Đặt barie trên vỉa hè là sai luật!

Việc đặt barie là trái với Luật Giao thông đường bộ trong khi chế tài xử phạt hành vi đi xe máy lên vỉa hè đã rất rõ.

Gần đây Sở GTVT TP.HCM thí điểm lắp đặt hệ thống barie trên vỉa hè một số đường như Pasteur, Lý Tự Trọng, Nguyễn Bỉnh Khiêm, quận 1 để ngăn xe máy chạy lên. Tuy nhiên, ý tưởng này đã vấp phải phản ứng của dư luận bởi xe máy vẫn cố tình len lỏi qua các thanh chắn. Các barie này gây khó khăn, dễ vấp ngã cho người đi bộ, cản trở lưu thông của người khiếm thị, người tàn tật. Do đó, ngày 24-2 lãnh đạo UBND quận 1 đã có văn bản kiến nghị Sở GTVT xem lại tính pháp lý, đồng thời đề xuất hướng xử lý phù hợp.

Chiều 15-2, trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, ông Nguyễn Văn Dung, Phó giám đốc khu quản lý giao thông đô thị số 1 (sở GTVT TP.HCM), nói: “Việc gắn barie trên vỉa hè ngăn xe máy chạy lên vỉa hè thực tế có gây bất tiện cho người đi bộ. Tuy nhiên, trước tình trạng thực tế xe máy hay chạy lên vỉa hè hiện nay, biện pháp này mang lại hai điểm lợi lớn. Theo đó, biện pháp này gây ra sự khó khăn cho nhiều người khi muốn chạy xe trên vỉa hè và từ đó dần tạo thói quen tốt, tuân thủ pháp luật giao thông. Ngoài ra, nó còn bảo vệ an toàn cho người đi bộ trên vỉa hè”.

Trái Luật Giao thông đường bộ

Tuy nhiên, trưởng phòng một Sở Tư pháp cho biết Điều 4 Luật giao thông đường bộ (LGTĐB) quy định nguyên tắc của hoạt động giao thông là phải bảo đảm thông suốt, trật tự, an toàn, hiệu quả. Việc đặt barie chưa bảo đảm được nguyên tắc này vì có thể ngăn xe máy đi lên vỉa hè nhưng mặt khác lại gây ra nguy cơ tai nạn cho người tham gia giao thông, ở đây là người đi bộ. Thực tế, báo chí đã thông tin có người bị vấp hoặc té vì barie. Cạnh đó Điều 44 LGTĐB quy định việc xây dựng mới, nâng cấp và cải tạo công trình đường bộ phải bảo đảm kỹ thuật và điều kiện an toàn giao thông cho người, phương tiện tham gia giao thông đường bộ, trong đó có người đi bộ và người khuyết tật. Đáng chú ý là khoản 2 Điều 35 luật này quy định rõ một trong số những hành vi không được thực hiện trên đường bộ là lắp đặt biển hiệu, biển quảng cáo hoặc thiết bị khác làm giảm sự chú ý, gây nhầm lẫn nội dung biển báo hiệu hoặc gây cản trở người tham gia giao thông.

Đặt barie trên vỉa hè là sai luật! - 1

Người dân đi bộ qua thanh barie lắp trên vỉa hè đường Lý Tự Trọng, quận 1, TP.HCM. Ảnh: HOÀNG GIANG

TS Cao Vũ Minh (giảng viên khoa Luật hành chính, Trường ĐH Luật TP.HCM) phân tích thêm: theo LGTĐB thì đường phố gồm lòng đường và hè phố. Trong các hành vi bị nghiêm cấm theo Điều 8 luật này, có các hành vi như đặt, để chướng ngại vật trái phép trên đường; đặt, rải vật nhọn, đổ chất gây trơn trên đường; để trái phép vật liệu, phế thải, thải rác ra đường; sử dụng lòng đường, lề đường, hè phố trái phép.

Chỉ cần người dân phơi phóng rơm rạ, đồ đạc trên vỉa hè thì đã bị coi là đã có hành vi cản trở giao thông đường bộ. Việc cho đặt barie trên vỉa hè sẽ gây ra cản trở trong việc lưu thông đường bộ đối với những người sử dụng hè phố, vỉa hè để đi lại. Cạnh đó mọi người dân đều phải được đối xử công bằng trong các chính sách pháp luật. Điều 33 LGTĐB quy định về việc người khuyết tật, người già yếu tham gia giao thông. Theo đó, người khuyết tật sử dụng xe lăn không có động cơ được đi trên hè phố và nơi có vạch kẻ đường dành cho người đi bộ. Dựng barie sẽ cản trở việc đi lại của người khuyết tật, đồng thời còn gây khó cho việc đi lại của người già. Không thể vì ngăn người đi xe máy vi phạm mà lại ảnh hưởng đến quyền của những người còn lại, mà hầu hết là người yếu thế trong xã hội.

Đừng tự nghĩ ra những quy cách khác

Theo luật sư (LS) Bùi Quốc Tuấn (Đoàn LS TP.HCM) pháp luật đã có quy định cấm hành vi chạy xe máy lên vỉa hè. Cụ thể, theo điểm g khoản 4 Điều 6 Nghị định 46-2016 của Chính phủ thì hành vi điều khiển mô tô, xe máy, xe máy điện đi trên hè phố bị phạt tiền từ 300.000 đến 400.000 đồng. Như vậy đây là hành vi đã bị cấm, do đó cơ quan có thẩm quyền cần tăng cường xử phạt thì sẽ có tác dụng với các đối tượng khác. Việc gắn barie là không nên, không phù hợp, khi đã có chế tài của pháp luật thì nên áp dụng, không nên đặt ra quy cách khác để áp dụng giống như một biện pháp cấm.

Thực tế cho thấy việc đặt barie không thể chấm dứt một cách triệt để tình trạng chạy xe trên vỉa hè vì họ vẫn cố tình vi phạm. Ngược lại nó gây khó khăn cho người đi bộ, các em nhỏ, người khuyết tật vì dễ dẫn đến vấp ngã, bị tai nạn nếu bất cẩn. Nó gây mất mỹ quan đô thị, đôi khi còn gây hư hỏng vỉa hè. Đặc biệt nó cản trở sự lưu thông của người khuyết tật khi sử dụng xe lăn và người khiếm thị khi đi trên lề đường. “Ngăn cản xe máy chạy lên vỉa hè phụ thuộc nhiều vào ý thức của người tham gia giao thông chứ không phải vì mấy thanh chắn bằng inox” - LS Tuấn nói.

Đồng tình, LS Đặng Thành Trí (Đoàn LS TP.HCM) cũng cho rằng đây là việc làm không hợp lý và không hợp pháp. Thậm chí những người đi bộ gặp tai nạn bị thiệt hại có thể khởi kiện yêu cầu cơ quan lắp đặt bồi thường. Theo thông tin trên báo chí thì việc gắn barie này cũng chưa được UBND TP chấp thuận.

Đánh túi tiền sẽ có ý thức

Việc quản lý đô thị rất cần sự sắp xếp văn minh nhưng nhìn vào hình ảnh những chiếc rào chắn trên lề, cái thấy trước mắt là mất mỹ quan đô thị. Vỉa hè cho người đi bộ tuy được “giành” lại từ việc ngăn xe máy leo lên nhưng thực chất lại bó hẹp diện tích lề đường vốn đã rất ít ỏi. Đó là chưa kể trong những tình huống khẩn cấp vẫn phải trưng dụng vỉa hè để lưu thông.

Quy định xử phạt đi lên lề đường, người lấn chiếm vỉa hè đã có. Đội ngũ thi hành pháp luật như cán bộ trật tự đô thị cũng có đầy đủ hành lang pháp lý là Nghị định 46/2016 để xử lý. Nếu cứ theo luật mà xử nghiêm thì việc hạn chế vi phạm là việc có thể thấy rõ. Nếu phải đối mặt với chế tài nghiêm khắc thì ý thức của người đi đường sẽ được điều chỉnh và dần dần nâng cao. Phương pháp quản lý bằng việc dựng barie không tác dụng so với việc tạo thành nếp cho người dân thông qua nguyên tắc cứ chạy xe lên lề là bị xử phạt. Cứ đánh vào túi tiền thì họ sẽ hình thành ý thức mà lại không mất chi phí cho việc mua, lắp đặt, bảo dưỡng, thay mới barie. Vấn đề còn lại là phải làm sao nâng cao ý thức tự giác lưu thông của người dân nữa.

TP.HCM đang đối mặt với nạn kẹt xe vì hạ tầng cơ sở giao thông đô thị không đồng bộ với sự phát triển về dân số cũng như mật độ xây dựng. Tôi nghĩ một khi chế tài đủ mạnh thì sẽ quyết định được việc chấp hành các quy tắc giao thông. Nhưng các quy định phải đúng đắn và hợp tình hợp lý chứ không nên nghĩ ra cách trái luật. Hãy đưa mọi hành xử của người dân vào khuôn khổ, theo đúng quy định pháp luật. Nhờ vậy, chúng ta không phải đưa ra những giải pháp tình thế như lập barie trên vỉa hè nữa.

ThS LƯU ĐỨC QUANG, giảng viên khoa Luật, Trường ĐH Tôn Đức Thắng, TP.HCM

Không thấy có tác dụng gì

Tôi nghe nói làm cái barie chắn ngang như thế này để xe máy khỏi leo lên vỉa hè nhưng có được đâu, người ta vẫn luồn qua hết. Từ ngày lắp barie, nhiều người chạy xe luôn trên cỏ, nát hết, trơ cả đất. Tôi thấy lắp barie không có tác dụng gì cả. Ở đây thì chưa xảy ra chuyện vấp té nhưng đây cách trường học mấy bước chân, bọn nhỏ đi không để ý dễ bị té lắm. Rồi người già đi thể dục buổi sáng, mắt mũi kèm nhèm dễ đụng té dập đầu. Thậm chí mấy thanh niên đi bộ mắt cứ chăm chăm nhìn điện thoại không để ý là té bể đầu.

Ông NGUYỄN VĂN QUÊ, lái xe ôm trên  đường Nguyễn Bỉnh Khiêm, quận 1

Đã có người vấp té

Tôi buôn bán gần 26 năm rồi, sáng bán ở đây, chiều bán chỗ khác. Tôi nhớ họ lắp mấy thanh barie này từ hồi trước Tết. Nhưng sáng sớm tầm 4-5 giờ, khi tôi mới dọn hàng thì thấy mấy ông bà đi tập thể dục bị vấp té. Có phản quang chiếu sáng nhưng họ lớn tuổi rồi nên không quen, vấp té. Trong khi mấy người thiếu ý thức vẫn leo lên vỉa hè đi hết, xe máy thì lách qua, xe đạp thì bưng qua. Thành thử ra bây giờ đi bộ trên vỉa hè vừa phải tránh xe máy mà vừa phải canh chừng né barie.

Bà Ba, bán bánh giò trên đường Lý Tự Trọng, quận 1.

NGUYỄN TRÀ ghi

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo P.LOAN - K.PHỤNG - MINH PHONG (Pháp luật TP.HCM)
Thời sự Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN