luật tổ chức Quốc hội cũng như các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Tôi nhận được nhiều sự động viên từ một số lãnh đạo cao cấp nên càng cố gắng làm tròn trách nhiệm trước nhân dân.
Các vị tư lệnh ngành rất tôn trọng các nội dung mà tôi đưa ra. Bởi các nội dung đó có thể người khác không muốn nói, thậm chí có người không dám nói nhưng đó là những vấn đề thực tế và được cử tri, nhân dân quan tâm.
Các thành viên Chính phủ đều tôn trọng cá tính thẳng thắn của tôi. Nhiều đồng chí cũng cho biết rằng như vậy mới có cá tính riêng, nếu đại biểu nào cũng nói giống như nhau thì những tiếng nói trên diễn đàn Quốc hội không còn phong phú nữa.
Nhưng có khi nào ông lo ngại những phát biểu thẳng thắn sẽ gây phiền phức cho mình?
Tôi đã từng phát biểu tại Quốc hội là mình lường trước được có nhiều rủi ro, nhưng tôi chấp nhận sự rủi ro đó.
Những phát biểu tại nghị trường của tôi đều mang tính xây dựng nhằm phục vụ nhân dân, phục vụ Đảng, không có gì mang tính chất cá nhân nên tôi không ngại việc rủi ro, phiền phức.
Người thân, bạn bè của ông có bao giờ góp ý rằng ông nên bớt “gai góc” trên nghị trường không?
Các thành viên trong gia đình tôi, kể cả bạn bè có những người tâm tư nhưng không ai cản trở tôi. Bởi họ cũng hiểu tôi đang làm nhiệm vụ cao cả mà cử tri và nhân dân ủy thác. Họ động viên và chia sẻ với những việc mình đang làm, điều này phần nào khiến tôi có động lực để tiếp tục nói lên những nguyện vọng chính đáng của cử tri và nhân dân.
ĐBQH ngày càng am hiểu, bản lĩnh hơn
Phiên chất vấn và trả lời chất vấn vừa kết thúc được dư luận nhân dân và cử tri đánh giá rất cao, khi mà tất cả các thành viên Chính phủ đều có mặt để sẵn sàng trả lời các câu hỏi của các ĐB. Ông đánh giá thế nào về hiệu quả, nhất là cách thức này?
Ở kỳ họp thứ 10, việc tất cả các thành viên Chính phủ đều phải sẵn sàng trả lời chất vấn, theo tôi đó là cơ hội cho họ. Bởi qua diễn đàn Quốc hội, các thành viên Chính phủ có cơ hội trình bày trước quốc dân đồng bào sự cố gắng của mình, trình bày những việc mình làm được. Những điều gì chưa làm được khi công khai thì có thể đại biểu, cử tri sẽ góp ý để có những giải pháp khắc phục.
Một trong những điểm nhấn tại phiên chất vấn này là các bộ trưởng, trưởng ngành đã tiếp thu một cách cầu thị, nhận trách nhiệm rõ ràng, không đổ lỗi cho bộ, ngành, cơ quan nào. Các đại biểu cũng nêu những câu hỏi thẳng thắn, cụ thể, thể hiện sự am hiểu và bản lĩnh của đại biểu ngày càng được nâng lên.
Tuy nhiên, hiện nay thời lượng chất vấn cho mỗi đại biểu là ngắn, nếu đại biểu nào xao nhãng, trình bày không gãy gọn thì dẫn đến mất cơ hội đặt những câu hỏi chất lượng. Thời lượng chất vấn nên nới rộng là 2 phút thì có thể hỏi được từ 2 - 5 câu hỏi. Nếu thời lượng mà ngắn quá thì e rằng hiệu quả sẽ không được như mong muốn.
Công tác ở Ban Dân nguyện, ông đã nhận được nhiều đơn thư của người dân, chẳng hạn như vụ Hồ Duy Hải, gần đây nữa là vụ xe container đi lùi trên cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên. Thường thì những việc như vậy, ông sẽ giải quyết như thế nào?
