ĐBQH Bùi Sỹ Lợi: Mười mấy năm, cơ quan tôi không ai không hoàn thành nhiệm vụ

Sự kiện: Thời sự

“Công tác phân loại cán bộ, đánh giá cán bộ có rất nhiều vấn đề. Tôi ngồi đây mười mấy năm, cơ quan tôi không ai không hoàn thành nhiệm vụ. Từ vụ trưởng trở xuống đến các cháu đều xuất sắc hết nhưng có mấy ai làm được việc đâu. Việc đánh giá còn nể nang, cái này cần phải sửa”, ông Bùi Sỹ Lợi nói.

ĐBQH Bùi Sỹ Lợi: Mười mấy năm, cơ quan tôi không ai không hoàn thành nhiệm vụ - 1

ĐBQH Bùi Sỹ Lợi (bên phải)

Xử lý cán bộ đã nghỉ hưu, cách nào cho phù hợp?

Thảo luận tại tổ chiều nay (24/5) về dự án Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức,  Bộ trưởng Bộ Tư Pháp Lê Thành Long (ĐB đoàn Kiên Giang) cho rằng, việc xử lý kỷ luật đối với cán bộ, công chức về hưu được quy định tại dự thảo luật “dù nói thì rất an toàn” nhưng “chưa có hướng để giải quyết”.

Bởi theo ông Long, “bản thân tôi và một số đồng chí ở các cơ quan pháp luật của QH cũng đã được huy động vào để thiết kế cách thức xử lý đối với một số trường hợp cụ thể. Chức năng quản lý và chức danh của một con người gắn với tất cả các hành vi pháp lý mà người đó thực hiện trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, chức trách của mình theo quy định của pháp luật.

Nếu bây giờ người đó đã về hưu mà chúng ta cách chức thì vấn đề pháp chế chưa có cách để xử lý. Vậy những hành vi mà con người cụ thể đó thực hiện trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, chức trách của mình theo luật định thì có còn giá trị pháp lý hay không?

Vấn đề này mặc dù Chính phủ có đề xuất nhưng cũng chưa thấy được giải pháp hữu hiệu".

"Do vậy, tôi đề nghị riêng về câu chuyện về hệ quả, cần phải tính toán theo hướng xử lý kỷ luật bằng các hình thức nào đó chấp thuận được. Còn việc gắn với chức trách, nhiệm vụ của một cán bộ, một chức danh cụ thể nào đó trong giai đoạn người đó đang đương chức thì không nên”, ông Long bày tỏ.

Cùng chung mối quan tâm này, ĐB Trần Văn Lâm (Bắc Giang) lại cho rằng, cán bộ, công chức đã về nghỉ hưu, việc kỷ luật là nên làm để đảm bảo sự nghiêm minh với những người đã vi phạm đến mức phải kỷ luật chứ không thể để "hạ cánh an toàn" được.

“Vấn đề cần giải quyết là nếu người nghỉ hưu rồi mà bị cách chức thì giá trị pháp lý đối với những quyết định của chức danh đó trong thời gian người đó đang đương chức ra sao?”, ĐB Lâm  đặt câu hỏi.

Trong khi đó, ĐB Nguyễn Thị Kim Bé (Kiên Giang) cũng dẫn ra ví dụ trường hợp cụ thể khi Chính phủ cách chức ông Vũ Huy Hoàng (nguyên Bộ trưởng Bộ Công Thương). “Tôi suy nghĩ, cách chức như thế rồi thì tất cả những hiệp định bộ trưởng này ký thì sẽ như thế nào. Cách chức cả nhiệm kỳ thì coi như cả khóa XIII không có bộ trưởng này vậy việc ký bao nhiêu văn bản liên quan thì sao? Ở đây không nói là không xử lý kỷ luật cho "hạ cánh an toàn", mà là đảng viên thì phải xử lý nhưng cách cả chức như vậy thì hậu quả thế nào?.

Tất cả các văn bản đã ký xóa hết, do vậy phải tìm cách nào để xử lý cái này. Phải tính thế nào để đảm bảo tính pháp lý cao và không kéo theo hệ lụy liên quan đến một loạt vấn đề về cơ sở pháp lý”, ĐB Kim Bé nhấn mạnh.

Đánh giá cán bộ còn nể nang

Trong khi đó, cho ý kiến về quy định đánh giá cán bộ công chức, ĐB Mai Sỹ Diến (Thanh Hóa) cho biết, chủ trương của Đảng là phải định lượng và có tiêu chí rõ ràng, Chính phủ đã có hướng dẫn nhưng các bậc hoàn thành xuất sắc, hoàn thành tốt, hoàn thành.. vẫn như cũ. Đây là yếu kém kéo dài nhất.

“Có thể lựa chọn được một số đồng chí xuất sắc còn ở bên dưới cơ bản hoàn thành tốt, một số kém lắm không hoàn thành nhiệm vụ. Nhưng có bao nhiêu  cán bộ công chức trong 2 năm không hoàn thành nhiệm vụ để cho thôi việc? Chỉ trên đầu ngón tay”, ông Diến bày tỏ.

Chưa kể, việc đánh giá cán bộ công chức vẫn còn tình trạng nể nang, không định lượng rõ ràng. Theo ĐB Diến, "nên định ra mỗi bậc 1,2,3 trong từng mức xuất sắc, trong hoàn thành nhiệm vụ…. Phân loại rõ hơn và nhiều hơn để có chất lượng”, ĐB tỉnh Thanh Hóa kiến nghị.

Ngoài ra, theo dự thảo có quy định tiêu chí “chấp hành chủ trương đường lối, có phẩm chất chính trị, có lối sống lành mạnh…”. Theo ông Diến, đây là hình thức khó phân loại, không rõ ràng dẫn đến không chính xác… “Có trường hợp con riêng, vợ bé đến khi cơ quan có thẩm quyền động đến mới lộ ra, mới đánh giá được. Đây là cái rất khó. Nên quy định trong này cần phải thay đổi”, ông Diến nhấn mạnh.

Đồng tình với ý kiến này, ông Bùi Sỹ Lợi (Phó Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội) cũng chia sẻ câu chuyện từ chính nơi ông công tác. “Công tác phân loại cán bộ, đánh giá cán bộ có rất nhiều vấn đề. Tôi ngồi đây mười mấy năm, cơ quan tôi không ai không hoàn thành nhiệm vụ. Các đồng chí từ vụ trưởng trở xuống đến các cháu đều xuất sắc hết nhưng có ai làm được việc đâu, có mấy anh làm việc thôi. Việc đánh giá còn nể nang, cái này cần phải sửa”, ông Lợi bày tỏ.

Chỉ có 0,59% công chức và 0,38% viên chức không hoàn thành nhiệm vụ

Bộ Nội vụ cho biết chỉ có 0,59% công chức và 0,38% viên chức được phân loại không hoàn thành nhiệm vụ trong năm 2018,...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo N.Huyền ([Tên nguồn])
Thời sự Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN