Đánh chết "cẩu tặc": Xử sao cho vẹn cả làng?
Trước vụ việc 2 “cẩu tặc” bị “đánh hội đồng” đến chết tại làng Danh Thượng (Hiệp Hòa, Bắc Giang), một độc giả lý giải: “Một người không dám đánh chết ai nhưng khi 800 người cùng xúm lại đánh, cái ác của mỗi người sẽ tăng lên”.
Cả làng cùng đánh, xử sao cho vẹn… “cả làng”?
Phản đối cách làm của người dân làng Danh Thượng (Bắc Giang), độc giả thienduong…@yahoo.com viết: “Đây là hành động giết người có tổ chức. Nếu bắt được trộm chó, người dân phải giao cho cơ quan chức năng giải quyết chứ không thể “tự xử” như vậy được”. Còn độc giả Trung Hiếu (trunghieu_mc…@yahoo.com) đặt câu hỏi: “Phải chăng những người này coi thường mạng sống của con người hơn con vật?”.
Trong khi đó, độc giả vominhhoang…@gmail.com chia sẻ mình đã thay đổi cách nhìn về việc xử lý trộm chó: “Tôi từng nghĩ "chỉ vì một con chó mà đánh chết người, sao không cho họ cơ hội sửa lỗi?". Nhưng “cẩu tặc” dường như không e sợ, trái lại, càng hung hăng. Điều đó khiến tôi phải thay đổi quan điểm”.
Theo độc giả nguyenthanh…@gmail.com, với độ manh động của những tay trộm chó, nên gọi đó là cướp chứ không thể là trộm cắp được nữa. Còn độc giả teskdkn…@gmail.com lại ví việc “đánh hội đồng” này như thước đo sự tức giận và nỗi lo lắng của người dân khi nạn trộm chó hoành hành.
Những vụ người dân "đánh hội đồng" trộm chó liên tiếp xảy ra (Ảnh minh họa: Người lao động)
Về chuyện người dân làng Danh Thượng đồng loạt ký tên vào đơn nhận tội đánh chết “cẩu tặc”, độc giả Nguyễn Tiến Trung (icafe…@gmail.com) đưa ra vấn đề: “Cần phải hiểu tại sao cả làng lại cùng nhận tội đánh chết 2 kẻ trộm chó? Và nếu xét kỹ ra thì không thể chứng minh được ai trong số họ gây ra vết thương chí mạng để tên trộm kia phải chết”.
Vậy phải xử lý ra sao với trường hợp này?
Nhiều độc giả cho rằng không nên truy cứu cả làng: “Tôi tán thành việc không truy cứu cả làng, tuy rằng việc đánh chết người như vậy là không được. Nhà nước cần xem xét sửa luật sao cho phù hợp với tình hình hiện nay. Kẻ trộm chó mang hung khí và sẵn sàng chống đối.” – Độc giả Hoàng Ngọc (kimngoc…@yahoo.com) nêu quan điểm.
Tuy nhiên, nhiều độc giả lại không đồng tình với ý kiến này. Độc giả Khuất Quang Dương (quangduong…@yahoo.com) lo lắng nếu vụ việc này không mang ra xét xử thì sẽ có nhiều vụ án tương tự sẽ xảy ra. “Pháp luật không thể làm ngơ với những hành vi đánh người có tổ chức như vậy được. Quốc có quốc pháp, gia có gia quy...” – Độc giả này viết.
Tương tự, độc giả nhatthuc…@yahoo.com nhấn mạnh: “Không thể để việc đổ lỗi cho tập thể trở thành văn hóa của người Việt được. Đây chính là cái gọi là "tâm lý đám đông” rất đáng lên án. Không thể đổ lỗi cho cả làng để rồi lại "huề cả làng được". Và ngày nay cũng không thể tồn tại cái gọi là "phép vua thua lệ làng" nữa”.
Một cách hóm hỉnh, độc giả sonnn…@yahoo.com đưa ra giải pháp: Hãy tính ra mức án với tội đánh chết “cẩu tặc” rồi sau đó sẽ chia mức án ra theo… đầu người. Độc giả này cũng bày tỏ sự lo lắng: “Với tình hình nhiều “cẩu tặc” thế này, 3 năm nữa chó có thể thành động vật quý hiếm”.
Người dân Yên Thành (Nghệ An) vây xe cảnh sát không cho đưa "cẩu tặc" đi cấp cứu hôm 10/6 vừa qua (Ảnh: Infonet.vn)
Diệt “cẩu tặc” phải diệt từ gốc
Đánh giá về hành động có phần “quá tay” của người dân làng Danh Thượng (Bắc Giang), độc giả Minh Hiếu (hieuvutp…@mail.com) cho rằng để xảy ra sự việc này, có lẽ sự phẫn uất trong lòng dân đã lên tới đỉnh điểm, “tức nước thì phải vỡ bờ”.
Cho rằng pháp luật hiện hành chưa thực sự hợp lý, độc giả Hoàng Trung (hta…@gmail.com) viết: “Nạn trộm chó nghiêm trọng vậy nhưng cẩu tặc vẫn nhởn nhơ. Kẻ trộm có bị bắt thì cũng chỉ bị xử lý hành chính. Trong khi đó, khi đi bắt chó, “cẩu tặc” có thể đánh lại chủ nhà. Nếu chủ nhà bị thương "chưa đến mức khởi tố" thì “cẩu tặc” cũng chỉ bị xử lý hành chính?”.
Cùng chung quan điểm đó, độc giả anxquang…@gmail.com bình luận: “Chỉ phạt hành chính một ít rồi “cẩu tặc” lại được thả. Chúng chỉ cần đi bắt vài con chó là đã đủ tiền nộp phạt. Vậy có đủ sức răn đe cho những kẻ muốn làm “cẩu tặc” không?”.
Độc giả Nguyễn Diệp (dpnt…@gmail.com) phân tích: “Nhân dân ta từ trước đến nay đều sống rất nhân nghĩa, trọng đạo lý. Thế nhưng vì đâu mà họ phải bất chấp luật pháp để hành xử quá tay? Tôi nghĩ rằng luật hiện nay chưa sát với tình hình thực tế nên các chế tài bị vô hiệu, xử không đúng với mức độ phạm tội. Dẫn đến việc khi ra xét xử, bị cáo thì hớn hở còn bị hại thì ấm ức”.
Độc giả Minh Hiếu viết: “Các cơ quan chứ năng của xã, huyện luôn nắm rõ những đối tượng này. Bởi trong xã nếu xuất hiện một đối tượng lạ, một kẻ chuyên trộm cắp, nghiện hút... thông tin lan truyền rất nhanh. Vậy cần đặt ra câu hỏi: Cơ quan chức năng đã có những hành động như thế nào để quản lý, răn đe, giáo dục những đối tượng này? Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền pháp luật đến từng người dân cũng rất quan trọng”.
"Đánh hội đồng", đốt xe là những cách phổ biến nhất người dân hay dùng khi bắt được kẻ trộm chó (Ảnh minh họa: Infonet)
Độc giả Thẩm Hoài Đức (thamduc…@gmail.com) nêu giả thiết: “Nếu như trộm chó được quy vào tội bắt cóc. Đối tượng phải bồi thường không những về mặt kinh tế mà còn bị phạt tù thì người dân có còn bức xúc đến nỗi phải đánh chết “cẩu tặc” hay không?”. Độc giả này cũng cho rằng không thể nhầm lẫn người đi đường với kẻ trộm chó vì “Nếu như người qua đường không mang theo dụng cụ bắt trộm chó như thòng lọng, roi điện...thì người dân có nghi ngờ hay không?”.
Một bạn đọc có địa chỉ email ducngan…@yahoo.com đưa ra kế sách: “Khuyến khích người dân nếu bắt được "cẩu tặc" thì giao cho công an để nhận thưởng. Phạt hành chánh đối với "cẩu tặc" thật nặng, đồng thời bồi thường cho người bị trộm chó một số tiền thích đáng. Nếu vậy chắc chắn tình trạng "cẩu tặc" bị dân đánh cũng sẽ giảm đi. Vấn đề là mức phạt và mức thưởng có làm cho người dân cấp nhận hay không mà thôi”.