Vụ xe container đi lùi trên cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên thì tôi đã gửi đơn của vợ bị cáo lái xe container đến Chánh án TAND Tối cao, VKSND để xem xét. Bởi vì việc này không chỉ gia đình mà một số ý kiến cũng băn khoăn và cho rằng, việc xử lý như hiện tại như chưa thấu tình đạt lý.
Còn liên quan đến vụ án Hồ Duy Hải tôi đã đặt vấn đề trước Quốc hội, trên cơ sở ý kiến của tôi, của ĐBQH Lê Thanh Vân và ĐBQH Trương Trọng Nghĩa, Ủy ban Tư pháp đã có văn bản tham mưu cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Vụ việc này nằm trong thẩm quyền của Ủy ban Thường vụ Quốc hội thì chúng tôi phải chờ.
Với những đơn thư của nhân dân tin tưởng gửi đến, tôi đã cố gắng xử lý tốt nhất trong chức năng, nhiệm vụ của mình.
Ông cảm thấy thế nào mỗi khi công việc mà người dân tin tưởng gửi gắm nhưng cuối cùng không được xử lý đến nơi đến chốn?
Quả là tôi có tâm tư. Bởi có nhiều việc tôi chuyển đến các cơ quan chức năng nhưng bằng cách nào đó, những ý kiến đó của tôi không được giải quyết triệt để. Tôi cũng đặt câu hỏi liệu đây có phải là biểu hiện “trên bảo dưới không nghe”, trên thì chỉ đạo xuống nhưng ở địa phương thì không thực hiện đến nơi đến chốn?
Chính vì thế trong kỳ họp thứ 5 của nhiệm kỳ vừa rồi, tôi đã nêu ý kiến ủng hộ Thủ tướng sử dụng triệt để quyền quy định trong Hiến pháp để quyết liệt hơn trong công tác điều hành. Đặc biệt là việc xử lý các cán bộ cấp dưới ở các bộ ngành và địa phương không thực hiện nghiêm túc các chỉ đạo của Thủ tướng.
Cảm ơn ông!
Một số phát biểu, chất vấn đáng chú ý "Hiện nay dư luận hết sức bất bình, đặc biệt là vào dịp lễ, Tết là công an cơ sở đi thu tiền của bà con buôn bán các thứ. Tôi đã thảo luận ở tổ và đề nghị đồng chí thực hiện biện pháp gì để cho anh em không làm chuyện này nữa, để tránh ảnh hưởng đến danh dự và uy tín của ngành công an”. (Chất vấn Bộ trưởng Công an tại kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV, tháng 11/2020) "Đề nghị các cán bộ, công chức nào có tính xấu, lên kế hoạch tham nhũng thì đề nghị phải dừng lại ngay. Bây giờ cả trong thời Covid-19 cũng còn tham nhũng, dân không thể chấp nhận được”. (Phát biểu tại kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XIV, tháng 6/2020) "Chết không có nghĩa là chúng ta xóa hoàn toàn khoản nợ. Đây là tiền ngân sách của nhà nước, là một vấn đề mang tính kỷ luật rất cao nên phải chấp hành nghiêm”. (Tranh luận về phát biểu của Bộ trưởng Tài chính liên quan đến vấn đề đánh thuế tài sản tại kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XIV, tháng 5/2018) "Lúc này không phải là lúc để xây nhà hát, khi lòng người dân Thủ Thiêm và cả nước chưa yên”. (Phát biểu về việc xây dựng nhà hát 1.500 tỷ tại Thủ Thiêm, TP HCM tại kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XIV, tháng 10/2018) "Nếu sau này dự án có hệ lụy thì Bộ trưởng có dám thực hiện cam kết từ chức trước Quốc hội?". (Chất vấn Bộ trưởng Công thương về dự án thép Cà Ná (Ninh Thuận) tại kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa XIV, tháng 11/2016) |
Phiên chất vấn là dịp để Chính phủ nhìn lại những thành công cũng như tồn tại để tiếp tục xây dựng chương trình...
Nguồn: [Link nguồn]