Đào tạo y - dược: Hai bộ vênh nhau?
Trong khi Bộ Giáo dục và Đào tạo cho rằng Trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ đủ, thậm chí vượt điều kiện mở ngành y, thì đoàn thẩm định của Bộ Y tế cho rằng trường cần bổ sung giảng viên, cơ sở vật chất…
Trước những lo ngại của dư luận về chất lượng đào tạo, ngày 28-11, Trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ đã có buổi gặp gỡ phóng viên và mời tham quan cơ sở vật chất của trường tại Bắc Ninh.
“Chúng tôi đủ điều kiện!”
Chia sẻ với các phóng viên, GS Trần Phương, Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ, cho rằng nhiều trường như Trường ĐH Duy Tân cách đây mấy tháng cũng được phép đào tạo ngành y - dược. Theo GS Phương, việc đánh giá Trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội mở ngành y - dược là ngoại đạo là do cách hiểu của dư luận chưa đúng về trường đa ngành. “Nếu nói ngoại đạo thì chỉ ngoại đạo với hiệu trưởng, ban giám hiệu. Còn xét tới từng ngành học thì gần 100 giáo viên y, dược của chúng tôi không ngoại đạo với ngành y đa khoa hay dược học. Trường chúng tôi tuy gọi là Trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ nhưng nó cũng chỉ phản ánh những mặt hoạt động chủ yếu. Một trường ngoài công lập khác trường công ở chỗ nó không bị quy định cứng về ngành nghề đào tạo” - GS Phương phân trần.
Cần phải xem xét lại quy trình mở ngành đào tạo y - dược giữa Bộ Giáo dục - Đào tạo và Bộ Y tế Ảnh: TẤN THẠNH
Nói về những khuyến cáo của Bộ Y tế trong việc trường cần bổ sung đội ngũ giảng viên, cơ sở vật chất, ông Phương cho biết những nội dung còn thiếu là vì chưa cần đến. “Bộ Y tế quy định mở ngành y đa khoa phải có 50 giảng viên cơ hữu, chúng tôi đã có 47 người và 2 năm đầu chỉ cần 20 người. Còn thiếu 3 người nhưng vì đây là những môn sẽ chỉ học các năm cuối trong khi học y đa khoa đến 6 năm. Nếu giờ chúng tôi có mời về, trả lương họ cũng không nhận vì chưa phải làm gì. Trong quá trình đào tạo, chúng tôi sẽ bổ sung” - ông Phương nói.
Tương tự, về trang thiết bị, ông Phương thừa nhận dù đã đầu tư 80 tỉ đồng nhưng vẫn còn thiếu so với yêu cầu đặt ra. Tuy nhiên, ông Phương cho rằng các trang thiết bị đó dùng cho những năm cuối nên nếu trường mua sớm mà không dùng đến sẽ bị hao mòn, hỏng. “Vì thế, dù đoàn kiểm tra có ghi thiết bị chưa thật đầy đủ nhưng họ vẫn đồng ý rằng trường đủ điều kiện mở ngành. Đúng là chúng tôi chưa chuẩn bị đầy đủ nhưng là vì chưa cần thiết. Chưa thật đầy đủ là theo ý đó chứ không phải do chúng tôi thiếu điều kiện. Cơ sở vật chất đã sẵn sàng dùng cho 2 năm đầu. Chúng tôi cũng đã ký hợp đồng với 4 bệnh viện và 2 công ty dược để làm nơi thực hành cho sinh viên gồm Bệnh viện Đa khoa Đức Giang, Bệnh viện Đa khoa Hà Đông, Bệnh viện Đa khoa Đống Đa, Bệnh viện Đa khoa Tràng An, Công ty Dược phẩm trung ương 1, Công ty Dược phẩm DGC” - ông Phương nói.
Bất nhất trong thẩm định, cấp phép
Bà Nguyễn Thị Kim Phụng - quyền Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) - nhấn mạnh Trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội đã đáp ứng yêu cầu cơ bản trong luật. Bộ GD-ĐT đã phối hợp với Bộ Y tế thẩm định nghiêm ngặt khi trường đủ điều kiện thì cấp phép theo quy định.
Phải chỉnh sửa quy định về mở ngành Phản hồi những lo lắng của dư luận rằng sẽ không có bệnh nhân để bác sĩ tốt nghiệp Trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ khám, điều trị, bà Phụng thừa nhận sự lo lắng của xã hội về chất lượng đào tạo y - dược là chính đáng. Tuy nhiên, trường chưa tuyển sinh mà nói rằng không bao giờ để cho bác sĩ của trường đó khám, chữa bệnh thì đó là biểu hiện của định kiến xã hội. |
Trước ý kiến cho rằng Bộ Y tế đã thẩm định và đã kết luận trường đủ điều kiện mở ngành y đa khoa và dược học, thậm chí tiêu chí đặt ra đối với Trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội cho việc mở ngành còn cao hơn so với tiêu chí mở ngành ở các trường chuyên khối y - dược, ông Nguyễn Minh Lợi - Phó Cục trưởng Cục Khoa học công nghệ và Đào tạo, Bộ Y tế - cho rằng để đáp ứng yêu cầu bảo đảm chất lượng, Bộ Y tế đã chủ động xây dựng và đề xuất chính thức với Bộ GD-ĐT các điều kiện chuyên môn tối thiểu để mở ngành đào tạo các ngành. Các tiêu chí này cao hơn nhiều so với tiêu chí quy định tại Thông tư số 08 về các điều kiện chung cho tất cả các ngành của Bộ GD-ĐT nhưng mới chỉ là những tiêu chí cơ bản nhất trong đào tạo y, dược. Các tiêu chí này gồm 3 nhóm chủ yếu: đội ngũ giảng viên cơ hữu chuyên ngành, cơ sở vật chất phục vụ thực tập, thực hành và các cơ sở thực hành ngoài trường. Bộ Y tế cũng đề xuất quá trình thẩm định cần có sự tham gia của Bộ Y tế và các chuyên gia chuyên ngành.
Lần thẩm định mở ngành đào tạo ngành y đa khoa và dược học tại Trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ là lần đầu tiên Bộ Y tế được tham gia thẩm định mở ngành đào tạo trong lĩnh vực y tế. Ông Lợi nhấn mạnh quan điểm của Bộ Y tế là các tiêu chí được áp dụng chung cho tất cả các cơ sở đào tạo chứ không phải chỉ áp dụng riêng cho Trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ hay các trường đa ngành không chuyên về y, dược. Nếu chiếu theo Thông tư 08 thì các điều kiện chuẩn bị để mở ngành của Trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ là vượt yêu cầu nhưng nếu chiếu theo yêu cầu chuyên môn mà Bộ Y tế đã nêu trên thì trường chưa đáp ứng đầy đủ.
Ông Lợi cũng nhấn mạnh theo quy trình, Bộ Y tế hiểu rằng Bộ GD-ĐT đã kiểm tra, rà soát, xác định và nhất trí với những sửa chữa, bổ sung của trường theo góp ý của Bộ Y tế cũng như các thành viên tại cuộc thẩm định.
“Mặc dù tôi hiểu có thể băn khoăn đó xuất phát từ tên nhà trường, từ thực trạng tuyển sinh năm vừa qua khi trường lấy điểm khá thấp. Theo cách đó mà áp dụng sang cho đào tạo y - dược là không phù hợp. Nhưng nếu chúng ta đóng cửa với họ, họ chưa làm mà đã nói là không bao giờ chấp nhận thì họ nản và không nên” - bà Phụng lên tiếng bênh vực Trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ. Bà Phụng tỏ ra lạc quan khi cho rằng sau 6 năm học ở trường, qua những kỳ thi nhất định, thi sát hạch để lấy chứng chỉ hành nghề, thi tuyển hoặc xét tuyển để làm việc cho một cơ sở y tế nào đó thực sự là quá trình gian nan khiến các sinh viên phải cố gắng.
Ông Nguyễn Minh Lợi cho hay Bộ Y tế sẽ tiếp tục đề nghị Bộ GD-ĐT có ý kiến chính thức về việc tổ chức kiểm tra (hậu kiểm) việc duy trì các điều kiện bảo đảm chất lượng. Nếu cơ sở nào không đáp ứng, Bộ Y tế sẽ kiến nghị bộ trưởng Bộ GD-ĐT có quyết định dừng tuyển sinh.
Ông Lợi cũng nhấn mạnh việc chỉnh sửa Thông tư số 08 nói trên theo hướng bổ sung những quy định cụ thể về các điều kiện chuyên môn theo đề xuất chính thức của Bộ Y tế vì đào tạo nhân lực y, dược có tính đặc thù rất cao. Thành phần đoàn thẩm định ngoài các cơ quan quản lý, cần bổ sung thêm các chuyên gia độc lập có nhiều kinh nghiệm về đào tạo nhân lực y tế theo từng ngành, lĩnh vực cụ thể, bảo đảm sự thống nhất giữa chương trình đào tạo với các điều kiện để thực hiện chương trình.
Để rút kinh nghiệm về độ “vênh” giữa hai bộ trong việc thẩm định tại Trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội, ông Lợi cho rằng cần thống nhất về quy trình làm việc. Ví dụ sau khi thẩm định cần có sự thống nhất giữa hai bộ và các chuyên gia về các nội dung mà cơ sở đào tạo đã chỉnh sửa, bổ sung theo góp ý của đoàn thẩm định. Chỉ khi nào cả hai bộ bảo đảm chắc chắn rằng cơ sở đã đáp ứng đủ điều kiện mới cho phép mở ngành đào tạo.
Cần làm rõ, bổ sung một số yêu cầu về chuyên môn Ông Nguyễn Minh Lợi cho rằng sau khi xem xét đề án cũng như kiểm tra các điều kiện cụ thể của Trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ tại cơ sở Bắc Ninh, đoàn thẩm định của Bộ Y tế thống nhất trường cần bổ sung, làm rõ thêm một số nội dung yêu cầu về chuyên môn. Cụ thể, về đội ngũ giảng viên cơ hữu chuyên ngành, theo danh sách trường có 47 người nhưng 30 người chưa có cam kết tham gia. Về cơ sở thực tập tại trường, cần sắp xếp lại các phòng thực hành, thực tập, tiền lâm sàng hợp lý. Về cơ sở thực hành ngoài trường, cần bổ sung hợp đồng trách nhiệm của cơ sở thực hành ngoài trường, trong đó nêu rõ sự tham gia làm việc và giảng dạy của giảng viên cơ hữu chuyên ngành tại các cơ sở thực hành ngoài trường... |