Đào tạo y dược: "Đầu vào không quan trọng lắm"

Thông tin Trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ được cấp phép đào tạo ngành y dược đã khiến dư luận xôn xao. Ngay cả những người làm việc trong lĩnh vực y dược cũng tỏ ra lo ngại về chất lượng đào tạo của các trường không chuyên ngành.

20 điểm vào y dược “không hề thấp”

Sáng 28.11, Trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ tổ chức buổi họp báo thông tin về việc trường được cấp phép đào tạo ngành Y đa khoa và Dược học.

Đào tạo y dược: "Đầu vào không quan trọng lắm" - 1

Ngày 19.11, Trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ được cấp phép mở 2 ngành đào tạo Y đa khoa và Dược học.

Dự kiến khóa I đào tạo y dược của ĐH Kinh doanh và Công nghệ sẽ xét tuyển từ kết quả của kỳ thi THPT Quốc gia theo tổ hợp điểm các môn: Toán - Lý - Hóa, Toán - Hóa - Sinh, Toán - Lý - Sinh. Tổng điểm 3 môn đạt từ 20 điểm trở lên, trong đó không môn nào dưới 5 điểm thì đủ điều kiện nộp hồ sơ. Trường không xét học bạ.

Trong khi đó, theo nhiều chuyên gia y tế, ngành y dược là ngành đào tạo đặc thù. Sinh viên theo học nhóm chuyên ngành khoa học sức khỏe phải là người có tư duy tốt, học lực giỏi mới có khả năng tiếp thu được kiến thức sâu về ngành học. Thực tế, các trường lớn chuyên đào tạo về y dược đều có mức điểm chuẩn rất cao, ít nhất từ 23 điểm trở lên.

Về vấn đề này, GS.TS Trần Phương - nguyên Phó Thủ tướng Chính phủ, Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ - cho biết: “Đối với chúng tôi, đầu vào không quan trọng lắm. Ở nước ngoài, người ta đỗ tốt nghiệp THPT có thể nộp hồ sơ học đại học. Sinh viên giỏi hay không là do quá trình đào tạo và học tập của sinh viên để chuẩn bị cho đầu ra. Thi đầu vào chỉ có 3 môn, nhưng để ra trường được, sinh viên phải vượt qua 50 - 60 học phần. Vì vậy, tôi cho rằng lấy 20 điểm trở lên để nhận hồ sơ không hề thấp. Ở bậc học phổ thông, học sinh phải học rất nghiêm túc mới đạt được số điểm đó”.

Ông Phương khẳng định: “Không thể so sánh điểm của ĐH Kinh doanh và Công nghệ và Đại học Y Hà Nội. Ở những trường top trên, thí sinh bị loại không phải là quá dốt, mà do hàng nghìn người muốn vào nhưng chỉ tiêu hạn hẹp”.

Đào tạo y dược: "Đầu vào không quan trọng lắm" - 2

GS.TS Trần Phương - Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ - trực tiếp trả lời các câu hỏi về việc nhà trường mở ngành đào tạo Y đa khoa và Dược học.

PGS.TS Nguyễn Văn Tường - nguyên Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Y Hà Nội; Phó chủ nhiệm khoa Y, Trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ - cho rằng, nếu tuyển sinh tốt nhưng đào tạo không tốt thì đầu ra chưa chắc đã đạt yêu cầu.

“Việc người dân và dư luận lo lắng chất lượng đào tạo là đúng. Tuy nhiên, chúng ta nên có cái nhìn uyển chuyển hơn”, ông Tường nói.

Ông Tường cho biết thêm, hiện tại nước ta mới có 8 bác sĩ và 1,5 dược sĩ/1 vạn dân. Trong khi các nước tiên tiến đạt 40 bác sĩ/1 vạn dân. Theo quyết định Thủ tướng Chính phủ, đến năm 2020 phải có 2,4 dược sĩ/1 vạn dân. Con số phải bổ sung là 17.600 người, đồng nghĩa mỗi năm cho ra trường 3.500 dược sĩ.

Bộ GD-ĐT ngừng cấp phép, trường vẫn được mở ngành

Trước băn khoăn của dư luận về việc Trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ được đào tạo y dược, trong khi năm 2014, Bộ GD-ĐT và Bộ Y tế đã thống nhất tạm dừng việc mở ngành đào tạo trình độ đại học, cao đẳng các ngành y, dược thuộc khối không chuyên y, dược, GS Trần Phương cho rằng không có gì bất thường.

“Nhiều người nghi ngờ có điều gì khuất tất trong việc cấp phép. Nhưng tôi xin nói thẳng, chúng tôi không đút lót ai cả. Chính tôi cũng đưa ra quy định cấm sinh viên tặng quà cho giáo viên”, ông Phương nói.

Hiệu trường Trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ giải thích, tháng 6.2012 nhà trường đã đề nghị Bộ GD-ĐT mở ngành y, dược, nhưng cho đến tháng 12.2014, Bộ mới có quyết định tạm dừng việc xem xét mở ngành đào y, dược. Trường đã làm hồ sơ từ trước đó 2 năm.

Đào tạo y dược: "Đầu vào không quan trọng lắm" - 3

Buổi họp báo ngày 28.11 tại Trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ.

Trước đó, trả lời báo chí về việc Trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ mở ngành đào tạo y dược, ông Nguyễn Minh Lợi - Phó cục trưởng Cục Khoa học - Công nghệ và Đào tạo (Bộ Y tế) cho hay, Bộ GD-ĐT đã quyết định nhưng Bộ Y tế chưa có ý kiến vì đang chờ trường bổ sung một số hạng mục. Khi nhà trường bổ sung đầy đủ sẽ có văn bản giải trình cho các đơn vị.

GS Phương cho biết: “Ông Lợi không đủ đại diện cho Bộ Y tế. Người ký quyết định là Thứ trưởng Bộ Y tế Lê Quang Cường. Ngày 17.11 vừa qua, ông Cường đã trả lời như sau: Theo đề nghị của trường, Bộ Y tế ủng hộ trường mở hai ngành Y đa khoa và Dược học sau khi hoàn thiện các nội dung theo góp ý ghi trong biên bản của đoàn thẩm định mở ngành ngày 5.10”.

“Chúng tôi xác nhận chưa đủ về số lượng người giảng dạy. Tuy nhiên, 50 người là sử dụng trong 6 năm. Trường đã mời 47 người, còn 3 người nữa có khó khăn gì đâu”, GS Phương nói.

Đại diện Trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ cho biết đã chuẩn bị 28 phòng thực hành và mua trang thiết bị trong 2 năm. Ngoài ra, ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội đã ký hợp đồng với 4 bệnh viện: Đa khoa Đức Giang, Đa khoa Hà Đông, Đa khoa Đống Đa, Đa khoa Tràng An và 2 công ty dược để sinh viên thực tập, thực hành.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Tất Định ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN