ĐBQH: Cơ quan ra văn bản sai phải bồi thường cho dân
Đại biểu Tô Văn Tám (Kon Tum) đề nghị áp dụng trách nhiệm bồi thường nếu cơ quan, người có thẩm quyền ra văn bản sai, gây thiệt hại cho công dân và xã hội.
Thảo luận về dự thảo Luật Ban hành văn bản pháp luật trước Quốc hội ngày 27/11, đại biểu Tô Văn Tám (Kon Tum) đồng thuận với quy định sự chịu trách nhiệm của cơ quan, người có thẩm quyền trong việc ban hành văn bản hướng dẫn chi tiết và ban hành văn bản sai trái tại dự thảo luật.
Đại biểu Tô Văn Tám (Kon Tum)
Đại biểu cho rằng, đây là một điểm mới của dự thảo so với luật hiện hành. Nhưng trách nhiệm đó đến đâu và là trách nhiệm gì cần phải được xác định rõ.
Đại biểu đề nghị xác định trách nhiệm này theo hướng, tùy chủ thể ban hành và mức độ của vấn đề mà xác định trách nhiệm chính trị và trách nhiệm pháp lý.
“Trách nhiệm pháp lý trong vấn đề này nên là trách nhiệm kỷ luật theo pháp luật hành chính và có thể áp dụng trách nhiệm bồi thường nếu gây thiệt hại cho công dân và xã hội”, ông Tô Văn Tám nói.
Đại biểu Nguyễn Thị Huệ (Đắc Lắk) đề nghị luật này cần được nghiên cứu, giải quyết về căn bản các vấn đề bất cập trong hệ thống pháp luật hiện nay. Trong đó, bà nhấn mạnh đến quy trình ban hành văn bản và trách nhiệm của cơ quan và cá nhân có thẩm quyền ban hành văn bản.
Luật cần quy định chặt chẽ quy trình nhưng theo hướng làm rõ trách nhiệm cuối cùng về nội dung văn bản được ban hành. Bởi mặc dù văn bản được ban hành là kết quả của một quá trình làm việc của tập thể, nhưng cuối cùng vẫn có người đứng đầu ký ban hành.
“Phải làm rõ trách nhiệm cá nhân của người ký văn bản, để từ đó nâng cao trách nhiệm của tất cả những người tham gia soạn thảo. Không nên để tình trạng văn bản sai, chậm, mâu thuẫn, không khả thi, gây thiệt hại cho người dân, cho nhà nước nhưng không ai chịu trách nhiệm về việc ban hành”, đại biểu đề nghị.
Đại biểu Vũ Tiến Lộc (Thái Bình) nêu thực tế 8 năm thực thi luật hiện hành cho thấy rất rõ bất cập về các văn bản hướng dẫn luật. Nhiều luật được ban hành nhưng không có văn bản hướng dẫn kịp thời. Tình trạng nợ đọng văn bản hướng dẫn kéo dài nhiều năm chưa chấm dứt.
Theo đại biểu Quốc hội kiêm Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), người dân và doanh nghiệp chờ thông tư hơn chờ luật, nghị định. Bởi khá nhiều trường hợp công chức ở cơ sở đã từ chối thực hiện thủ tục vì lý do chưa có thông tư hướng dẫn.
“Họ cũng sợ thông tư hơn sợ luật, nghị định vì trong không ít trường hợp, thông tư hạn chế quyền và mở rộng nghĩa vụ của họ nhiều hơn so với luật và nghị định. Luật ở trên trời, thông tư ở dưới đất”, ông Lộc bày tỏ.
Đại biểu đề nghị bổ sung nguyên tắc, các loại văn bản cấp bộ, ngành trở xuống không được quy định hạn chế các quyền, hoặc tăng thêm nghĩa vụ của các tổ chức, cá nhân so với quy định của văn bản cấp trên. Tương tự như cách làm hiện nay của Luật doanh nghiệp là không có phép các bộ, ngành, địa phương ban hành quy định về điều kiện kinh doanh.
Ông cũng đề xuất nguyên tắc, chỉ các văn bản từ cấp quyết định của Thủ tướng trở lên mới có thể có văn bản hướng dẫn; Có cơ chế để kiểm soát và xử lý trách nhiệm của việc chậm ban hành văn bản hướng dẫn.