Dấu ấn của Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP.HCM Lê Hòa Bình

Sự kiện: Thời sự

Ông Lê Hòa Bình được đánh giá là lãnh đạo trẻ, có năng lực và hết sức tâm huyết với công việc.

Ngày 29-3, thông tin Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Lê Hòa Bình qua đời vì tai nạn giao thông trên đường đi công tác đã làm rất nhiều người dân TP, các doanh nghiệp cũng như các sở, ban ngành, quận, huyện bàng hoàng, đau xót. Hơn một năm đảm nhiệm vị trí phó chủ tịch, rồi phó chủ tịch thường trực UBND TP.HCM, ông Bình đã để lại nhiều dấu ấn đáng nhớ.

1. Thần tốc xây dựng hàng chục bệnh viện dã chiến

Ông Lê Hòa Bình được bầu giữ chức phó chủ tịch UBND TP.HCM vào tháng 12-2020. Mấy tháng sau khi ông nhậm chức, cũng là lúc làn sóng dịch COVID-19 ập đến, chính quyền TP ban đầu còn có sự lúng túng vì chưa có đủ vaccine, hệ thống y tế đang thiếu và quá tải trầm trọng. Ngay thời điểm đó, chính quyền TP xác định phải khẩn cấp thành lập hàng loạt bệnh viện (BV) dã chiến, trung tâm hồi sức để tiếp nhận, thu dung điều trị cho các bệnh nhân nhiễm COVID-19.

Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Lê Hòa Bình tại buổi lễ triển khai thi công đầu năm 2022, dự án tuyến metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) hôm 10-2. Ảnh: ĐÀO TRANG

Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Lê Hòa Bình tại buổi lễ triển khai thi công đầu năm 2022, dự án tuyến metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) hôm 10-2. Ảnh: ĐÀO TRANG

10.000 là số sổ hồng được ông Lê Hòa Bình chỉ đạo giải quyết cấp trong hơn một năm làm phó chủ tịch UBND TP.HCM. 

Ông Bình lúc này được giao nhiệm vụ phụ trách toàn bộ vấn đề xây dựng, cải tạo các BV dã chiến và phải làm thần tốc trong thời gian ngắn để đưa vào sử dụng.

Theo báo cáo của Sở Y tế, từ đầu tháng 7 đến tháng 10-2021, TP đã thành lập 16 BV dã chiến với quy mô khoảng 37.000 giường được trưng dụng từ khu nhà tái định cư, ký túc xá của các trường đại học, cao đẳng. Nhiệm vụ của các BV dã chiến này là thu dung điều trị các trường hợp F0 không có triệu chứng hoặc có triệu chứng nhẹ. Cùng với đó, bốn trung tâm hồi sức cấp cứu cũng được thành lập để tiếp tục cứu chữa cho bệnh nhân.

Ông Lê Trần Kiên, Phó Giám đốc Sở Xây dựng TP.HCM, chia sẻ “đó chính là dấu ấn đặc biệt của anh Bình trong thời gian cao điểm nhất và gian khổ nhất của dịch bệnh”. “Chỉ trong vài tuần, hàng chục BV dã chiến và bốn trung tâm hồi sức đã được thành lập với đầy đủ thiết bị và ôxy tới tận từng giường bệnh. “Một sự nỗ lực cao độ của Phó Chủ tịch UBND TP Lê Hòa Bình” - ông Kiên nói.

Ông Kiên chia sẻ từng là phó giám đốc rồi giám đốc Sở Xây dựng TP.HCM, việc ông Bình đột ngột qua đời khiến cho cá nhân ông cũng như toàn thể cán bộ, nhân viên Sở Xây dựng bàng hoàng và tiếc thương vô hạn. “Trong công việc, không chỉ riêng Sở Xây dựng mà các sở, ngành khác, anh đều chỉ đạo rất sát sao, quyết liệt. Anh cũng là người rất gần gũi, chân tình, hòa đồng như anh em với tất cả mọi người” - ông Kiên nhận xét thêm.

2. Tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho hàng loạt dự án

Theo ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM, từ tháng 12-2020 đến nay (thời điểm ông Bình đảm nhận vị trí phó chủ tịch UBND TP - PV) đã có hàng chục dự án đang gặp vướng mắc được tháo gỡ và chấp thuận chủ trương đầu tư.

Ông Châu cho biết tuần nào ông Bình cũng xếp lịch để họp tổ công tác đầu tư với các sở, ngành, quận, huyện, TP Thủ Đức nhằm xem xét, giải quyết các dự án đầu tư xây dựng, kinh doanh bất động sản của các doanh nghiệp. Nhờ đó đã tháo gỡ vướng mắc cho nhiều dự án nhà ở thương mại. Điển hình như dự án khu nhà ở cao tầng phường Phú Mỹ, quận 7 của Công ty Hưng Lộc Phát; dự án khu dân cư và thương mại hỗn hợp Khải Vy (phường Phú Thuận, quận 7) của Công ty Khải Thịnh; dự án khu liên hợp cao ốc trung tâm thương mại - văn phòng và căn hộ (phường Thảo Điền, TP Thủ Đức) của Công ty Sơn Kim Land…

Ông Bình còn cùng các sở, ngành giải quyết chấp thuận đầu tư cho 20 dự án nhà ở thương mại gặp vướng mắc vì quy định “phải có quyền sử dụng đất ở hợp pháp”.

“Sáng qua (29-3), tôi đã chuẩn bị báo cáo kiến nghị của 57 doanh nghiệp đề nghị gỡ vướng cho 64 dự án để chuẩn bị tham gia cuộc họp do anh Bình chủ trì. Tuy nhiên, cuộc họp với anh Bình đã không thể nào diễn ra” - ông Châu ngậm ngùi.

Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP đánh giá ông Bình là cán bộ trẻ, có năng lực và bày tỏ sự tiếc thương sâu sắc với gia quyến cũng như với chính quyền TP. “Đây là một sự thiệt thòi lớn cho TP.HCM. Mong rằng những nỗ lực của anh còn dang dở sẽ tiếp tục được hoàn thiện” - ông Châu nói trong sự tiếc nuối.

Luôn lắng nghe các khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp

Nhận được tin anh Lê Hòa Bình qua đời, chúng tôi thật sự rụng rời. Anh là một lãnh đạo trẻ, sâu sát, luôn lắng nghe các khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp. Nhiều doanh nghiệp có chung các khó khăn, vướng mắc khi làm dự án, anh tổ chức họp nhóm các doanh nghiệp này để ra chính sách giải quyết chung, thể hiện rõ quyết tâm đồng hành với doanh nghiệp.

Thay mặt ban lãnh đạo Tập đoàn Hưng Thịnh, tôi xin được gửi lời chia buồn sâu sắc đến chính quyền TP.HCM và gia đình anh Lê Hòa Bình.

Ông TRẦN QUỐC DŨNG, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Hưng Thịnh

-------------------

Ăn bánh mì rồi vào cuộc họp

Thật đau xót khi nghe tin anh, chiều tối trước khi anh mất, tôi mới tham gia cuộc họp với anh. Đã tối nhưng sau tôi vẫn còn hai cuộc họp nữa. Có hôm hẹn làm việc tại huyện Nhà Bè lúc 5 giờ chiều, anh Bình giao văn phòng chuẩn bị bánh mì, phát cho mỗi người một ổ, vừa ăn vừa họp vì không còn thời gian. Anh thật sự là lãnh đạo rất tâm huyết và gần gũi. Thật sự rất đau xót và thương anh…

Ông VÕ PHAN LÊ NGUYỄN, Phó Chủ tịch UBND huyện Nhà Bè

3. Ban hành quyết định về quy chế quản lý kiến trúc của TP.HCM

Trước đó, ngày 28-12-2021, Phó Chủ tịch UBND TP Lê Hòa Bình ký Quyết định 56 về ban hành Quy chế quản lý kiến trúc TP.HCM. Quyết định 56 thay thế bảy quyết định khác có liên quan mà TP ban hành trước đó (gồm các quyết định 29/2009, 16/2009, 135/2007, 45/2009, 3457/2013, 50/2017, 08/2018). Đây cũng là văn bản có ý nghĩa quan trọng trong lĩnh vực xây dựng, quản lý quy hoạch, kiến trúc đô thị của TP.HCM vốn nhiều năm qua đã lỗi thời.

