Đấu tranh, vạch mặt những phần tử kích động biểu tình trên mạng

Sự kiện: Thời sự

Trong các ngày 10, 11 và 17-6 vừa qua, tại TP Đà Lạt (Lâm Đồng), một số phần tử phản động, quá khích đã in tài liệu, rải truyền đơn kích động người dân tụ tập gây rối, núp bóng dưới chiêu bài phản đối Luật An ninh mạng và dự thảo Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt.

Hành động của các đối tượng này đã nhanh chóng bị người dân Đà Lạt bóc trần bản chất, tẩy chay những hành vi sai trái, vi phạm pháp luật và đi ngược lại với mong muốn chung của nhân dân cả nước.

Bên cạnh việc phát hiện, ngăn chặn kịp thời hành vi kích động, lôi kéo, xúi giục mọi người tham gia gây rối, Công an tỉnh Lâm Đồng và Công an TP Đà Lạt còn tập trung kiên quyết đấu tranh, phản bác lại những luận điệu xuyên tạc, bịa đặt của các đối tượng phản động trên không gian mạng. 

Những ngày qua, nhiều diễn đàn mạng xã hội Facebook, như “Góc nhìn người Đà Lạt”, “Hào khí Nam Tây Nguyên”, “Giải độc chính trị”... đã phát huy cao hiệu quả tuyên truyền, cung cấp cho người dùng mạng xã hội một cái nhìn thực tế, khách quan những vụ kích động gây rối của các đối tượng tùy thời cơ hội.

Đấu tranh, vạch mặt những phần tử kích động biểu tình trên mạng - 1

Thông tin về một số đối tượng kích động gây rối tại Đà Lạt đã bị vạch trần trên diễn đàn mạng xã hội.

Những thông tin về các đối tượng tổ chức phát tờ rơi, kêu gọi tụ tập, biểu tình trái pháp luật tại khu Hòa Bình, trung tâm TP Đà Lạt như: Vũ Thị Thanh Hương (47 tuổi), Đỗ Văn Quyết (37 tuổi), Vũ Anh Tuấn (29 tuổi), Huỳnh Khánh Kim Long (30 tuổi), Hoàng Ngọc Phú (49 tuổi), đều trú tại TP Đà Lạt và Vũ Công Bích (28 tuổi), trú tại huyện Đơn Dương (Lâm Đồng) đã được cập nhật thường xuyên, kịp thời lên các diễn đàn này. 

Nhờ những thông tin đó, người dùng mạng xã hội ở Lâm Đồng và cả nước đã thấy rõ hơn bản chất, bóc trần những chiêu bài chính trị đen tối đằng sau lời kêu gọi biểu tình phản đối Luật An ninh mạng và dự thảo Luật Đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt. 

Cũng qua các thông tin được cung cấp từ những diễn đàn trên, người dân Lâm Đồng đã nhận ra bản chất của các hành vi mà những đối tượng này thực hiện tại Đà Lạt trong thời gian qua là lôi kéo, xúi giục tụ tập gây rối, quấy phá, gây bất ổn về chính trị. 

Những thông tin được đưa lên các diễn đàn này đã nhận được hàng nghìn lượt chia sẻ, bình luận kêu gọi tẩy chay, vạch trần những luận điệu sai trái của các đối tượng.

Để định hướng và tránh việc đoàn viên, hội viên và sinh viên bị kẻ xấu lợi dụng, lôi kéo, kích động tham gia vào các cuộc biểu tình trái pháp luật, Ban Chấp hành Đoàn Trường Đại học Đà Lạt cùng nhiều cơ quan, đơn vị của tỉnh Lâm Đồng và các huyện, thành phố, nhất là TP Đà Lạt còn hướng dẫn học sinh, sinh viên, người lao động… tìm hiểu thông tin từ diễn đàn “Góc nhìn người Đà Lạt”, “Hào khí Nam Tây Nguyên”, “Giải độc chính trị”… 

Từ đó, học sinh, sinh viên, người lao động và nhân dân tỉnh Lâm Đồng có được thông tin chính xác, tẩy chay những thông tin xuyên tạc, bịa đặt của kẻ xấu rêu rao trên nhiều diễn đàn mạng trong cả nước. 

Các diễn đàn “tác chiến” trên không gian mạng xã hội tại tỉnh Lâm Đông thực sự phát huy được hiệu quả, góp phần cùng lực lượng chức năng đấu tranh, ngăn chặn kịp thời những hành vi sai trái của các đối tượng phản động, cơ hội chính trị. 

Chính vì vậy, mặc dù vừa qua Đà Lạt nổi lên ba nhóm với 9 đối tượng, trong đó có hai nhóm (6 đối tượng) đã đem tài liệu, băng rôn ra khu Hòa Bình, TP Đà Lạt để kích động tụ tập, gây rối nhưng chúng đã không nhận được sự hưởng ứng, tham gia của một người dân nào. Các đối tượng phản động tại Đà Lạt đã bị cô lập, hành vi kích động gây rối bị thất bại hoàn toàn.

Liên quan đến những hành vi xúi giục, kích động biểu tình tại TP Đà Lạt của một số đối tượng trong thời gian qua, tiếp xúc với Đoàn đại biểu Quốc hội đơn vị tỉnh Lâm Đồng ngày 19-6, nhiều cử tri phường 2, TP Đà Lạt đã đề nghị các cơ quan chức năng sớm xử lý nghiêm những đối tượng có hành vi chống phá Đảng và Nhà nước, núp bóng dưới chiêu bài kích động biểu tình, gây rối. 

Đấu tranh, vạch mặt những phần tử kích động biểu tình trên mạng - 2

Theo cử tri Nguyễn Thị Phú, đây là những hành vi vi phạm pháp luật rất rõ ràng, người dân Đà Lạt không thể chấp nhận. “Nhà nước cần có biện pháp xử lý nghiêm, tránh ảnh hưởng đến an ninh quốc gia!...”, cử tri Phú nhấn mạnh.

Đại tá Trần Văn Chính, Phó Giám đốc Công an tỉnh Bình Dương, cho biết: Cách đây 4 năm, các đối tượng phản động, quá khích đã lợi dụng lòng yêu nước để kích động công nhân đình công, biểu tình, gây rối ANTT trên địa bàn. 

Rút kinh nghiệm từ sự kiện trên, Công an tỉnh Bình Dương đã chủ động tham mưu cho Tỉnh ủy và UBND tỉnh các biện pháp để phòng ngừa, ngăn chặn tình trạng đối tượng rải truyền đơn, kích động, kêu gọi công nhân đình công, biểu tình gây rối tại các khu công nghiệp từ tháng 5-2018. 

Công an tỉnh Bình Dương đảm bảo quân số ứng trực 100%. Các đơn vị nghiệp vụ Công an tỉnh phối hợp chặt chẽ với Công an địa phương nhằm kịp thời phát hiện đối tượng nghi vấn, ngăn chặn chúng dụ dỗ, kích động, lôi kéo công nhân tại các doanh nghiệp, dãy phòng trọ nghỉ việc, biểu tình.

Đồng thời, Công an tỉnh phối hợp chặt chẽ với các cấp ủy chính quyền, ban ngành, đoàn thể xã, phường, thị trấn, cơ quan báo chí trung ương và địa phương, người đứng đầu quản lý các tổ chức tôn giáo trên địa bàn, phát những tờ rơi tuyên truyền, thông báo rõ chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước liên quan đến dự thảo Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt, Luật An ninh mạng đến từng hộ gia đình, công nhân để họ không bị kẻ xấu rải truyền đơn xuyên tạc thông tin, lôi kéo, kích động hay tung những luận điệu sai trái, thông tin sai lệch thêu dệt, cắt ghép trên mạng xã hội để có hành động quá khích vi phạm pháp luật.

Công an tỉnh Bình Dương cũng đẩy mạnh công tác vận động quần chúng tố giác tội phạm; cử cán bộ, chiến sỹ xuống tận cơ sở để vừa đeo bám địa bàn vừa phát hiện đối tượng phản động, kích động, ngăn chặn chúng thực hiện hành vi kích động, gây rối. 

Qua đó, Công an tỉnh Bình Dương đã bước đầu làm rõ hành vi in ấn, phát tán tài liệu kêu gọi biểu tình trái phép của Trần Minh Huệ (37 tuổi, quê quán Thanh Hóa) và Nguyễn Đình Thành (27 tuổi, ngụ Bình Dương). Cả hai truy cập một số trang mạng của các tổ chức phản động từ nước ngoài và bị chúng dụ dỗ, lôi kéo rải truyền đơn kêu gọi người dân, công nhân tham gia biểu tình trái phép.

Ngoài ra, Công an tỉnh Bình Dương còn phát hiện một số đối tượng quá khích tại các khu công nghiệp la hét, kêu gọi công nhân đình công. Cơ quan Công an đã mời gọi các đối tượng này đến trụ sở để giáo dục, thuyết phục; tùy tính chất mức độ mà xử lý vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự. 

Liên quan đến sự việc này, Công an tỉnh đang truy tìm chủ nhân của một số trang mạng, facebook kêu gọi công nhân đình công, biểu tình để làm rõ hành vi. Công an TP Thủ Dầu Một, Công an thị xã Dĩ An cũng đã phát hiện một số đối tượng sử dụng trang phục giống Cảnh sát cơ động. Qua đấu tranh, cơ quan Công an xác định, họ không có mục đích giả danh Công an để kêu gọi biểu tình, gây rối.

Đại tá Trần Văn Chính đề nghị, mọi người dân, đặc biệt công nhân đang làm việc tại các khu công nghiệp trên địa bàn nên truy cập các trang thông tin truyền thông chính thống để hiểu rõ về các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước.

Chính các đối tượng rải truyền đơn cũng thừa nhận đã đưa thông tin “thêu dệt”, lồng ghép thông tin sai sự thật, gây ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và đời sống xã hội. 

Sâu xa hơn là các thành phần phản động muốn phá hoại sự ổn định an ninh trật tự, đời sống yên bình của người dân. Công an tỉnh Bình Dương mong rằng, mọi người dân bình tĩnh, không mất cảnh giác để kẻ xấu lợi dụng lòng yêu nước của mình…

Ông Nguyễn Mạnh Tiến, phường 12, quận Gò Vấp, TP Hồ Chí Minh cho biết, theo dõi thông tin lãnh đạo Đảng, Nhà nước giải thích về Luật An ninh mạng và Dự thảo Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt, khi tiếp xúc cử tri sau kỳ họp Quốc hội những ngày qua, tôi và nhiều người dân đã hiểu rõ hơn về sự cần thiết phải có Luật An ninh mạng để điều chỉnh hành vi của người sử dụng cũng như bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân trong thời đại bùng nổ thông tin trên các trang mạng xã hội hiện nay.

Đặc biệt, từ việc các đối tượng xấu lợi dụng mạng xã hội để lôi kéo, kích động người dân tụ tập gây rối gần đây càng cho thấy sự cần thiết phải quản lý không gian mạng bằng luật; không thể để những người có ý đồ xấu tự do lên mạng nói gì cũng được.

Với Dự thảo Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt, giải thích của các vị đại biểu Quốc hội cũng đã một lần nữa khẳng định rõ: Khi Chính phủ và Quốc hội đã quyết định lùi thời hạn trình và xem xét thông qua dự thảo luật này để tiếp tục lấy ý kiến nhân dân. Thế nhưng sau đó vài ngày các đối tượng phản động vẫn tiếp tục lấy cớ phản đối dự thảo luật trên bằng cách thông qua các mạng xã hội để bôi nhọ, lôi kéo, kích động người dân tụ tập gây rối…

Điều này càng khẳng định việc hô hào người dân tập trung phản đối dự luật chỉ là cái cớ của các tổ chức phản động, bởi mục đích sâu xa hơn là nhằm gây bất ổn về tình hình an ninh trật tự tại một số địa phương. Từ đó tôi cho rằng, chính quyền các cấp cần tích cực tuyên truyền đến người dân và sớm công khai những lời khai nhận của các đối tượng gây rối vừa bị bắt giữ để người dân nhận thức rõ âm mưu đen tối này. 

Đ.Thắng

Đấu tranh, vạch mặt những phần tử kích động biểu tình trên mạng - 3

Những người khẳng định mình bị lừa và bị lợi dụng.

Một số người bị đối tượng xấu lợi dụngđể thông tin xuyên tạc sau vụ gây rối

Sau vụ kích động gây rối trật tự công cộng, hủy hoại tài sản và chống người thi hành công vụ xảy ra tại huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận trong 2 ngày 10 và 11-6, một số người đã trở thành nạn nhân để đối tượng xấu lợi dụng thực hiện video clip đăng trên trang web và facebook của đài VOA nhằm xuyên tạc, kích động.

Vợ chồng ông Nguyễn Văn Phúc (46 tuổi) và bà Nguyễn Thị Gái (42 tuổi), trú tại thị trấn Phan Rí Cửa là những người lao động nghèo, quanh năm làm thuê kiếm tiền và không biết chữ. Ngày 11-6, hai vợ chồng có đến khu vực Cầu Nam để tìm con trai mình có tham gia gây rối không.  Đến tối cùng ngày, một nam thanh niên che khẩu trang đến gặp ông Phúc và đặt câu hỏi: “Ông nghĩ như thế nào khi Nhà nước bán đất cho Trung Quốc”.

Do không hiểu được vấn đề và cả tin, cho rằng đó là sự thật nên ông Phúc đã nói những gì mình suy nghĩ theo tâm lý phản đối. Đến sáng 12-6, người thanh niên đó tiếp tục đến nhà gặp vợ chồng ông để trò chuyện và sau đó cho ông tiền, sữa và thuốc lá.

Khi xem clip mình bị ghi hình và đưa lên trang web của đài VOA, ông Phúc và vợ cho rằng ông đã bị lừa nên muốn được ghi hình thanh minh và tuyên truyền cho mọi người hiểu vợ chồng ông đã bị lợi dụng.

Bà Nguyễn Thị Gái cho biết: Người thanh niên đó chỉ đề nghị cho chụp ảnh để đăng báo chứ không nói phỏng vấn gì hết. Ngoài ra, ông Phúc khẳng định: Ông rất bức xúc và không đồng ý với việc tụ tập gây rối, nhất là việc đập phá trụ sở Đội Cảnh sát PCCC Phan Rí và bản thân ông lên án việc này.

Còn trường hợp ông Cao Sinh (71 tuổi), trú tại xã Chí Công, huyện Tuy Phong khi đến khu Cầu Nam thì có một thanh niên đến bắt chuyện.

Ông Sinh cho biết: Khi nói chuyện với người thanh niên đó, ông hoàn toàn không hề biết mình đã bị ghi hình và cũng không nghĩ là đang trả lời phỏng vấn của đài VOA. Tiếp xúc với chúng tôi, ông Sinh cũng bày tỏ quan điểm không đồng tình và phản đối việc đám đông gây rối, kích động gây rối ảnh hưởng đến an ninh trật tự.

Như vậy, cả 3 nhân vật có trong video clip đưa trên web và facebook của đài VOA sau vụ gây rối tại huyện Tuy Phong vừa qua đều khẳng định mình bị lừa và bị lợi dụng. Đây cũng là một bài học mà mọi người cần cảnh giác trước thủ đoạn lợi dụng truyền thông bóp méo sự thật để chống phá đất nước.

Thành Long

Truy tìm đối tượng gây rối bỏ trốn, vu cáo công an ở Phan Rí Cửa

Liên quan đến vụ gây rối trật tự công cộng, hủy hoại tài sản và chống người thi hành công vụ xảy ra tại huyện Tuy...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Kh.Lịch - Đ.Mừng (Công an nhân dân)
Thời sự Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN