Đầu tư hơn 28.000 tỷ đồng mở rộng 15,3km đường nối Bình Dương với TPHCM
Hiện tại, 15,3km đường Tân Vạn - Mỹ Phước đang được khai thác với quy mô đường đô thị 6 làn xe. Tuy nhiên, tuyến đường này sẽ không đảm bảo năng lực thông hành khi đường Vành đai 3 TPHCM được đưa vào khai thác năm 2026.
Sở Giao thông vận tải (GTVT) TPHCM vừa có văn bản số 8280/SGTVT-XD báo cáo UBND TP về phương án đầu tư đoạn 15,3km đường Mỹ Phước - Tân Vạn nối kết tỉnh Bình Dương với TPHCM.
Theo Sở GTVT, đoạn 15,3km đường Mỹ Phước- Tân Vạn hiện hữu đi trùng với tuyến đường Vành đai 3 TPHCM đang được triển khai.
Đoạn Vành đai 3 TPHCM qua địa bàn tình Bình Dương (tuyến Mỹ Phước - Tân Vạn) đã được đầu tư, đưa vào sử dụng từ năm 2015. Ảnh: T.K.
Đoạn này đã được UBND tỉnh Bình Dương đầu tư hoàn thành đưa vào khai thác từ năm 2015 với quy mô 6 làn xe, các nút giao trên tuyến dạng đồng mức nên không đảm bảo năng lực thông hành khi đường Vành đai 3 được đưa vào khai thác năm 2026.
Theo Sở GTVT, trước đây, khi lập chủ trương đầu tư dự án đường Vành đai 3 TPHCM, tỉnh Bình Dương đề xuất giải quyết các nút giao bằng đoạn 15,3km (đoạn đi trùng với đường Vành đai 3) bằng dự án cải tạo, nâng cấp sử dụng nguồn vốn ODA. Dự án này dự kiến triển khai xây dựng với tiến độ hoàn thành vào năm 2027-2028.
Sở GTVT nhận định, mốc thời gian hoàn thành như trên sẽ chậm hơn so với tiến độ đường Vành đai 3 TPHCM. Do đó, cơ quan này cảnh báo nguy cơ tạo áp lực giao thông rất lớn lên đường Mỹ Phước - Tân Vạn, dẫn đến ách tắc trên toàn tuyến.
Theo báo cáo của tỉnh Bình Dương, để đầu tư nâng cấp đoạn 15,3km đảm bảo năng lực thông hành trên toàn tuyến khi đường Vành đai 3 đưa vào khai thác năm 2026 cần số vốn rất lớn, khoảng 28.279 tỷ đồng.
Ở giai đoạn 1, tỉnh này sẽ đầu tư 4 làn cao tốc trên cao bên trái tuyến (theo hướng Tân Vạn về Bình Chuẩn) để đồng bộ với dự án Vành đai 3 TPHCM đang thực hiện. Phần dưới mặt đất, bên phải cầu cạn cao tốc là 6 làn ô tô hiện hữu, bên trái cầu cạn sẽ xây dựng thêm 2 làn xe cơ giới và 1 làn xe thô sơ cùng vỉa hè.
Phạm vi giải phóng mặt bằng 16m bên trái tuyến (hướng Tân Vạn - Bình Chuẩn) có tổng bề rộng sau khi giải phóng mặt bằng đạt 48m. Các vị trí nút giao có bố trí cầu vượt của dự án cải tạo hạ tầng giao thông công cộng tỉnh Bình Dương, thực hiện giải phóng mặt bằng 1 lần theo quy hoạch lộ giới 64m.
Giai đoạn hoàn thiện sẽ đầu tư 8 làn xe cao tốc trên cao, phần giữa bên dưới 2 trụ cầu cạn bố trí đủ 6 làn ô tô rộng 3,75m/làn, phần ngoài 2 trụ cầu cạn bố trí 2 làn xe cơ giới, 1 làn xe thô sơ và vỉa hè, tổng bề rộng mặt cắt ngang là 64m...
Do nguồn kinh phí triển khai dự án quá lớn, tỉnh Bình Dương đã có văn bản báo cáo, kiến nghị Thủ tướng xem xét hỗ trợ và chấp thuận chủ trương giao tỉnh đầu tư theo hình thức đầu tư công.
Tại Thông báo số 175/TB-VPCP ngày 22/4/2024 của Văn phòng Chính phủ, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã thống nhất giao Bộ GTVT chủ trì, phối hợp với UBND TPHCM và UBND tỉnh Bình Dương đề xuất cụ thể phương án thực hiện đầu tư, báo cáo Thủ tướng xem xét, quyết định.
Nguồn: [Link nguồn]
Sở GTVT TP.HCM vừa có văn bản gửi Công an TP.HCM về việc điều tiết giao thông khu vực nút giao An Phú và cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây, TP.HCM.