Đau đầu truy nguồn gây nhiễu sóng không lưu ở Tân Sơn Nhất

Thời gian gần đây, an ninh hàng không ngày càng phải đối mặt với nhiều mối hiểm nguy do cả nguyên nhân chủ quan và khách quan. Hàng không dân dụng Việt Nam, vốn có ưu thế là an toàn bay, dường như đang phải loay hoay đối phó với các sự cố như “từ trên trời rơi xuống”.

Sự cố can nhiễu sóng xảy ra tại sân bay Tân Sơn Nhất ngày 16.6 một lần nữa khiến các cơ quan chức năng đau đầu truy tìm nguồn gây nhiễu, nhưng chưa có kết quả.

Đau đầu truy nguồn gây nhiễu sóng không lưu ở Tân Sơn Nhất - 1

Dạng can nhiễu sóng tại sân bay Tân Sơn Nhất ngày 16.6 là hiện tượng lần đầu tiên xảy ra tại Việt Nam. Ảnh: V.H

Đáng lưu ý, theo kết quả xác minh ban đầu của Cục Hàng không Việt Nam, việc can nhiễu tần số điều hành bay còn ảnh hưởng đến công tác điều hành bay tại sân bay Đà Nẵng.

Ông Lại Xuân Thanh - Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam cho hay: “Ở Việt Nam, đối với hoạt động điều hành bay đã từng xảy ra nhiều lần can nhiễu tần số điều hành bay do điện thoại cố định kéo dài, do đài phát thanh địa phương, do các trạm thu phát radar hay do truyền hình cáp. Tuy nhiên, dạng can nhiễu xảy ra ngày 16.6 tại khu vực sân bay Tân Sơn Nhất, Đà Nẵng là dạng can nhiễu lần đầu tiên xảy ra”.

Hiện tượng can nhiễu xảy ra giữa từng cặp tần số liên lạc dẫn đến việc đàm thoại trên sóng VHF của một tần số đều nghe được trên một tần số khác. Nghĩa là, nội dung cuộc đàm thoại trên tần số này được tiếp nhận và chuyển tiếp nội dung thông qua tần số khác. Sóng bị nhiễu chỉ xuất hiện khi có đàm thoại giữa kiểm soát viên không lưu và phi công trên cùng một cặp tần số. Hiện tượng nhiễu sóng ngày 16.6 càng trở nên bí ẩn khi tự kết thúc mà không có sự can thiệp của nhân viên kỹ thuật.

Hơn một tuần sau khi xảy ra sự cố kể trên, các cơ quan chức năng vẫn chưa thể tìm ra nguồn gây can nhiễu. Nhiều giả thuyết về nguồn gây can nhiễu đã được đưa ra như có thể từ bên ngoài hệ thống điều hành bay và máy bay; xuất phát từ máy bay hoặc từ hệ thống, thiết bị điều hành bay.

Hiện tượng nhiễu sóng cũng thường xảy ra đối với điện thoại di động, việc không nhận được nội dung cuộc gọi khiến người tham gia hội thoại rất khó chịu. Cuộc hội thoại ở trên trời, giữa kiểm soát viên không lưu với phi công, không chỉ dừng ở việc “khó chịu” mà còn liên quan đến sinh mạng của hàng trăm con người.

Trao đổi với PV NTNN, ông Nguyễn Phước Thắng – Chánh văn phòng Cục Hàng không Việt Nam cho hay: “Sự cố can nhiễu sóng điều hành bay ngày 16.6 không ảnh hưởng đến an toàn các chuyến bay bởi cơ quan điều hành bay đã chuyển sang tần số dự phòng. Tất nhiên, khi xảy ra sự cố thì liên lạc không như bình thường. Kiểm soát viên không lưu phải phát huấn lệnh để phi công chuyển sang tần số liên lạc dự phòng, chứ không có chuyện mất liên lạc hoàn toàn giữa kiểm soát viên không lưu với máy bay”.

Ông Thắng cũng cho biết, trong hoạt động điều hành bay ngoài tần số bình thường, còn có 2 tần số liên lạc dự bị và 1 tần số khẩn nguy. Khi xảy ra sự cố trên tần số chính thức sẽ chuyển sang các tần số dự phòng theo đúng quy trình, tình huống đã được diễn tập thường xuyên. “Điều này không phải do chúng ta tự đặt ra mà phải tuân thủ theo đúng quy định, tiêu chuẩn quốc tế để bảo đảm điều hành bay an toàn tuyệt đối”- ông Thắng nhấn mạnh.

Dù chưa uy hiếp an toàn bay nhưng việc tìm ra nguyên nhân của sự cố nhiễu sóng là vô cùng quan trọng để ngăn chặn các tình huống tương tự xảy ra. Cục Hàng không Việt Nam đã đề nghị được chuyển toàn bộ hồ sơ vụ việc sang Cục Tần số Vô tuyến điện (Bộ TTTT) để điều tra, xác minh với tư cách là cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành.

Để truy nguồn phát sóng gây nhiễu bí ẩn, Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng đã có công văn đề nghị Bộ trưởng Bộ Thông tin – Truyền thông chỉ đạo Cục Tần số Vô tuyến điện thực hiện và công bố kết luận điều tra, xác minh vụ việc.

(Còn nữa)

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Vinh Hải ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN