Đánh ghen tàn nhẫn, xử lý nhẹ hều

Sự kiện: Thời sự

Hàng loạt vụ đánh ghen rất tàn nhẫn diễn ra trong thời gian qua gây bức xúc dư luận nhưng cách xử lý của các cơ quan chức năng lại chưa mạnh.

Ngày 16-8, Công an huyện Đắk Đoa, tỉnh Gia Lai đã triệu tập những người liên quan trong vụ việc đánh ghen tại xã Trang vào ngày 14-7 rồi quay clip tung lên mạng. Vụ việc đang gây bức xúc dư luận trong nhiều này qua.

Dùng tiền thỏa thuận

Trao đổi với phóng viên, bà L.T.M (SN 1979) - nạn nhân của vụ đánh ghen trên - cho biết đã gửi đơn đến các cơ quan chức năng yêu cầu xử lý những người đã làm nhục bà. Theo bà M., sau khi vụ việc được đăng tải trên mạng xã hội, những người hành hung bà liên tục năn nỉ rút đơn, không yêu cầu khởi tố nên bà đang phân vân. “Khi mọi người đánh, quay video clip sao không nghĩ cho tôi. Tuy nhiên, những người này cũng đã ăn năn hối cải nên tôi có ý định cho họ cơ hội sửa sai” - bà M. nói.

Đánh ghen tàn nhẫn, xử lý nhẹ hều - 1

Vụ đánh ghen tàn nhẫn diễn ra tại xã Trang, huyện Đắk Đoa, tỉnh Gia Lai (Ảnh cắt từ clip)

Bà Nguyễn Thị Kim Phượng - vợ ông Phan Minh Tuấn, Phó trưởng Công an xã Trang, người chủ mưu vụ việc - cho biết đã nhận ra những sai lầm của mình, mong bà M. tha thứ.

Theo một lãnh đạo Công an huyện Đắk Đoa, bà M. có yêu cầu giám định thương tật để khởi tố việc bị làm nhục thì cơ quan chức năng sẽ khởi tố. Nếu bà M. không yêu cầu, cơ quan công an không có cơ sở để xử lý. “Riêng phó trưởng công an xã Trang, nếu có quan hệ bất chính theo phản ánh, công an huyện sẽ báo cáo UBND huyện xử lý theo quy định” - vị lãnh đạo này nói.

Trước đó, vào tháng 12-2015, tại huyện Thủ Thừa, tỉnh Long An, bà H.T.Th (SN 1974) bị 5 người đón đánh, sau đó lột hết quần áo rồi dùng ớt đâm nhuyễn xát lên khắp người. Nguyên nhân là do những người này ghen tuông vô căn cứ rồi rủ nhau đánh dằn mặt. Người cầm đầu vụ đánh ghen trên là bà Nguyễn Thị Thép (SN 1967; ngụ xã Bình Thạnh, huyện Thủ Thừa).

Bức xúc vì bị đánh vô cớ, làm nhục, bà Th. làm đơn tố cáo gửi Công an huyện Thủ Thừa. Thế nhưng hơn 3 tháng sau, các cơ quan chức năng huyện Thủ Thừa mới tổ chức... hòa giải. Qua đó, bà Th. đồng ý nhận 39 triệu đồng bồi thường và rút đơn tố giác. “Đến giờ, tôi thấy hối hận việc mình rút đơn tố cáo. Những ngày qua, bà Thép liên tục đe dọa nên tôi phải đi đến địa phương khác mưu sinh, trong khi mẹ tôi đang bệnh” - bà Th. nói.

Hàng loạt vụ đánh ghen rất tàn nhẫn khác cũng bị quay video clip tung lên mạng nhưng hầu như việc xử lý không đến nơi đến chốn. Phần lớn vẫn là xử lý hành chính hoặc bồi thường rồi thỏa thuận không tố cáo vụ việc.

Chỉ khiến sự việc bế tắc

Luật sư Tạ Quang Tòng, Phó Chủ nhiệm Đoàn luật sư tỉnh Đắk Lắk, cho rằng hành vi của nhóm phụ nữ trong video clip đánh ghen bà M. đã vi phạm pháp luật nghiêm trọng. Người có hành vi tung video clip lên mạng xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự của người khác còn có thể phạm tội “Làm nhục người khác”. Muốn các cơ quan chức năng khởi tố vụ án thì người bị hại phải làm đơn đề nghị. Trong trường hợp nạn nhân bị hành hung gây thương tích trên 31% thì cơ quan điều tra sẽ tự khởi tố vụ án. Hành vi làm nhục người khác chỉ khởi tố theo yêu cầu của bị hại.

Còn theo luật sư Trần Văn Toàn (Đoàn Luật sư Hà Nội), một trong những nguyên nhân khiến các vụ đánh ghen không giảm bớt là do những người đánh ghen không hiểu biết pháp luật, không biết mình có thể phạm tội. Đa phần cứ phát hiện có “kẻ thứ ba” là rủ người thân, bạn bè đi đánh.

“Việc xử lý các vụ đánh ghen cũng chưa nghiêm nên không đủ sức răn đe. Không ít vụ đánh ghen bị tung lên mạng xã hội, gây bức xúc trong xã hội song khi xử lý lại là hòa giải. Thậm chí, có những vụ có dấu hiệu của hành vi làm nhục người khác, gây rối trật tự công cộng nhưng sau đó các đương sự lại tự thỏa thuận với nhau rồi... huề cả làng” - luật sư Toàn nhận xét.

Ở góc độ tâm lý, giải thích cho việc đánh ghen ngày càng nhiều, PGS-TS Trịnh Hòa Bình, Giám đốc Trung tâm Điều tra Dư luận xã hội (Viện Xã hội học), nói: “Trong xã hội ngày nay, không ít người thiếu kỹ năng sống nên khi bị phản bội, việc đầu tiên là họ tìm cách “dằn mặt” đối thủ, thậm chí quay video clip tung lên mạng xã hội để hả hê với việc làm đó. Tuy nhiên, trong chuyện tình cảm, có thể nói đánh ghen là việc làm vô ích. Việc giải quyết sự đổ vỡ của một mối quan hệ tình cảm bằng cách đổ mọi tội lỗi lên đầu kẻ thứ ba chỉ khiến sự việc đi vào bế tắc.

Hậu quả khôn lường

Theo bà Nguyễn Thị Thu Thủy, nguyên Phó Chánh tòa Hình sự - TAND TP HCM, thông thường khi người phụ nữ đã nổi máu hoạn thư thì họ bất chấp tất cả để hành động cho hả cơn ghen. Đánh ghen có thể phạm các tội gây rối trật tự công cộng, cố ý gây thương tích, làm nhục người khác… Những người đi theo nếu hò hét, kích động, giữ tay chân không cho nạn nhân bỏ chạy thì có thể bị khép vào vai trò đồng phạm tích cực. Việc đánh ghen, lột đồ giữa phố đông người thì sẽ bị xử về tội làm nhục.

Bên cạnh đó, việc quay phim nạn nhân khi bị lột sạch quần áo rồi đưa lên mạng cũng sẽ bị xử lý hình sự trong vai trò đồng phạm. Trong trường hợp nếu nạn nhân bị tung lên mạng mà cảm thấy bị xúc phạm đến danh dự, xấu hổ và có hành động tự tử thì người gây ra sẽ bị xem xét tình tiết tăng nặng của tội danh. P.Dũng

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Nhóm PV (Người lao động)
Thời sự Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN