Đầu xuân xem trai Thủ đô cởi trần vật cầu khổng lồ
Tám thanh niên trai tráng, cơ bắp cuồn cuộn tượng trưng cho tám ông mãnh hổ tranh cướp quả bóng, quả cầu mang đến tiếng cười vui vẻ cho hàng ngàn khán giả là nét đẹp của lễ hội vật cầu cổ truyền làng Thúy Lĩnh (Lĩnh Nam, Hà Nội).
Cứ vào ngày mùng 4, 5, 6 tháng Giêng hàng năm, làng Thúy Lĩnh (Lĩnh Nam, Hà Nội) lại rộn ràng tổ chức lễ hội Vật cầu cổ truyền tại sân đình.
Tương truyền, lễ hội Vật cầu có từ thời Linh Lang Đại Vương- Hoàng tử thứ tư của vua Lý Thánh Tông, ông tổ chức lễ hội vật cầu như một hình thức rèn luyện sức khỏe cho các binh sĩ để bảo vệ tổ quốc.
Ngày nay, để bảo tồn và phát huy truyền thống tốt đẹp ấy, dân làng Thúy Lĩnh vẫn đều đặn tổ chức lễ Vật cầu để tưởng nhớ công ơn của Linh Lang Đại Vương.
Sân thi đấu Vật cầu có hình vuông có một hố ở chính giữa để đặt quả cầu và bốn hố ở bốn góc sân, tương ứng với “khung thành” của bốn đội.
Mỗi hiệp đấu kéo dài 45 phút và các đội có quyền thay người không giới hạn.
Tám đấu sĩ của 4 đội, họ là những nam thanh niên trai tráng đẹp nhất, vai u thịt bắp, khỏe mạnh, ưu tú nhất của làng Thúy Lĩnh cùng nhau tranh tài. Khi thi đấu họ mặc quần trắng, mình trần, đeo thắt lưng 4 màu: xanh; đỏ; tím; vàng tượng trưng cho tám ông mãnh hổ tranh cướp quả bóng, quả cầu.
Các đấu sĩ có nhiệm vụ phải tranh nhau quả cầu làm bằng gỗ mít được sơn son thếp vàng nặng tới 25kg và đưa về hố (khung thành của đội mình).
Mặc dù vấp phải sự tranh giành quyết liệt của đối phương, nhưng các đấu sĩ vẫn quyết tâm không để mất cầu.
Một pha tranh cướp cầu đẹp mắt được các khán giả hưởng ứng nhiệt tình.
Người dân trong làng thích thú với những màn quyết đấu.
Một pha ghi bàn đẹp mắt của các đấu sĩ được khán giả hò reo tán thưởng.
Lễ hội Vật cầu đã mang đến không khí phấn khởi, vui tươi cho nhân dân trong những ngày đầu năm mới. Bên cạnh đó còn góp phần quan trọng giữ gìn và phát huy truyền thống văn hóa, truyền thống đoàn kết của dân tộc.