Đánh bầm dập, đốt xe vì nghi bắt cóc trẻ em có thể bị xử lý như thế nào?

Việc hành hung hoặc phá hoại tài sản của người khác khi mới nghi bắt cóc trẻ con là vi phạm pháp luật và người thực hiện hành vi đó có thể phải đi tù.

Liên tiếp các vụ hành hung, phá hoại tài sản vì nghi bắt cóc trẻ con

Thời gian gần đây, liên tiếp các vụ hành hung, phá hoại tài sản của công dân vì nghi có liên quan đến chuyện bắt cóc trẻ con. Tuy nhiên, sau khi cơ quan công an vào cuộc điều tra đều kết luận, hầu hết các vụ việc đều không phải bắt cóc.

Mới đây nhất, trưa 22/7, chị Lê Thị Bảy (SN 1977, ở xã Lê Thanh, huyện Mỹ Đức, TP Hà Nội) và bà Nguyễn Thị Phúc (SN 1965, ở xã Sơn Công, huyện Ứng Hòa, TP Hà Nội) trên đường đi bán tăm gây quỹ từ thiện tại thôn Thái Phù, xã Mai Đình, huyện Sóc Sơn, Hà Nội đã bị người dân bắt giữ và hành hung gây thương tích nặng.

Đánh bầm dập, đốt xe vì nghi bắt cóc trẻ em có thể bị xử lý như thế nào? - 1

Chị Bảy và bà Phúc bị người dân ở Sóc Sơn hành hung vì nghi bắt cóc trẻ con. Ảnh chụp màn hình.

Khi chào bán tăm, chị Bảy có gọi một cháu bé chơi ở sân để hỏi xem bố mẹ có nhà không. Thấy người lạ hỏi chuyện cháu bé, hàng xóm đã vu cho 2 người phụ nữ là bắt cóc trẻ con. Nhiều người dân đã lao vào hành hung dã man chị Bảy và bà Phúc.

Trước đó, chiều 20/7, anh Trịnh Mạnh Hải (SN 1980, ở Thái Nguyên) cùng lái xe là anh Lê Văn Nam (SN 1988, Chương Mỹ, Hà Nội) đi ô tô về xã Tân Việt (Thanh Hà, Hải Dương) chơi.

Trên đường về qua xã Hồng Lạc, anh Hải và anh Nam có ghé vào cửa hàng đồ gỗ của anh Phạm Đăng Bắc (SN 1984). Anh Bắc chỉ cho anh Hải sang kho gỗ của gia đình gặp chị Quyên (vợ anh Bắc) để xem hàng.

Trong lúc trao đổi với anh Hải về hàng hóa, giá cả, chị Quyên thấy chóng mặt, mệt mỏi. Nghĩ mình bị thôi miên nên chị liền chạy ra đường tri hô mọi người đến cứu.

Cho rằng anh Hải và anh Nam thôi miên với ý định bắt cóc hoặc cướp tài sản, dân làng vây quanh đòi đánh hai người. Anh Hải đã gọi cho vợ lên giải thích nhưng dân làng vẫn không tin. Trong đám đông quá khích, một số đối tượng đã lật xe ô tô Fortuner 7 chỗ của anh Hải xuống ruộng và đốt cháy rụi hoàn toàn.

Đánh bầm dập, đốt xe vì nghi bắt cóc trẻ em có thể bị xử lý như thế nào? - 2

Chiếc ô tô Fortuner của anh Hải bị người dân ở Hải Dương đốt rụi vì nghi thôi miên bắt cóc. Ảnh chụp màn hình.

Công an sau đó đã đưa chị Quyên đi khám sức khỏe và xét nghiệm. Kết quả cho thấy, chỉ số sức khỏe của chị Quyên hoàn toàn bình thường.

Có thể bị xử ngồi tù

Việc người dân “tự xử” những người mà họ nghi ngờ là bắt cóc trẻ con hoặc thôi miên cướp tài sản khiến những người bị nghi ngờ rơi vào tình trạng thiệt hại về vật chất, sức khỏe, thậm chí là cả tính mạng.

Giả sử, nếu không có sự can thiệp kịp thời của cơ quan chức năng, liệu tính mạng của những người như chị Bảy, bà Phúc, anh Hải, anh Nam… ở trên có được bảo toàn?

Vậy đối với những người hành hung hoặc phá hoại tài sản của người khác khi mới nghi bắt cóc hoặc thôi miên mà không có chứng cứ rõ ràng sẽ bị xử phạt thế nào?

Về vấn đề này, chiều 23/7, luật sư Giang Hồng Thanh – Trưởng Văn phòng Luật sư Giang Thanh (Đoàn luật sư Hà Nội) cho biết: “Việc người dân “tự xử” những người nghi ngờ bắt cóc trẻ con đang bùng phát và gây ra hậu quả nghiêm trọng. Vì vậy, cơ quan chức năng cần xử lý nghiêm những người này để làm gương cho người khác”.

Theo luật sư Thanh, việc phá hoại tài sản giống như vụ việc đốt xe ô tô ở Hải Dương có dấu hiệu của tội "Hủy hoại tài sản" theo quy định tại Điều 143 Bộ luật hình sự.

Đánh bầm dập, đốt xe vì nghi bắt cóc trẻ em có thể bị xử lý như thế nào? - 3

Luật sư Giang Hồng Thanh – Văn phòng luật sư Giang Thanh. Ảnh NVCC.

Đối với hành vi này, người phạm tội có thể bị phạt tù với mức cao nhất lên đến chung thân, tùy thuộc vào giá trị tài sản bị hủy hoại. Giá trị tài sản từ 50 triệu đồng đến dưới 200 triệu đồng thì mức án là 2 đến 7 năm; giá trị từ 200 triệu đồng đến dưới 500 triệu đồng, mức án là 7 đến 15 năm; giá trị từ 500 triệu đồng trở lên mức án là 12 đến 20 năm hoặc chung thân. Bên cạnh đó, người vi phạm còn phải chịu trách nhiệm bồi thường toàn bộ thiệt hại.

Ngoài ra, những người không trực tiếp đốt xe nhưng đuổi đánh, chửi bới, đe dọa chủ xe hoặc hò hét, kích động người khác cũng có dấu hiệu của hành vi "Gây rối trật tự công cộng". Hành vi này nếu để lại hậu quả là thiệt hại về tài sản có giá trị từ mười triệu đồng trở lên thì người gây rối phải chịu trách nhiệm hình sự theo khoản 1 Điều 245 Bộ luật Hình sự. Người bị xử lý về tội Gây rối trật tự công cộng có thể bị phạt tù với mức cao nhất là 7 năm.

Đối với vụ việc đánh người ở Sóc Sơn, hành vi này có dấu hiệu của tội "Cố ý gây thương tích" theo Điều 104 Bộ luật hình sự. Trong trường hợp này, tùy thuộc vào tỉ lệ thương tật của nạn nhân, người phạm tội sẽ phải chịu những mức hình phạt tương ứng.

Chẳng hạn, hành vi dùng hung khí nguy hiểm (gạch, gậy…) tấn công gây thương tích cho nạn nhân dưới 11% hoặc dùng tay chân gây thương tích cho nạn nhân trên 11% sẽ bị xử lý hình sự, mức xử phạt thấp nhất là phạt tù 6 tháng, cao nhất 15 năm.

Clip: Người dân dí dao vào cổ người phụ nữ nghi bắt cóc trẻ em

Nghi ngờ người phụ nữ bắt cóc trẻ em, người dân đã vây bắt, dí dao vào cổ người phụ nữ, tra hỏi và quay video.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Triệu Quang ([Tên nguồn])
Thời sự Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN