ĐB Quốc hội: Đề nghị chuẩn bị phương án kiện Trung Quốc
Thảo luận tại Quốc hội sáng 2/6, ĐB Quốc hội đề nghị Việt Nam chuẩn bị phương án đối phó mọi tình huống, kể cả khởi kiện Trung Quốc ra Tòa án quốc tế.
Ngày 2/6, Quốc hội thảo luận ở hội trường về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước năm 2013, triển khai thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách Nhà nước những tháng đầu năm 2014.
“Việt Nam không bao giờ đơn độc”
Tại phiên thảo luận, hầu hết các ý kiến phát biểu đều đề cập đến vấn đề Biển Đông. ĐB Vũ Chí Thực (Quảng Ninh) cho rằng, diễn biến hiện nay ở Biển Đông, nhắc nhở chúng ta, bên cạnh tận dụng tốt cơ hội hội nhập quốc tế phải đặc biệt quan tâm, phát huy nội lực xây dựng nền kinh tế tự chủ, xây dựng nền quốc phòng an ninh vững mạnh.
Đại biểu Thực cũng cho rằng, thế giới ngày càng gia tăng sự chi phối của chủ nghĩa nước lớn, bất chấp luật lệ, dư luận quốc tế trong giải quyết tranh chấp là mối đe dọa an ninh toàn cầu, trong đó có an ninh của Việt Nam. Do vậy, cần bảo đảm an ninh quốc phòng.
Cụ thể, Việt Nam cần kiên trì đấu tranh buộc Trung Quốc rút giàn khoan hạ đặt trái phép ra khỏi lãnh hải Việt Nam, tôn trọng độc lập, chủ quyền Vệt Nam. Chuẩn bị phương án đối phó mọi tình huống, kể cả khởi kiện Trung Quốc ra Tòa án quốc tế.
Ông Thực cũng nhấn mạnh đến việc phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc. Đây là yếu tố quyết định đến ổn định và phát triển đất nước. Thực tiễn cách mạng chứng minh, dù kẻ địch có trăm phương ngàn kế, sức mạnh đến đâu, khó khăn đến mấy… nội bộ ta đoàn kết, nhân dân tin tưởng vào Đảng, nhất định ta thắng lợi.
Đại biểu Vũ Viết Ngoạn (Khánh Hòa) ủng hộ các giải pháp Đảng và Nhà nước triển khai trong thời gian vừa qua về vấn đề trên Biển Đông cũng như xử lý biến cố xảy ra tại các địa phương.
Theo ông, nhờ có chính nghĩa và nhờ các giải pháp được triển khai hợp lý, Việt Nam chiếm được cảm tình và sự ủng hộ mạnh mẽ của các nước tiến bộ và nhân dân yêu chuộng hòa bình trên thế giới, tiếp tục giữ được lòng tin của các nhà đầu tư nước ngoài.
Đại biểu hiện giữ chức Chủ tịch Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia nói: “Chúng tôi cũng cho rằng, chính nghĩa sẽ không bao giờ đơn độc, vì vậy, Việt Nam không bao giờ đơn độc”.
Ông cũng nhấn mạnh đến việc phát huy tinh thần dân tộc, tăng cường đoàn kết, thống nhất hành động. Bởi đoàn kết dân tộc là sức mạnh và vũ khí hữu hiệu để giúp chúng ta thắng lợi trên mặt trận bảo vệ chủ quyền đất nước”.
Hạn chế sự phụ thuộc quá lớn vào thị trường TQ
ĐB Vũ Tiến Lộc (Thái Bình) nói kỳ họp Quốc hội này diễn ra trong bối cảnh đặc biệt. Việt Nam đang đẩy mạnh tham gia các hiệp định thương mại tự do với các đối tác lớn nhất trên thế giới trong đó có Hiệp định đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP) đang đi vào giai đoạn nước rút…
Thứ hai là việc Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 trong vùng biển Việt Nam từ đầu tháng 5 đến nay vi phạm nghiêm trọng chủ quyền nước ta. Việc này được dự báo, nếu không ngăn chặn sẽ tác động đáng kể tới quan hệ thương mại Việt Nam – Trung Quốc.
Do vậy, từ góc độ kinh tế, Việt Nam đang đứng trước những đòi hỏi mới trong việc duy trì quan hệ thương mại ổn định với Trung Quốc. Đồng thời tăng cường các biện pháp trường hạn chế sự phụ thuộc quá lớn vào thị trường này, tận dụng cơ hội từ các hiệp định thương mại tự do đầy triển vọng nói trên.
Vị đại biểu hiện đang là Chủ tịch Phòng Công nghiệp và Thương mại Việt Nam VCCI nhấn mạnh: “Các hiệp định thương mại tự do không chỉ mở ra các cơ hội phát triển mà còn là cơ hội để Việt Nam giảm bớt sự lệ thuộc vào thị trường Trung Quốc”.
Với cam kết loại bỏ, hoặc giảm thuế quan, rào cản kỹ thuật trong các hiệp định thương mại tự do với các đối tác thương mại hàng đầu trên thế giới, Việt Nam có điều kiện nhập khẩu từ Hòa Kỳ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc… với giá cả hợp lý hơn.
Theo ông Lộc, trong lúc nhều ý kiến lo ngại về các hành động trả đũa ngược của Trung Quốc như đóng cửa biên giới, dừng các hoạt động xuất nhập khẩu đối với Việt Nam, nhưng cũng không ít ý kiến cho rằng, Trung Quốc không dễ gì làm được điều đó.
Ở góc độ giao thương, Việt Nam là thị trường lớn nhất Đông Nam Á của các nhà thầu Trung Quốc, họ đang có lợi ích từ các dự án đầu tư trực tiếp tại Việt Nam.
Bên cạnh đó, Việt Nam cũng không thể bỏ qua nguồn nguyên liệu phong phú bậc nhất của Trung Quốc, không thể không bán hàng sang thị trường đông dân nhất thế giới… Gần Trung Quốc sẽ là lợi thế để bứt phá, vượt lên nếu ta có một nền kinh tế đủ sức cạnh tranh.
Ông nêu quan điểm: “Chúng ta sẽ tiếp tục lên án và đấu tranh lâu dài, yêu cầu Trung Quốc rút giàn khoan, nhưng hành động bài xích, kỳ thị, phá hoại hoạt động giao thương là thất sách, làm ảnh hưởng đến lợi ích doanh nghiệp và nền kinh tế Việt Nam”.
ĐB Lộc nói thêm, Trung Quốc chiếm khoảng 10% giá trị xuất khẩu của Việt Nam, là thị trường xuất khẩu rau quả lớn nhất của Việt Nam. Do đó thị trường này có ảnh hưởng đến thu nhập của bộ phận không nhỏ nông dân và người sản xuất nông nghiệp.
Trong khi đó, hàng rào thuế quan ở thị trường Âu Mỹ còn cao, nhiều tiêu chuẩn ngặt nghèo và đây là thị trường khó tính trên thế giới.
Vì vậy, phải đầu tư đủ mức cho các chuỗi giá trị nông sản, cụm công nghiệp, thông qua các hiệp định thương mại tự do để tiếp tục mở rộng thị trường cho các sản phẩm, đặc biệt là hàng nông sản tại các thị trường khó tính nhưng đầy tiềm năng của thế giới.