Dấu ấn Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng qua con mắt ĐBQH
Là người “cầm trịch” cơ quan quyền lực cao nhất của nhân dân, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đã để lại nhiều ấn tượng trong mắt các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) về một lãnh đạo nói thẳng, nói thật những điều gắn với dân và có tinh thần đổi mới.
Chủ tịch Quốc hội đã làm "tròn vai"
Từ con người “tài chính” sang điều hành cơ quan quyền lực cao nhất của nhân dân, ngay sau khi nhậm chức nhiều người khi đó đã lo lắng Chủ tịch Nguyễn Sinh Hùng sẽ dễ “nhầm vai” khi chuyển từ chế độ thủ trưởng sang chế độ hội nghị. Nhưng sau 5 năm giữ cương vị Chủ tịch Quốc hội, ông Nguyễn Sinh Hùng đã để lại nhiều dấu ấn trong lòng cử tri và ĐBQH.
Chia sẻ với Infonet, ĐBQH Dương Trung Quốc (tỉnh Đồng Nai) chia sẻ thẳng thắn, Chủ tịch Quốc hội đã không “nhầm vai”. “Càng ngày ông điều hành Quốc hội càng có hiệu quả hơn, đặc biệt là giám sát các hoạt động kinh tế, vì ông là người quá hiểu “sức khoẻ” của nền kinh tế đất nước từ khi còn là Bộ trưởng Bộ Tài chính, rồi Phó Thủ tướng Chính phủ…” – ông Quốc nhận xét.
Lợi thế là người "tài chính” đã giúp Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng “hiểu từng chân tơ kẽ tóc” của Chính phủ - đối tượng Quốc hội vừa giám sát, vừa xây dựng hệ thống pháp luật để thúc đẩy sự phát triển.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng để lại nhiều dấu ấn sau 5 năm giữ cương vị Chủ tịch Quốc hội - cơ quan quyền lực cao nhất của nhân dân.
“Ở đây chúng ta không đặt vấn đề giám sát ở nghĩa đối lập mà giám sát thể hiện sự đồng thuận nhất để hoạt động của cơ quan lập pháp hiệu quả hơn. Điều này chúng tôi đánh giá rất cao ở ông”- ĐB Dương Trung Quốc chỉ rõ.
Một điểm mạnh nữa của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng được ông Quốc đánh giá cao đó là "tính thủ trưởng" của một cơ quan hành pháp được bộc lộ rõ trong điều hành của ông trên nghị trường Quốc hội. Điểm này ai quan sát kỹ cũng sẽ thấy bộc lộ rất rõ. Tuy nhiên, dù làm tốt tới đâu cũng khó có thể “tròn trịa” trong mắt tất cả mọi người.
Ông Quốc cũng chỉ ra những điều chưa được như mong muốn trong thời gian đương nhiệm của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng: “Có những dự thảo luật rất tốt, đưa ra bàn luận, đóng góp ý kiến rất sôi nổi, nhưng chỉ một tuần sau đã thay đổi toàn bộ, thậm chí là “về mo”. Tiếc là trong những trường hợp như vậy, ông không đứng được trên cương vị một Chủ tịch Quốc hội để bảo vệ lập trường, quan điểm của Quốc hội. Đây là vấn đề cơ chế chứ không phải hoàn toàn do năng lực cá nhân”.
Con người của tư duy sắc sảo, tinh thần đổi mới
“Hình ảnh một Quốc hội vì dân, mỗi ĐBQH luôn trong tâm thế cháy lên nhiệt huyết góp phần thúc đẩy xã hội phát triển…” là những ấn tượng của ĐB Huỳnh Nghĩa (TP. Đà Nẵng) về nhiệm kỳ Quốc hội khoá XIII. Đặc biệt ông Nghĩa không quên nhấn mạnh tới vai trò “chủ công”, tư duy sắc sảo và tinh thần đổi mới trong chỉ đạo, điều hành của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng giúp Quốc hội khoá XIII thực sự đổi mới, mang hơi thở và nguyện vọng của cử tri cả nước.
“Tại diễn đàn Quốc hội không khí tranh luận sôi nổi, thẳng thắn, các quyết định ngày càng chuẩn xác và mang tính khả thi, góp phần quan trọng ổn định đất nước, để lại âm hưởng khó quên trong lòng nhân dân. Đặc biệt sự điều hành của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng ở mỗi phiên họp toàn thể để lại dấu ấn về sự chuẩn mực, nhạy bén, sắc sảo trong quá trình xử lý vấn đề”- vị ĐBQH TP. Đà Nẵng chia sẻ.
Đúc kết lại, ông Huỳnh Nghĩa nói: “Nhìn lại một nhiệm kỳ 5 năm đã qua quá nhanh. Sự đánh giá của cử tri đôi lúc nghiệt ngã nhưng cũng rất công bằng và độ lượng. Nhưng đó là thước đo đánh giá sắc bén nhất với một người ở trên cương vị lãnh đạo”.
Ông Nguyễn Sinh Hùng không còn trăn trở gì
Theo chương trình kỳ họp thứ 11 Quốc hội khoá XIII, chiều 30/3 dưới sự điều khiển của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, Phó chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng thay mặt Ủy ban thường vụ Quốc hội báo cáo kết quả, tiếp thu, giải trình ý kiến thảo luận tại các Đoàn ĐBQH về việc miễn nhiệm chức danh Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng bầu cử quốc gia đối với ông Nguyễn Sinh Hùng. Sau đó, Quốc hội sẽ thảo luận, biểu quyết thông qua Nghị quyết về việc miễn nhiệm người đảm nhiệm hai chức danh trên.
Đây có thể sẽ là phiên điều hành cuối cùng của ông Nguyễn Sinh Hùng trên cương vị Chủ tịch Quốc hội.
Trong lần trả lời báo chí bên hành lang Quốc hội tại kỳ họp này, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng thẳng thắn bộc bạch ông không còn gì trăn trở khi đã hoàn thành nhiệm vụ Đảng và Nhà nước giao, trong đó có việc chuẩn bị người kế nhiệm.
“Làm lãnh đạo chỉ có 2 việc. Thứ nhất, Đảng, Nhà nước, nhân dân đã tin tưởng, giao cho mình những việc gì thì cố gắng làm tốt việc đó, làm hết sức, tận tâm tận lực, rèn luyện và đào tạo mình. Thậm chí là vượt qua mình, cố gắng cùng với lực lượng của mình làm tốt việc được giao”- Chủ tịch Nguyễn Sinh Hùng nói.
Ông Nguyễn Sinh Hùng năm nay 70 tuổi, quê tại xã Kim Liên, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An. Ông có trình độ tiến sĩ kinh tế. Ông là Ủy viên Bộ Chính trị khóa X, XI; Ủy viên Trung ương Đảng khóa VIII, IX, X, XI; Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Quốc hội nước CHXHCN Việt Nam; Chủ tịch Hội đồng bầu cử quốc gia. Đại biểu Quốc hội khoá: X, XI, XII, XIII. Ngày 23/7/2011, ông được Quốc hội bầu giữ chức Chủ tịch Quốc hội khoá XIII (2011-2016) với 91,4% phiếu bầu. Trước khi làm Chủ tịch Quốc hội, ông Nguyễn Sinh Hùng từng giữ các trọng trách như Phó thủ tướng thường trực, Bộ trưởng Bộ Tài chính, Thứ trưởng Bộ Tài chính, Cục trưởng Cục Kho bạc Nhà nước... Tại Đại hội 12 vừa qua, dù vẫn được giới thiệu thêm để bầu vào BCH TƯ khóa 12 nhưng ông Nguyễn Sinh Hùng xin rút và được Đại hội đồng ý. |