Đánh nhau dịp Tết: Có nên cấm bán rượu bia sau 22h?

“Hàng nghìn người đánh nhau nhập viện, một lần nữa cho thấy, các quy định liên quan đến rượu bia cần được nghiêm túc nghiên cứu”, đại diện cơ quan soạn thảo Dự án Luật Phòng chống tác hại của lạm dụng rượu bia nói.

Chiều 23.2 (mùng 5 Tết), Bộ Y tế có báo cáo về tình hình khám, chữa bệnh dịp Tết Nguyên đán trên cả nước. Theo đó, số bệnh nhân khám cấp cứu do đánh nhau trong dịp Tết là 6.868 trường hợp, trong đó 15 người tử vong. Nguyên nhân lớn nhất của những vụ “nói chuyện bằng nắm đấm” này do “ma men dẫn lối”.

Xung quanh vấn đề này, phóng viên có cuộc trao đổi với đại diện cơ quan soạn thảo Dự án Luật Phòng chống tác hại của lạm dụng rượu bia - ông Nguyễn Huy Quang, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Y tế.

Đánh nhau dịp Tết: Có nên cấm bán rượu bia sau 22h? - 1
Ông Nguyễn Huy Quang, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Y tế.

Thưa ông, trong 9 ngày Tết, gần 7.000 người nhập viện cấp cứu do đánh nhau, trong đó có 15 người tử vong. Ông đánh giá như thế nào về điều này?

- Tôi cũng giật mình vì số người đánh nhau nhập viện trong dịp Tết. Đây là một con số không bình thường, bởi trong 9 ngày Tết đã xảy ra hàng ngàn vụ bạo lực, đánh lộn, gây thương tích. Tết là dịp nghỉ, vui chơi thoải mái, nhưng số người bạo lực lớn như vậy chứng tỏ ngày càng có nhiều người vi phạm pháp luật, đạo đức, văn hóa.

Về mặt pháp luật, đánh người gây thương tích gây nguy hiểm cho xã hội cần được giải quyết. Tuy nhiên, theo tôi được biết, phần lớn các trường hợp đánh nhau thường được giải quyết bằng biện pháp “thỏa thuận” giữa nạn nhân và phía người gây thương tích.

Xét về khía cạnh đạo đức, người Việt Nam vốn nhân hòa, sống nhường nhịn, dễ gần, dễ mến, được quốc tế thừa nhận, nhưng chỉ trong 9 ngày mà những vụ đánh nhau nhiều như vậy cần phải xem xét.

Hơn nữa, trong năm mới, mọi người gặp nhau để chúc tụng, mừng vận hội mới, thành công mới mà dẫn tới bạo hành, đánh nhau là đi ngược lại truyền thống văn hóa của người Việt.

Ngoài ra, người Việt cho rằng, uống rượu bia là văn hóa, nhưng điều này hiện nay đã chệch hướng. Nhiều người gặp nhau là ép uống bia rượu, ép uống đến vô độ. Từ đó rượu bia lại trở thành biến tướng của văn hóa, tác động không ít đến xã hội.

Cục Quản lý khám chữa bệnh cho biết, rượu bia là nguyên nhân hàng đầu khiến hàng nghìn người phải “nói chuyện bằng nắm đấm” nhập viện trong dịp Tết. Là cơ quan soạn thảo Luật Phòng chống tác hại của lạm dụng rượu bia, ông có thể lý giải rõ hơn về điều này?

- Qua nghiên cứu, chúng tôi thấy Việt Nam là nước tiêu thụ bia cao thứ 3 tại Châu Á. Trong 10 năm qua, tốc độ tiêu thụ bia của người Việt Nam đã tăng hơn 200%. Hơn nữa, có đến 90% đàn ông Việt Nam uống rượu, bia; trong đó, 1/4 trong số này sử dụng rượu bia ở mức độ có hại.

Nếu uống rượu bia ở mức độ vừa phải, trong hàm lượng cho phép, phù hợp với thể chất con người Việt Nam sẽ tốt cho sức khỏe. Nếu lạm dụng quá sẽ dẫn tới nghiện, gây tác hại lớn đối với sức khỏe người sử dụng.

Đặc biệt, lạm dụng rượu bia có thể gây rối loạn về hành vi, dẫn đến không kiểm soát, gây bạo lực gia đình, thậm chí đánh nhau dẫn đến chết người.

Hàng nghìn người đánh nhau nhập viện do bia rượu khiến nhiều người nghĩ đến tác hại kinh hoàng của rượu bia. Vậy, Dự thảo Luật Phòng chống tác hại của lạm dụng rượu bia do Bộ Y tế biên soạn, trong đó đề xuất cấm bán rượu bia sau 22h đêm đã được thực hiện như thế nào, thưa ông?

- Luật Phòng chống tác hại của lạm dụng rượu bia đang được Vụ Pháp chế nghiên cứu và sớm hoàn thành. Trong quá trình nghiên cứu, chúng tôi sẽ làm rõ thêm bằng chứng khoa học để đưa ra các điều, luật phù hợp với điều kiện kinh tế, văn hóa, xã hội, hành vi của người Việt.

Qua việc hàng nghìn người đánh nhau nhập viện, một lần nữa cho thấy, các quy định cần được nghiêm túc nghiên cứu. Bởi trên thực tế có một số nước đã cấm bán rượu bia trong một số thời gian nhất định của ngày. Tuy nhiên, khi đưa vào dự thảo của Việt Nam, rất nhiều người theo tâm lý đám đông, chưa biết thực hư thế nào đã phản biện.

Cơ quan chức năng chưa kịp đưa ra, nhiều người đã nói không có tính khả thi thì mãi mãi không thể thực hiện được. Do đó, mọi người cần có cái nhìn khách quan, thấu đáo, nhận thấy đâu là hành vi có hại, đâu là ảnh hưởng đến xã hội.

Đánh nhau dịp Tết: Có nên cấm bán rượu bia sau 22h? - 2
Ông Nguyễn Huy Quang: "Sử dụng rượu bia trong khoảng thời gian từ 22h đến 24h dễ dẫn tới tình trạng gây mất trật tự an ninh xã hội, vi phạm nếp sống văn minh trong hoạt động văn hoá và dịch vụ văn hoá nơi công cộng".

Có ý kiến cho rằng, đề xuất cấm bán rượu bia sau 22h đêm đi vào cuộc sống sẽ giảm được số lượng người đánh nhau dịp Tết. Ông nghĩ sao?

- Lạm dụng rượu bia không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe người uống, mà còn là nguyên nhân dẫn đến bạo lực gia đình, gây mất trật tự an ninh xã hội, mất an toàn giao thông và ảnh hưởng đến công việc.

Sử dụng rượu bia trong khoảng thời gian từ 22h đến 24h dễ dẫn tới tình trạng gây mất trật tự an ninh xã hội, vi phạm nếp sống văn minh trong hoạt động văn hoá và dịch vụ văn hoá nơi công cộng. 100% các ca gây rối trật tự công cộng thì 38% liên quan đến rượu bia.

Vì vậy, trên cơ sở kinh nghiệm pháp luật quốc tế và tình hình sử dụng rượu bia tại Việt Nam, nhiều chuyên gia đã đề xuất quy định không được bán rượu bia sau 22h đến 24h trong dự án Luật Phòng, chống tác hại của lạm dụng rượu bia.

Theo ông, giải pháp nào để hạn chế đánh nhau dịp Tết, đặc biệt liên quan đến rượu bia?

- Uống 1 lon bia 330ml tương đương 1 ly rượu, uống 3 lon bia là vượt quá giới hạn cho phép. Do đó, mọi người nên nhắc nhau sử dụng rượu bia cho hợp lý. Cán bộ đảng viên làm gương, công chức làm gương cho nhân dân, cho lớp trẻ.

Xin cảm ơn ông.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Diệu Thu (thực hiện) ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN