Đấu giá mỏ cát chênh lệch hàng trăm lần: Lo ngại đẩy giá rồi... bỏ chạy
Chuyên gia cho rằng việc đấu giá mỏ cát cao gấp nhiều lần so với giá khởi điểm, có yếu tố bất thường, có thể tạo ra hiệu ứng đối với thị trường vật liệu xây dựng. Chưa kể trong trường hợp bỏ cọc sẽ gây tác động xấu, lãng phí thời gian, tiền bạc và cả cơ hội đầu tư của rất nhiều doanh nghiệp có nhu cầu tham gia đấu giá thật.
Mới đây, Sở TN&MT Hà Nội thông tin đã hoàn thành việc tổ chức đấu giá quyền khai thác 3 mỏ cát trên địa bàn.
Các mỏ cát đều được đấu giá thành công với mức cao hơn hàng trăm lần so với giá khởi điểm, như mỏ cát Tây Đằng - Minh Châu (huyện Ba Vì) có giá khởi điểm 19,2 tỷ đồng được đấu giá thành công với giá 883 tỷ đồng - cao gấp 45 lần giá khởi điểm; Mỏ cát Châu Sơn (huyện Ba Vì) giá khởi điểm 2,881 tỷ đồng, giá trúng đấu giá là 397 tỷ đồng - cao gấp 141 lần giá khởi điểm; Mỏ cát Liên Mạc (quận Bắc Từ Liêm) có giá trúng đấu giá 408 tỷ đồng - cao gấp 200 lần so với giá khởi điểm 2,051 tỷ đồng.
Tổng số tiền các tổ chức, cá nhân trả trong các phiên đấu giá là gần 1.700 tỷ đồng.
Trao đổi với PV Tiền Phong, đại diện Sở TN&MT Hà Nội cho biết, các phiên đấu giá được tiến hành công khai, tuân thủ các quy định của pháp luật. Về việc tính toán giá cát bình quân cao hơn giá cát thị trường hàng chục lần, vị đại diện cho rằng: Không thể chia cơ học như vậy vì đây là đấu giá “quyền khai thác”, còn “giá cát” là đơn vị tính toán khác nhau.
Vị này thông tin thêm: Việc thăm dò trữ lượng được thực hiện năm 2019, phù hợp với quy định sau 10 năm mới phải đánh giá lại trữ lượng. Đồng thời, sở cũng đang thăm dò và đánh giá để mở đấu giá thêm một số mỏ cát trên địa bàn trong thời gian tới.
Ông Tống Văn Nga, Chủ tịch Hội Vật liệu xây dựng Việt Nam (VAMB) cho rằng, thời gian qua và hiện nay, thị trường bất động sản, thị trường xây dựng đóng băng, nhu cầu vật liệu xây dựng cũng giảm mạnh mà đấu giá 3 mỏ cát lại đẩy giá lên cao như vậy là điểm bất thường. |
Đang trong thời gian chờ cơ quan thuế ra thông báo đơn vị trúng thầu nộp thuế
Trước đó thời điểm 3 mỏ cát ở Hà Nội gây “choáng” với kết quả trúng đấu giá cao ngất ngưởng thì đã có nhiều trường hợp đẩy giá cao tương tự ở sông Tiền (An Giang năm 2021); Quảng Ngãi (năm 2022), nhưng doanh nghiệp sau đó đã bỏ cọc.
Đối với 3 mỏ cát tại Hà Nội vừa được tổ chức đấu giá, vẫn đang trong thời gian chờ cơ quan thuế ra thông báo đơn vị trúng thầu thực hiện nghĩa vụ thuế. Tuy nhiên, nhiều nhận định cho rằng rất có thể có trường hợp bỏ cọc.
Theo tìm hiểu của PV Tiền Phong, đơn vị trúng đấu giá mỏ cát Liên Mạc là Công ty TNHH Đầu tư thương mại Dịch vụ KSP. Công ty có địa chỉ tại số 94 phố Trần Đăng Ninh, phường Phú La, quận Hà Đông, TP Hà Nội. Đáng chú ý, công ty này mới được thành lập ngày 26/9/2023, do ông Lê Sơn Tùng làm người đại diện pháp luật.
Doanh nghiệp trúng đấu giá mỏ cát Châu Sơn là Công ty Cổ phần Đầu tư và Thương mại Việt Sơn. Doanh nghiệp được thành lập ngày 12/02/2009, do ông Ngô Thành Quý làm đại diện theo pháp luật. Công ty có trụ sở tại lô BT5 - OBT07, Khu đô thị Nam Võ Cường, đường Lý Thánh Tông, phường Võ Cường, TP Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh.
Hiện trạng mỏ cát Liên Mạc. Ảnh: Thanh Hiếu
Báo cáo tại thời điểm 31/12/2022 cho thấy, công ty có tổng tài sản hơn 83,4 tỷ đồng. Trong năm 2022 và 2021, doanh nghiệp này hoạt động nhỏ giọt, nên lợi nhuận ghi nhận lần lượt chỉ là 643 triệu đồng và 758 triệu đồng. Kết thúc năm tài chính 2022, đơn vị này báo lỗ số tiền 653 triệu đồng, năm 2021 lỗ 1,4 tỷ đồng. Lỗ lũy kế tới thời điểm hiện tại của công ty này là hơn 24,4 tỷ đồng, khiến tài sản công ty giảm từ 104,5 tỷ đồng xuống chỉ còn 83,4 tỷ đồng.
Còn doanh nghiệp trúng đấu giá mỏ cát Tây Đằng - Minh Châu là Công ty TNHH Phúc Lộc Thịnh, trụ sở tại thôn Vân Nghệ, xã Mai Động, huyện Kim Động, tỉnh Hưng Yên. Doanh nghiệp được thành lập vào ngày 25/6/2012, do ông Nguyễn Văn Nha làm đại diện pháp luật. Tại thời điểm ngày 31/12/2022, công ty này có tổng tài sản gần 162 tỷ đồng.
Ông Tống Văn Nga, Chủ tịch Hội Vật liệu xây dựng Việt Nam (VAMB) cho rằng, thời gian qua và hiện nay, thị trường bất động sản, thị trường xây dựng đóng băng, nhu cầu vật liệu xây dựng cũng giảm mạnh mà đấu giá 3 mỏ cát lại đẩy giá lên cao như vậy là điểm bất thường.
Do đó, ông Nga đề nghị cơ quan chức năng liên quan cần rà soát lại toàn bộ quá trình khảo sát, làm hồ sơ, tổ chức đấu giá... Đặc biệt chú trọng đến công tác khảo sát đánh giá trữ lượng các mỏ cát xem có đúng khối lượng đưa ra đấu giá hay nhiều hơn.
Một số chuyên gia đề nghị cơ quan công an cần vào cuộc điều tra rõ vì sao kết quả trúng đấu giá 3 mỏ cát lại cao bất thường, nằm ngoài quy luật thị trường vật liệu xây dựng như vậy. Trong trường hợp các doanh nghiệp này bỏ cọc, dưới một góc nhìn khác, đó là sự lãng phí thời gian, tiền bạc và cả cơ hội đầu tư của rất nhiều khách hàng khác có nhu cầu tham gia đấu giá thật.
Trước đó tại phiên thảo luận về Luật Đấu giá tài sản công, đại biểu Quốc hội Dương Văn Phước (đoàn Quảng Nam) đề nghị cần bổ sung quy định và chế tài nghiêm minh để xử lý các trường hợp trúng đấu giá nhưng tự ý từ chối kết quả. Theo ông, quy định của luật hiện hành (điều 9, điều 51 luật Đấu giá tài sản) chưa quy định vấn đề này.
“Điều này dẫn đến hàng loạt các trường hợp lợi dụng việc đấu giá để làm hình ảnh, tác động đến thị trường sau đó bỏ kết quả đấu giá như các vụ việc đấu giá đất của Tân Hoàng Minh, đấu giá biển số xe vừa qua”, đại biểu Phước nói.
Thủ tướng yêu cầu rà soát đấu giá 3 mỏ cát ở Hà Nội Thủ tướng Phạm Minh Chính vừa ký công điện yêu cầu tăng cường quản lý công tác đấu giá quyền khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường. Theo công điện, thời gian qua, nhiều địa phương đã tổ chức đấu giá quyền khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường công khai, minh bạch, đạt nhiều kết quả tích cực, góp phần bổ sung nguồn thu cho ngân sách địa phương. Tuy nhiên, trên địa bàn TP Hà Nội vừa qua, kết quả trúng đấu giá cấp quyền khai thác 3 mỏ cát: Liên Mạc, Châu Sơn và Tây Đằng - Minh Châu cao gấp nhiều lần so với giá khởi điểm, có yếu tố bất thường, dư luận xã hội đặc biệt quan tâm, có thể tạo ra hiệu ứng đối với phát triển kinh tế - xã hội và thị trường vật liệu xây dựng. Do đó, Thủ tướng yêu cầu Chủ tịch UBND TP Hà Nội chỉ đạo rà soát ngay toàn bộ quá trình khảo sát, đánh giá trữ lượng mỏ, lập hồ sơ và tổ chức đấu giá quyền khai thác khoáng sản ở 3 mỏ cát trên, bảo đảm chặt chẽ, đúng pháp luật, tuyệt đối không để các tổ chức, cá nhân lợi dụng sơ hở trong công tác quản lý để trục lợi, thất thoát, lãng phí, lợi ích nhóm. Từ rà soát kịp thời phát hiện sớm, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm các quy định pháp luật trong đấu giá quyền khai thác khoáng sản, ngăn chặn hành vi lợi dụng đấu giá để đẩy giá, gây nhiễu loạn thị trường, trục lợi, báo cáo Thủ tướng trước ngày 20/11/2023. Bộ Công an chỉ đạo công an các địa phương tăng cường nắm tình hình, kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm quy định pháp luật trong việc đấu giá quyền khai thác khoáng sản. Văn Kiên |
Thủ tướng yêu cầu Chủ tịch UBND TP Hà Nội rà soát ngay và báo cáo vụ đấu giá 3 mỏ cát gần 1.700 tỉ đồng có yếu tố bất thường.
Nguồn: [Link nguồn]