Đặt máy tạo oxy công suất lớn cứu cá Hồ Tây
Chủ tịch HN Nguyễn Đức Chung chỉ đạo đưa 10 máy tạo oxy công suất lớn cứu số cá còn sống ở tầng nước sâu Hồ Tây.
Cá chết nổi trắng phủ kín mặt hồ Tây trong ngày 2/10.
Từ tối ngày 1-2.10, tại khu vực mặt nước hồ Tây xảy ra tình trạng cá chết hàng loạt, số lượng ước tính lên đến nhiều tấn. Ngay sau khi nhận được tin báo, từ đêm 1.10, UBND Thành phố Hà Nội đã chỉ đạo quận Tây Hồ, các cơ quan chức năng tiến hành xử lý, vớt cá chết, đưa đi xử lý để tránh tình trạng ô nhiễm, tiến hành lấy mẫu nước giám định nhằm xác định nguyên nhân.
Chiều 2.10, Chủ tịch UBND Thành phố Nguyễn Đức Chung cùng Phó Chủ tịch Nguyễn Thế Hùng đã đến hiện trường tại khu vực đường Nguyễn Đình Thi trực tiếp chỉ đạo công tác xử lý tình trạng này. UBND Thành phố đã lập Ban chỉ huy xử lý sự cố và khẩn trương triển khai 7 biện pháp cấp bách.
Bước đầu, kết quả kiểm tra nhanh (test nhanh) cho thấy toàn bộ nước mặt của hồ Tây không có oxy, chỉ số oxy = 0.
Chủ tịch TP yêu cầu huy động lực lượng thuộc Bộ Tư Lệnh Thủ đô, Công an Thành phố, Sở cảnh sát PCCC và cứu hộ cứu nạn cùng nhiều đơn vị chức năng tập trung lực lượng, phương tiện để rà, vớt cá chết để đưa đi xử lý.
Giao Công ty TNHH Một thành viên Môi trường đô thị Hà Nội thu gom, vận chuyển toàn bộ số cá chết đưa lên bãi rác Nam Sơn để chôn lấp, xử lý, bảo vệ môi trường.
Công an Thành phố chỉ đạo Phòng cảnh sát môi trường và cơ quan giám định lấy mẫu nước, lấy mẫu cá sống/chết trên diện rộng từ trong bờ ra giữa hồ, từ tầng nước mặt đến tầng nước sâu nhằm xác định nguyên nhân, cá có bị nhiễm chất độc hại hay không.
Sở Xây dựng bố trí 10 máy lọc nước tạo oxy đưa vào hoạt động trên mặt hồ, tiến hành mua, bổ sung thêm máy đảm bảo tạo oxy để cứu số cá còn sống ở các tầng nước sâu.
Đồng thời với việc vớt cá, xử lý bằng các biện pháp trên, Thành phố sẽ sử dụng chế phẩm làm sạch hồ Redoxy-3C (loại chế phẩm mới được sử dụng làm sạch một số hồ trên địa bàn Thành phố) nhằm nhanh chóng làm sạch nước hồ, khửi mù và tạo oxy tại các tầng nước sâu.
Sở Y tế đã đưa lực lượng xuống hiện trường phun thuốc phòng chống dịch bệnh, xử lý ô nhiễm môi trường xung quanh hồ.
UBND Thành phố Hà Nội cũng đưa ra cảnh báo người dân không vớt, sử dụng cá chết tại hồ Tây trong các ngày vừa qua làm thực phẩm khi chưa có kết luận chính xác của cơ quan chức năng về việc có hay không các chất độc hại trong cá, đảm bảo an toàn tính mạng và sức khỏe.
Theo ghi nhận của PV, vào cuối giờ chiều ngày 2/10, có tới hàng chục chiếc thuyền cùng nhiều công nhân môi trường đi vớt cá quanh hồ Tây, trong đó khu vực tập trung nhiểu cá chết nhất ở cuối đường Nguyễn Đình Thi, một số người dân sinh sống ven hồ Tây cho biết, trong ngày 2/10 họ thấy nước hồ biến chuyển màu xanh bất thường.
Một số hình ảnh PV ghi nhận về công tác vớt cá chết ở hồ Tây:
Hàng trăm công nhân vệ sinh môi trường được huy động để trục vớt số cá chết mang đi tiêu hủy theo đúng quy trình.
Tuy nhiên do số cá chết quá lớn lại nằm rải rác ở nhiều nơi nên công tác thu gom gặp nhiều khó khăn.
Theo ghi nhận của PV, số lượng cá chết tập trung chủ yếu ở cuối đường Nguyễn Đình Thi (Tây Hồ, Hà Nội).
Một chú cá với trọng lượng lên tới gần chục kg chết phơi bụng.
Cá chết bốc mùi hôi thối nồng nặc lên khu vực đường đi khiến nhiều người cảm thấy khó chịu.
Cơ quan chức năng tiến hành lấy mẫu nước để xét nghiệm.
Đến cuối giờ chiều ngày 2/10, số lượng cá chết vẫn còn rất lớn, dự kiến hết ngày 2/10 cũng không thể vớt hết số cá chết đang nổi trên mặt hồ Tây.