Đau đầu chuyện lì xì ngày Tết
Sau một năm kinh tế khó khăn, chuyện chi tiêu, sắm sửa, lì xì dịp Tết đang trở thành bài toán khiến nhiều người đau đầu.
Tiền lì xì Tết luôn là một khoản khiến nhiều người đau đầu. Ảnh minh họa
Kinh tế khó khăn hậu COVID-19
Năm 2022 vừa đi qua với nhiều cung bậc cảm xúc. Người dân hân hoan khi dịch COVID-19 được đẩy lùi sau chiến dịch tiêm vaccine rầm rộ chưa từng có trong lịch sử, cùng sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị. Cuộc sống được trở về trạng thái bình thường mới.
Thế nhưng hậu quả của dịch COVID-19 để lại vẫn còn hiển hiện đó. Nó ảnh hưởng đến mọi mặt của đời sống, mọi tầng lớp trong xã hội.
Đặc biệt là thời điểm cuối năm, khi Tết Nguyên đán Quý Mão 2023 đang cận kề thì nhiều người rơi vào cảnh lao đao khi mất việc hoặc phải nghỉ việc luân phiên. Nhiều nhà máy, khu công nghiệp ít hoặc không có đơn hàng nên phải đóng cửa, hoạt động cầm chừng. Việc này ảnh hưởng lớn đến thu nhập của người lao động.
Chị Lê Thị Bích (quê Bắc Giang) – làm việc tại một khu công nghiệp ở Phổ Yên (Thái Nguyên) cho hay, mọi năm, thời điểm cận Tết là công nhân mệt mỏi nhất vì thường xuyên phải tăng ca, làm đêm. Bù lại, tiền lương lại cao hơn, đủ để gia đình có cái Tết đầy đủ, ấm no.
Tuy nhiên, gần Tết Quý Mão, công ty lại thông báo cho công nhân nghỉ việc vô thời hạn đến khi có thông báo mới vì không có đơn hàng.
May mắn hơn chị Bích, chị Nguyễn Thị Hoàn (quê Bắc Ninh) làm việc tại một công ty điện tử ở khu công nghiệp thuộc huyện Yên Phong (Bắc Ninh) cũng được công ty thông báo nghỉ việc tạm thời. Sau đó, công ty yêu cầu công nhân đi làm luân phiên, làm 1 tuần lại nghỉ 1 tuần.
Anh Nguyễn Văn Trung (quê Thái Bình) là một kỹ sư công trình đang sinh sống và làm việc tại Hà Nội chia sẻ, trong năm 2022, anh đã phải 2 lần chuyển công ty vì bị nợ lương.
Làm ở công ty mới dù không bị nợ lương nhưng mức lương của anh giảm đáng kể so với công ty cũ. Do mới vào làm ở công ty mới nên tiền thưởng Tết của anh cũng không cao.
Mất việc, giảm giờ làm đồng nghĩa với việc thu nhập của người dân giảm đáng kể. Thời điểm Tết Nguyên đán, nhiều thứ cần sang sửa, mua sắm sẽ tiêu tốn một khoản kha khá. Bên cạnh đó, vấn đề lì xì trở thành bài toán đau đầu với nhiều người.
Chị Bích chia sẻ, những năm trước, chị thường lì xì cho ông bà, bố mẹ mỗi người 200 ngàn đồng, các cháu nhỏ thì 20 ngàn đồng. Năm nay, kinh tế khó khăn nhưng chị tính không vì thế mà giảm tiền lì xì đi được.
“Tôi sẽ cố gắng giữ bằng mức lì xì các năm trước. Lì xì ít tiền đi mọi người sẽ có cái nhìn không hay, xì xào bàn tán. Ra Tết nếu công ty không thông báo đi làm, tôi sẽ kiếm việc làm khác”, chị Bích nói.
Không chỉ riêng chị Bích, anh Dũng cũng đau đầu chuyện lì xì. Do ở quê, họ hàng, con cháu đông nên mỗi năm, vợ chồng anh tiêu tốn đến cả chục triệu đồng cho việc lì xì, biếu Tết. Số tiền ấy bằng cả tháng lương vợ anh đi làm; hơn cả chi phí sinh hoạt của gia đình 5 người nhà anh hằng tháng ở Thủ đô.
“Mình mang tiếng làm ăn ở thành phố, bây giờ về quê không thể mừng tuổi các cụ, các cháu ít hơn so với mọi năm. Thế nên, dù có chút khó khăn nhưng vợ chồng tôi tính vẫn giữ mức lì xì như cũ”, anh Dũng nói.
Lì xì đừng quan tâm đến mệnh giá tiền
Chuyên gia văn hóa Nguyễn Hùng Vĩ – nguyên Giảng viên khoa Ngữ Văn (Đại học Khoa học xã hội và nhân văn)
Chuyên gia văn hóa Nguyễn Hùng Vĩ – nguyên Giảng viên khoa Ngữ Văn (Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn) cho rằng, ở xã hội hiện nay, tục lì xì đã ít nhiều biến tướng. Nó trở thành dịp để người lớn “hối lộ”, “lấy lòng” nhau thông qua con trẻ. Tục lì xì biến thành tệ đút lót, cầu lợi.
Bên cạnh đó, ông cũng cho rằng, người lớn đừng quan tâm đến mệnh giá tiền bởi bản chất của lì xì là phát lộc, lấy may…
“Người lớn đừng để tâm đến việc nhiều ít. Trẻ em khi được lì xì cùng một mệnh giá sẽ có đứa thích, đứa không thích, người lớn đừng chấp đứa trẻ. Đứa trẻ không bằng lòng thì kệ chúng.
Mình hướng đến cái tốt đẹp, đưa 100 ngàn, 50 ngàn, 20 ngàn hay 10 ngàn không sao hết, rồi những đứa trẻ lớn lên nó sẽ hiểu. Còn người lớn băn khoăn về mệnh giá thì chính người lớn tự làm khổ thân mình.
Đừng vì người này đưa 100 ngàn hay 200 ngàn mà mình đưa 20 ngàn lại suy nghĩ. Người không có thì tự ứng xử theo cách của mình, không bị a dua, lôi kéo thì người đó là người tự do. Tự do trong hành động là hạnh phúc cao nhất”, ông Vĩ chia sẻ.
Ông Trần Hữu Sơn – Viện trưởng Viện Nghiên cứu văn hóa dân gian ứng dụng
Cùng quan điểm, ông Trần Hữu Sơn – Viện trưởng Viện Nghiên cứu văn hóa dân gian ứng dụng (Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam) cũng cho rằng, ngày nay, lì xì ít mang lại ý nghĩa ban đầu, bắt nguồn từ tác động của kinh tế thị trường nên khó tránh khỏi chuyện trẻ em coi trọng mệnh giá tiền lì xì.
Phong tục lì xì đôi khi biến thành món hàng hóa trao đổi. Người lớn lì xì con trẻ thật nhiều tiền để lấy lòng bố mẹ; tục lì xì thành văn hóa “phong bì”, cấp dưới mượn cớ để đút lót cho cấp trên...
Để tục lì xì trở lại với ý nghĩa vốn có ban đầu, theo ông Sơn, cần tuyên truyền, vận động để các bậc cha mẹ hiểu được ý nghĩa tốt đẹp của phong tục này. Cha mẹ, người lớn cần phải dạy trẻ cách nhận lì xì sao cho lễ phép, không được so đo nhiều ít, đòi lì xì hay bóc phong bao trước mặt khách…
Nguồn: [Link nguồn]
Coi tục lì xì ngày Tết là “cái nợ”, quan điểm của đạo diễn Lê Hoàng đang trở thành chủ đề tranh cãi trên mang xã hội.