Theo ông Võ Phan Lê Nguyễn, Phó Chủ tịch UBND huyện Nhà Bè, Quyết định 56 có rất nhiều nội dung và rất dài nhưng đã được ông Bình chỉ đạo thực hiện trong một thời gian ngắn và hoàn thành rất bài bản. Riêng đối với huyện Nhà Bè, ông Nguyễn chia sẻ quá trình công tác, ông Bình đã giải quyết rất rốt ráo và quyết liệt nhiều kiến nghị của UBND huyện này.

Dấu ấn lớn nhất của ông Lê Hòa Bình đối với huyện Nhà Bè là giải quyết rất nhiều vướng mắc liên quan đến dự án xây mới cầu Long Kiểng. Một công trình với vốn đầu tư hơn 550 tỉ đồng bị kẹt tiến độ do vướng bồi thường giải phóng mặt bằng. “Nhờ sự quyết liệt và quan tâm đặc biệt của anh Bình mà các khó khăn đã lần lượt được tháo gỡ, giúp Nhà Bè đẩy nhanh các công việc còn lại để bàn giao mặt bằng cho chủ đầu tư” - ông Nguyễn nói.

Gặp nạn khi đang trên đường đi công tác

Liên quan đến vụ tai nạn giao thông trên cao tốc TP.HCM - Trung Lương, trưa 29-3, Văn phòng UBND TP.HCM cũng đã có thông tin chính thức về vụ việc. Theo đó, lúc 7 giờ 20, tại Km21+700 cao tốc TP.HCM - Trung Lương hướng từ TP.HCM đi Trung Lương (thuộc xã Thạnh Đức, huyện Bến Lức, Long An), ô tô chở ông Lê Hòa Bình, Phó Chủ tịch thường trực UBND TP.HCM, trên đường đi công tác đã gặp nạn.

Mặc dù được các bác sĩ tại BV đa khoa Long An, BV Chợ Rẫy phối hợp cấp cứu kịp thời nhưng ông Lê Hòa Bình đã không qua khỏi.

Phó Chủ tịch thường trực UBND TP.HCM Lê Hòa Bình. Ảnh: HOÀNG GIANG

Phó Chủ tịch thường trực UBND TP.HCM Lê Hòa Bình. Ảnh: HOÀNG GIANG

UBND TP.HCM đã có chỉ đạo các cơ quan liên quan của TP phối hợp với các cơ quan chức năng của tỉnh Long An để điều tra nguyên nhân vụ tai nạn.

Thường trực UBND TP.HCM đã có phân công xử lý những công việc mà ông Lê Hòa Bình đang chỉ đạo để công việc không bị gián đoạn.

Ông Lê Hòa Bình sinh ngày 1-4-1970, quê xã Tịnh Hà, huyện Sơn Tịnh, Quảng Ngãi. Ông có trình độ chuyên môn kỹ sư xây dựng, thạc sĩ kỹ thuật, cử nhân kinh tế; cao cấp lý luận chính trị.

Trước khi được bầu giữ chức phó chủ tịch UBND TP.HCM vào tháng 12-2020, ông Bình giữ các chức vụ như phó giám đốc Ban quản lý đầu tư xây dựng công trình nâng cấp đô thị TP, phó giám đốc Sở Xây dựng, chủ tịch UBND quận 7 (từ tháng 3-2016 đến tháng 4-2019). Tháng 4-2019, ông được điều động và bổ nhiệm giữ chức giám đốc Sở Xây dựng TP.HCM.

Từ cuối tháng 12-2021, ông Lê Hòa Bình được phân công làm phó chủ tịch thường trực UBND TP.HCM. 

TÁ LÂM 

Đưa thi thể ông Lê Hòa Bình về Nhà tang lễ Bộ Quốc phòng ở TPHCM

Thi thể Phó Chủ tịch Thường trực UBND TPHCM Lê Hòa Bình đã được lực lượng chức năng đưa từ tỉnh Long An về Nhà tang lễ Bộ Quốc phòng ở TPHCM.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Việt Hoa ([Tên nguồn])
Thời sự Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN