ĐB Quốc hội: Nên bỏ quy định đăng kí giữ quốc tịch VN
“Thay vì đăng ký giữ quốc tịch Việt Nam, nên quy định đăng ký để được cấp giấy tờ chứng minh quốc tịch Việt Nam”, đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy đề nghị.
Theo quy định của Luật Quốc tịch 2008, trong vòng 5 năm, người Việt Nam định cư ở nước ngoài phải đăng ký để giữ quốc tịch. Đến 1/7/2014 tới đây, thời hạn đăng ký giữ quốc tịch Việt Nam kết thúc. Đương nhiên, người không đăng ký giữ quốc tịch sẽ mất quốc tịch Việt Nam.
Tuy vậy, hiện chỉ khoảng hơn 6.000 kiều bào đăng ký trên tổng số 4,5 triệu người Việt ở nước ngoài.
Ngày 17/6, thảo luận tại Quốc hội về luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quốc tịch Việt Nam, đại biểu Hà Huy Thông (Thừa Thiên – Huế) lo ngại, nếu không sửa Luật Quốc tịch Việt Nam trước ngày 1/7/2014, sẽ ảnh hưởng đến hàng triệu người Việt Nam đang sinh sống, làm ăn ở nước ngoài.
Đại biểu Thông cho rằng, cần phải khẳng định Luật Quốc tịch Việt Nam năm 2008 rất quan trọng và có nhiều điểm tiến bộ. Trong đó gián tiếp thừa nhận 2 quốc tịch đối với công dân Việt Nam ở nước ngoài.
Tuy nhiên, theo báo cáo của Chính phủ, 5 năm sau khi luật này có hiệu lực, mới có hơn 6.000 người Việt Nam định cư ở nước ngoài đăng ký giữ quốc tịch Việt Nam.
Đại biểu Hà Huy Thông giải thích: “Nhiều người Việt Nam định cư ở nước ngoài cho rằng việc còn quốc tịch Việt Nam là đương nhiên mà không ai có thể tự nhiên bị tước quốc tịch vì điều đó là trái với Hiến pháp”.
Bên cạnh đó, nhiều người cho rằng đã có quốc tịch sở tại nên không có nhu cầu cấp bách đăng ký quốc tịch Việt Nam; đã có quốc tịch sở tại nên không có nhu cầu, chưa thấy có lợi ích trong việc đăng ký quốc tịch...
Đại biểu Thông đề nghị sửa đổi Luật Quốc tịch theo hướng bỏ hạn đăng ký giữ quốc tịch Việt Nam. Đề nghị Quốc hội cho phép Luật Quốc tịch sửa đổi có hiệu lực kể từ khi công bố, nghĩa là trước ngày 1/7/2014.
Đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy (TP Đà Nẵng) cho rằng, người Việt Nam định cư ở nước ngoài là một phần máu thịt của Việt Nam.
“Mỗi dịp Tết đến, xuân về, những người Việt Nam định cư ở mọi nơi trên thế giới đều tìm cách để trở về với quê cha, đất tổ. Đất nước luôn mở rộng vòng tay để chào đón những người con của mình”, nữ đại biểu nói.
Theo nữ đại biểu, không nên nhìn nhận dự thảo luật này dưới góc độ quản lý Nhà nước mà nên dưới góc độ quyền công dân.
“Phải chăng do không nắm được số liệu cụ thể về người Việt Nam định cư ở nước ngoài là công dân Việt Nam nên dự thảo luật vẫn tiếp tục giữ quy định đăng ký giữ quốc tịch Việt Nam”, đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy nói.
Bà Thúy nhận định, chính điều này gây khó khăn cho người Việt Nam định cư ở nước ngoài. Thể hiện ở chỗ để giữ quyền có quốc tịch của mình bằng việc thực hiện nghĩa vụ bắt buộc là phải đăng ký. Đại biểu cho rằng, một nền pháp luật công bằng phải tính đến sự tuân thủ của người dân.
Theo bà, quy định phải có tính hợp lý. Vì thực tiễn cuộc sống bao giờ cũng đòi hỏi phải hành động theo “cái hợp lý”. Có như vậy mới đảm bảo tính khả thi của một quyết định. Do đó bỏ đăng ký giữ quốc tịch Việt Nam là hợp lý.
Đại biểu cũng đề nghị thay vì đăng ký giữ quốc tịch Việt Nam, nên quy định đăng ký để được cấp giấy tờ chứng minh quốc tịch Việt Nam.
Đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy (TP Đà Nẵng). Ảnh: VPQH
Đại biểu Bùi Văn Xuyền (Thái Bình) cũng có quan điểm nên bãi bỏ quy định đăng kí giữ quốc tịch Việt Nam.
Bởi quy định về đăng kí giữ quốc tịch Việt Nam làm phát sinh thêm các thủ tục hành chính, gây khó khăn và phiền hà cho kiều bào.
Trong một số trường hợp có thể tạo ra rào cản, có thể làm kiều bào không ổn định làm ăn sinh sống. Cụ thể, đối với người đã được nhập quốc tịch nước ngoài nhưng nước sở tại đó áp dụng nguyên tắc một quốc tịch.
“Như vậy, công dân của chúng ta không thể đến đăng kí giữ quốc tịch tại cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài. Vì họ phải giữ quốc tịch ở nước mà họ đang sinh sống làm ăn. Nếu đăng kí giữ quốc tịch Việt Nam có thể ảnh hưởng tới việc giữ quốc tịch của họ ở nước ngoài”, đại biểu phân tích.
Đại biểu Bùi Văn Xuyền kiến nghị Ban soạn thảo có thể nghiên cứu phục hồi quy định cấp giấy xác nhận có quốc tịch Việt Nam cho những người không còn giấy tờ chứng minh quốc tịch Việt Nam.
“Đối với người còn giấy tờ chứng minh quốc tịch Việt Nam, đương nhiên họ còn quốc tịch Việt Nam. Như vậy, họ không cần thiết phải đăng ký để có quốc tịch Việt Nam”, đại biểu nói.
Kết luận phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho biết, các vị đại biểu Quốc hội đề nghị không nên quy định thời hạn và không nên quy định đăng kí để công nhận có quốc tịch.
Trường hợp người Việt Nam định cư ở nước ngoài không còn có giấy tờ chứng minh quốc tịch Việt Nam có thể đăng kí với cơ quan đại diện của Việt Nam ở nước ngoài để được cấp giấy tờ chứng minh có quốc tịch Việt Nam.
“Tinh thần này đại biểu Quốc hội nhất trí rất cao. Chúng tôi sẽ đề nghị với cơ quan thẩm tra, cơ quan soạn thảo luật Bộ Tư pháp và Bộ Ngoại giao, các cơ quan, tổ chức hữu quan nghiên cứu, tiếp thu và hoàn thiện dự án luật này để trình Quốc hội thông qua trong phiên họp tới”, Phó Chủ tịch Quốc hội nói.