Dấu ấn nguyên Tổng bí thư Lê Khả Phiêu

Sự kiện: Thời sự

Thượng tướng, nguyên Tổng bí thư Lê Khả Phiêu cả một đời gắn bó với sự nghiệp giải phóng dân tộc và xây dựng đất nước, xây dựng Đảng.

Với nghị quyết ở Hội nghị Trung ương 6 (lần hai) khóa VIII, tháng 2-1999, Tổng bí thư Lê Khả Phiêu, Bộ Chính trị, Ban chấp hành Trung ương khi đó đã xới lại, củng cố lại nền móng việc chỉnh đốn Đảng. Đó là cảm nghĩ của ông Vũ Quốc Hùng, nguyên Ủy viên Trung ương, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra (UBKT) Trung ương - Thường trực Ban chỉ đạo Trung ương 6 (lần hai), sau khi hay tin nguyên Tổng bí thư Lê Khả Phiêu vừa qua đời vào sáng 7-8.

Từ tướng chiến trường đến làm lãnh đạo Đảng

. Phóng viên: Thưa ông, cảm nhận của ông khi ông Lê Khả Phiêu được bầu làm tổng bí thư gần giữa nhiệm kỳ khóa VIII như thế nào?

+ Ông Vũ Quốc Hùng: Tôi với đồng chí Lê Khả Phiêu bắt đầu tham gia Ban chấp hành Trung ương từ khóa VII. Bây giờ nhìn lại, đồng chí Phiêu lúc ấy 60 tuổi, hơn tôi chín tuổi, mới vào Trung ương thì không còn trẻ nữa. Nhưng với kinh nghiệm công tác Đảng, công tác chính trị trong quân đội thì ngay lập tức đồng chí được bồi dưỡng để thử thách trong Ban bí thư, Thường vụ Bộ Chính trị, rồi tham gia Thường trực Bộ Chính trị.

Đấy là giai đoạn đặc biệt của Đảng. Các đồng chí lãnh đạo kỳ cựu, đã qua chiến tranh, tù đày đều đã cao tuổi nên có một yêu cầu cấp bách là chuyển giao thế hệ lãnh đạo.

Sau Đại hội VIII một năm rưỡi thì Tổng bí thư Đỗ Mười cùng các đồng chí Chủ tịch nước, Thủ tướng nghỉ để đồng chí Lê Khả Phiêu và các đồng chí ủy viên Bộ Chính trị khác lên thay.

Cảm nhận của tôi lúc đó với đồng chí Tổng bí thư Lê Khả Phiêu là bất ngờ. Một ông tướng suốt đời trận mạc, hết chiến tranh Campuchia mới tham gia sâu làm chủ nhiệm Tổng cục Chính trị bên quân đội, được bồi dưỡng không dài ở Ban bí thư, Bộ Chính trị… thì gánh vác công việc của Đảng được không.

Tổng bí thư Lê Khả Phiêu chúc tết nhân dân thủ đô Hà Nội tối 4-2-2000 (29 tết). Ảnh: TTXVN

Tổng bí thư Lê Khả Phiêu chúc tết nhân dân thủ đô Hà Nội tối 4-2-2000 (29 tết). Ảnh: TTXVN

Nói chung cũng lo…

.Lo rồi sao, thưa ông?

+ Tôi tham gia UBKT Trung ương từ Trung ương khóa VIII là khóa thứ ba rồi. Quan tâm của tôi lúc ấy chủ yếu về công tác kiểm tra, kỷ luật Đảng, xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Sau hơn 10 năm đổi mới, thành tựu kinh tế - xã hội là rất lớn nhưng đã xuất hiện ngày càng rõ hơn các biểu hiện tiêu cực trong hệ thống, trong đội ngũ cán bộ, đảng viên.

Vậy nên khi Tổng bí thư Lê Khả Phiêu vừa mới nhận nhiệm vụ hơn một năm, còn không ít bỡ ngỡ mà cùng tập thể Bộ Chính trị dự thảo nghị quyết “Về một số vấn đề cơ bản và cấp bách trong công tác xây dựng Đảng hiện nay”, triệu tập Hội nghị Trung ương 6 (lần hai), tháng 2-1999 để thông qua, tôi rất mừng.

Xây dựng Đảng thì đại hội nào cũng nói, hội nghị Trung ương nào cũng đề cập. Chủ tịch Hồ Chí Minh trong Di chúc cũng nói rất nhiều, lo lắng rất nhiều công tác này. Nhưng nếu tính từ sau Đại hội VI năm 1986 của Đổi mới thì lần này Tổng bí thư, Bộ Chính trị, Ban chấp hành Trung ương mới xới lại, củng cố lại nền móng.

Nói riêng về phòng, chống tham nhũng thì cuối khóa VII, Bộ Chính trị đã ra một nghị quyết riêng, tôi nhớ là Nghị quyết 14 về lãnh đạo công tác phòng, chống tham nhũng. Nhưng ở tầm cỡ Ban chấp hành Trung ương với phạm vi rộng lớn hơn, phải tới khi đồng chí Lê Khả Phiêu làm tổng bí thư, Trung ương mới ra một nghị quyết riêng như vậy về xây dựng Đảng, mà từ tên gọi rất nhấn mạnh “một số vấn đề cơ bản và cấp bách”.

Khách quan, không thiên vị ai

. Liên tưởng tới công cuộc xây dựng, chỉnh đốn Đảng mà Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đang phát động, rồi câu chuyện “củi lửa” từ đầu khóa XII đến giờ, ông có so sánh thế nào với không khí 21 năm trước?

+ Mọi so sánh đều khập khiễng. Nhưng có thể thấy rõ là tình trạng tham nhũng, mức độ hư hỏng của cán bộ thời ấy không nghiêm trọng như sau này. Tuy nhiên, cách triển khai Nghị quyết Trung ương 6 (lần hai) lúc ấy là rất quyết liệt, mạnh mẽ.

Tôi muốn nhấn mạnh: Thái độ quyết liệt của đồng chí Lê Khả Phiêu là không phải sau khi làm tổng bí thư. Trước đó, mới tham gia thường trực Bộ Chính trị, đồng chí đã trực tiếp dẫn tôi cùng đoàn công tác vào giải quyết vấn đề mất đoàn kết nội bộ ở Hà Tĩnh khi vừa tách tỉnh. Trực tiếp đồng chí Phiêu giới thiệu tôi, tổ trưởng kiểm tra, tạo sức mạnh cho đoàn để làm nhiệm vụ. Mà không chỉ chung chung, sau đó đồng chí theo dõi, hỗ trợ để giải quyết dứt điểm.

Sau này, trong triển khai cuộc vận động xây dựng, chỉnh đốn Đảng cũng vậy, liên quan đến các vụ việc kiểm tra, kỷ luật Đảng, Tổng bí thư Lê Khả Phiêu rất khách quan, không thiên vị ai cả. Đồng chí tạo điều kiện, ủng hộ tối đa để UBKT Trung ương làm nhiệm vụ.

Tôi chỉ là phó chủ nhiệm nhưng theo nhiệm vụ của mình vẫn chuẩn bị hồ sơ, tài liệu, gợi ý các đồng chí ủy viên Bộ Chính trị đương chức, rồi cả các đồng chí trong Ban cố vấn kiểm điểm. Còn đồng chí tổng bí thư thì tác phong rất quần chúng, rất gần gũi nhưng cũng rất nguyên tắc…

Phải nói không khí lúc đó là không có vùng cấm. Đảng viên nào, dù chức to đến mấy, mà có vấn đề thì đều được tổ chức làm việc, yêu cầu báo cáo, giải trình.

. Khi còn khỏe, trong những lần trò chuyện với báo chí, ông Lê Khả Phiêu có nói mấy năm làm tổng bí thư là một giai đoạn khó khăn, thử thách nhất trong đời. Ông nghĩ thế nào?

+ Có lẽ đúng vậy.

Nhìn lại bối cảnh bây giờ, những hạn chế, yếu kém, vấn đề suy thoái trong Đảng bây giờ thì càng thấm thía ý nghĩa của việc vận động xây dựng, chỉnh đốn Đảng thời Trung ương khóa VIII.

Đổi mới, mở cửa lúc ấy mang lại nhiều thành tựu nhưng yếu kém trong công tác xây dựng Đảng cũng khiến Đảng bộc lộ những suy thoái về tư tưởng chính trị. Tình trạng tham nhũng, quan liêu, lãng phí của một bộ phận cán bộ, đảng viên có chiều hướng phát triển nghiêm trọng hơn. Tổ chức, bộ máy của Đảng và Nhà nước lúc ấy cũng còn nhiều lạc hậu, chậm được củng cố, đổi mới…

Phát động một công cuộc chấn chỉnh những yếu kém đấy là chắc chắn đụng chạm chỗ này, chỗ kia. Bản thân tôi hồi ấy hành động theo chức năng, nhiệm vụ thôi mà cũng còn bị dư luận dọa dẫm là không trụ được trong Trung ương đâu…

Đồng chí Lê Khả Phiêu, các đồng chí lãnh đạo chủ chốt kỳ cựu trước đó và nói chung tất cả chúng ta đều nhân vô thập toàn. Trong quá trình tự đấu tranh với chính mình ấy, trong những sinh hoạt chính trị vốn đề cao tính tập thể ấy, chỉ thiếu cẩn trọng, thiếu nguyên tắc chút thôi là rất dễ đổ vỡ. Đổ vỡ ở tầm cao ấy là nguy cơ, là rủi ro rất lớn cho Đảng.

Đồng chí Lê Khả Phiêu nhận nhiệm vụ tổng bí thư khóa VIII gần giữa nhiệm kỳ và dừng lại sau chưa đầy ba năm rưỡi, ở Đại hội IX.

Tình hình của Đảng sau 20 năm kể từ Nghị quyết Trung ương 6 (lần hai) thì như Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII này nhận định: “Tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên chưa bị đẩy lùi, có mặt, có bộ phận còn diễn biến tinh vi, phức tạp hơn; tham nhũng, lãng phí, tiêu cực vẫn còn nghiêm trọng, tập trung vào số đảng viên có chức vụ trong bộ máy nhà nước”.

Vậy thì nhìn lại khóa VIII ấy cũng nhiều suy nghĩ, trăn trở.

. Xin cám ơn ông.

“Gội phải gội từ trên đầu gội xuống”

. Nghị quyết Trung ương 6 (lần hai) là sản phẩm của tập thể Ban chấp hành Trung ương. Vậy dấu ấn của Tổng bí thư Lê Khả Phiêu ở đó là gì?

+ Tôi lúc đó là phó chủ nhiệm UBKT Trung ương, được phân công tham gia ban chỉ đạo thực hiện Nghị quyết Trung ương 6 (lần hai) cảm nhận rất rõ quyết tâm của Tổng bí thư Lê Khả Phiêu trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng.

Thứ nhất, Tổng bí thư Lê Khả Phiêu vừa nhậm chức thì đã lựa chọn rồi quyết tâm đột phá vào công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng - một công việc cực kỳ khó khăn, dễ đụng chạm chính đồng chí của mình.

Thứ hai, ở vị trí người đứng đầu, thái độ của đồng chí ấy rất gương mẫu. Trưởng thành nhanh, được đưa lên nhanh như vậy, bản thân đồng chí Lê Khả Phiêu chịu rất nhiều áp lực và không tránh khỏi những hạn chế, bất cập trong công tác. Nhưng trước phê bình, góp ý của các đồng chí trong Đảng, nhất là các đồng chí trong Ban cố vấn, rồi dư luận trái chiều… thì đồng chí Phiêu luôn bình tĩnh.

UBKT Trung ương là cơ quan tham mưu của Trung ương, Bộ Chính trị, được giao nhiều nhiệm vụ quan trọng. Trước các yêu cầu của Bộ Chính trị, đồng chí tổng bí thư đều tự giải trình, kiểm điểm, đúng tinh thần tự phê bình và phê bình.

Dù bị phê bình nhưng chưa bao giờ tôi thấy đồng chí bực bội cả. Đó là bản lĩnh, là tính gương mẫu của người đảng viên, nhất là ở vị trí cao nhất trong Đảng.

Từ sự gương mẫu ấy, “gội từ trên đầu gội xuống” không còn là câu nói suông nữa. Các đồng chí trong Bộ Chính trị từng người tự kiểm điểm, gợi ý cho nhau kiểm điểm, góp ý cho nhau. 9-10 ngày liền như vậy, rất thẳng thắn, nghiêm túc. 

Tin từ Ban Bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cán bộ Trung ương cho biết nguyên Tổng bí thư Lê Khả Phiêu đã từ trần vào hồi 2 giờ 52 phút ngày 7-8, tại Hà Nội.

Lễ viếng, lễ truy điệu, lễ an táng ông Lê Khả Phiêu sẽ được thông báo sau.

Ông Lê Khả Phiêu sinh năm 1931, tại xã Đông Khê, huyện Đông Sơn, Thanh Hóa. Ông vào Đảng năm 17 tuổi, phần lớn cuộc đời gắn với quân đội, qua nhiều vị trí công tác. Ông là Thượng tướng, nguyên Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam. Tới tháng 6-1991, ở  Đại hội VII, ông Lê Khả Phiêu mới tham gia Ban chấp hành Trung ương, khi đã 60 tuổi.

Tới Hội nghị Trung ương 3 khóa VII, tháng 6-1992, ông được bầu bổ sung tham gia Ban bí thư. Tại Hội nghị Đại biểu toàn quốc giữa nhiệm kỳ, tháng 4-1994, ông được bầu bổ sung vào Bộ Chính trị.

Đại hội VIII, tháng 6-1996, ông Lê Khả Phiêu tiếp tục tham gia Bộ Chính trị, trong một cơ cấu đặc biệt - Thường vụ Bộ Chính trị và sâu hơn là Thường trực Bộ Chính trị.

Tại Hội nghị Trung ương 4 khóa VIII, tháng 12-1997, Trung ương bầu ông Lê Khả Phiêu làm Tổng bí thư thay ông Đỗ Mười. 

Nguồn: [Link nguồn]

Infographic về tiểu sử và quá trình công tác của nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu

Nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu sinh năm 1931, đã từ trần hồi 2 giờ 52 phút ngày 7/8, thọ 90 tuổi. Dân Việt giới thiệu...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Nghĩa Nhân ([Tên nguồn])
Thời sự Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN