Đạt thỏa thuận với Hàn Quốc, Triều Tiên rút tàu ngầm về căn cứ

Tờ Chosun Ilbo ngày 25.8 dẫn nguồn tin quân sự đưa tin, Triều Tiên đã rút 50 tàu ngầm về căn cứ chỉ vài giờ sau khi đạt được thỏa thuận tháo ngòi căng thẳng với Hàn Quốc.

"Khoảng 50 tàu ngầm rời căn cứ quân sự kể từ ngày 21.8 có dấu hiệu đang quay về", Chosun Ilbo dẫn lời quan chức quân đội Hàn Quốc cho hay. Người này cho biết thêm tàu ngầm đang di chuyển trong vùng biển của Triều Tiên.

Đạt thỏa thuận với Hàn Quốc, Triều Tiên rút tàu ngầm về căn cứ - 1

Chiếc tàu ngầm chở nhà lãnh đạo Kim Jong-un khi ông tới thăm một đơn vị Hải quân Triều Tiên

Trước đó, Bình Nhưỡng đã tăng quân dọc biên giới với Seoul và điều động khoảng 50 tàu ngầm rời căn cứ vào cuối tuần qua trong bối cảnh căng thẳng quân sự trên bán đảo Triều Tiên leo thang đột biến. Ngoài ra, nguồn tin quân sự ở Seoul cũng cáo buộc, Bình Nhưỡng còn triển khai hơn 20 tàu đổ bộ chạy bằng đệm khí tới bờ biển Nampo thuộc khu vực biển phía Tây của bán đảo.

Nhiều chuyên gia phân tích cho rằng, những động thái trên của Triều Tiên là nhằm để chiếm thế thượng phong trong các cuộc đàm phán với Hàn Quốc vừa kết thúc vào đầu giờ sáng thứ Ba (25.8).

Chuyên gia Moon Geun-shik thuộc Diễn đàn Quốc phòng và An ninh Triều Tiên, người từng chỉ huy một tàu ngầm bình luận: "Ngay cả Mỹ cũng không triển khai nhiều tàu ngầm cùng một lúc như vậy. Triều Tiên làm như vậy là nhằm tăng áp lực".

Bình Nhưỡng và Seoul đã đạt được thỏa thuận giúp "hạ nhiệt" căng thẳng leo thang trên bán đảo Triều Tiên sáng sớm nay ( 25.8) sau khi kết thúc các cuộc đàm phán cấp cao kéo dài suốt 43 tiếng tại làng đình chiến Panmunjom.

Với thỏa thuận 6 điểm nhằm giảm căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên, Seoul sẽ nhận được lời xin lỗi từ Bình Nhưỡng vì đã đe doạ leo thang quân sự gần đây. Đổi lại, Seoul sẽ ngừng chương trình phát sóng tuyên truyền chống lại Bình Nhưỡng.

Trong khi đó, hãng tin Yonhap của Hàn Quốc dẫn nguồn tin quân đội khác cho hay, việc tàu ngầm của Bình Nhưỡng nhanh chóng quay về căn cứ có thể liên quan đến cơn bão Goni đang tiến tới bán đảo Triều Tiên hoặc do các phương tiện này không đủ khả năng định vị dưới nước.

Tàu ngầm của Triều Tiên có khả năng ở dưới nước 3 ngày trước khi cần phải nổi lên mặt nước để bổ sung oxy. Tuy nhiên, nếu nổi lên, tàu ngầm Triều Tiên sẽ lọt vào tầm ngắm của radar giám sát của Hàn Quốc và Mỹ.

Các quan chức quân đội ở Seoul cho hay, họ sẽ tiếp tục các nỗ lực tuần tra để ngăn chặn khả năng tàu ngầm Triều Tiên đi qua đường ranh giới phía bắc (NLL).

Theo Yonhap, Triều Tiên có 77 tàu ngầm, gồm các loại 1.800 tấn, 325 tấn, 130 tấn. Các chuyên gia cho rằng, quân đội của nhà lãnh đạo Kim Jong-un vừa xây dựng loại tàu ngầm 2.000 tấn có thể phóng tên lửa đạn đạo. Xét về số lượng, Triều Tiên là quốc gia có hạm đội tàu ngầm lớn nhất thế giới, nhiều hơn Mỹ với 72 chiếc. 

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Phương Đăng ([Tên nguồn])
Căng thẳng Triều Tiên - Hàn Quốc Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN