ĐB Quốc hội lo hiện tượng người dân “tự xử”
“Đang xuất hiện những lo ngại mới về lòng dân. Đó là tâm trạng bất an, suy giảm niềm tin mà đỉnh điểm là hiện tượng người dân “tự xử”.
Phát biểu thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội tại phiên họp QH ngày 31/10, ĐB Huỳnh Ngọc Đáng (Bình Dương) cho rằng, đời sống văn hóa, xã hội của đất nước có nhiều vấn đề bức xúc. Đó là tâm trạng bất an và suy giảm niềm tin của người dân với nhà nước, mà đỉnh điểm là hiện tượng người dân “tự xử”.
Đại biểu Đáng khẳng định “tự xử” là quan niệm và hành vi xấu, đáng lên án vì vi phạm pháp luật. “Nhưng trách dân sao được khi sự thực vai trò quản lý của nhà nước ta còn yếu kém. Đây là nguyên nhân chính của tâm trạng xã hội này”, ông Đáng nói.
Đại biểu dẫn chứng, đơn cử như vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm, có đến ba bộ quản lý vẫn chưa hiệu quả. Cơ quan chức năng khuyến cáo người dân phải tự bảo vệ mình, trở thành “người tiêu dùng thông thái”. “Nói như vậy không sai, nhưng rõ ràng quản lý nhà nước đang có dấu hiệu bất lực”.
Theo Đại biểu Thích Thanh Quyết (Quảng Ninh), báo cáo của Chính phủ khẳng định an sinh xã hội được đảm bảo, đời sống nhân dân được cải thiện, đây là tính ưu việt của chế độ ta.
“Song thời gian qua có một số vụ việc bức xúc phát sinh làm cho người dân bất an. Họ tự vấn hà cớ gì mà phải chịu oan nghiệt đến thế”, ĐB Thích Thanh Quyết nói.
Theo đại biểu, có lẽ xưa nay chúng ta giải quyết vấn đề xã hội trong trạng thái đau đâu chữa đấy, chưa chữa tổng thể.
Đại biểu Thích Thanh Quyết cho rằng: “Hình như chúng ta đang thiếu cái gì đó rất lớn mà không thể nói ra được, có lẽ là thiếu một đạo, đạo đó là đạo làm người”.
Đại biểu Nguyễn Bá Thuyền
Đại biểu Nguyễn Bá Thuyền- Phó đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Lâm Đồng cho rằng, cán bộ ngày càng xa dân và ít nghe ý kiến của người dân. Theo đại biểu, thực ra người dân rất muốn tiếp cận gặp lãnh đạo để phản ánh tâm tư, tình cảm, nguyện vọng. Nhưng gửi đơn chưa chắc đã đến được lãnh đạo; đến nơi tiếp dân không gặp đồng chí cao cấp; điện thoại trực tiếp, lãnh đạo không nghe...
Đại biểu Nguyễn Bá Thuyền chia sẻ: “Ngày xưa chúng ta dựa dân đánh giặc bây giờ giặc cũng dựa dân đánh ta. Ai nắm được dân, người đó thắng. Cho nên phải đặt lợi ích của dân lên trên hết”. Theo ông Thuyền, chỉ khi chống được quan liêu, tham nhũng, xa dân thì chúng ta mới giải quyết được vấn đề.
“Nếu chính quyền của chúng ta xuất phát từ dân, vì lợi ích của nhân dân... chắc không ai chống lại mình”, ĐB Thuyền nói.
Đại biểu Hoàng Việt Phương (Tuyên Quang) chỉ ra một trong những nguyên nhân cản trở phát triển kinh tế - xã hội đó là cơ chế chịu trách nhiệm không rõ ràng, kỷ luật, kỷ cương hành chính không nghiêm.
Theo ĐB Phương, thực tế nhiều cấp, ngành, địa phương để xảy ra nhiều vụ việc lớn, nghiêm trọng nhưng rất ít khi hoặc ít người đứng ra chịu trách nhiệm hoặc bị xử lý.
Việc thực hiện kỷ luật, kỷ cương không nghiêm của cán bộ, công chức, viên chức nhà nước trong thực thi công vụ làm giảm hiệu quả điều hành của Chính phủ.