"Dành 1 giây sẽ thấy xăng, dầu minh bạch?"
“Hãy dành 1 giây đồng hồ” để xác minh giá xăng, dầu sẽ thấy minh bạch?! Đó là lời khuyên của Thứ trưởng Bộ Công Thương - Nguyễn Cẩm Tú khi trả lời những thắc mắc tại Tọa đàm “Minh bạch giá xăng, dầu theo cơ chế thị trường” chiều 20/12, do Cổng thông tin Chính phủ thực hiện.
“Những ai cho rằng giá xăng dầu không minh bạch, xin dành 1 giây đồng hồ, mở bất cứ một tờ Thị trường nào, ban hành vào bất cứ ngày nào, trong đó đều công bố rõ giá cơ sở của xăng, dầu ngày hôm đó theo công thức của Bộ Tài chính. Do vậy, không thể nói là không minh bạch”, Thứ trưởng bày tỏ.
Gần đây, dư luận cho rằng, Petrolimex đang độc quyền (hoặc thuộc nhóm có vị trí thống lĩnh thị trường) trong kinh doanh xăng dầu, do vậy việc giao quyền cho DN tự quyết định giá là đi ngược với nguyên lý quản lý. Điều này sẽ gây cản trở cho việc giảm giá dầu trong nước khi giá thế giới giảm, nhưng sẽ tăng ngay khi giá thế giới tăng.
Về thắc mắc này, Phó Cục trường Cục Quản lý giá, Bộ Tài chính Nguyễn Anh Tuấn khẳng định: Quản lý giá xăng dầu theo theo cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước. Hiện việc điều hành giá xăng dầu theo Nghị định 84/2009. Cơ chế giá này rất công khai, minh bạch.
Theo ông Tuấn, công khai thể hiện ở chỗ: Nhà nước đã ban hành cơ chế rõ ràng, Chính phủ đã ban hành Nghị định 84, các bộ, ngành ban hành Thông tư hướng dẫn, như Bộ Tài chính ban hành Thông tư 234 quy định cụ thể về cấu thành giá, quỹ bình ổn giá... Mỗi lần điều hành giá, Bộ Tài chính đều họp báo thông tin về cách tính giá, điều hành giá, về các công cụ điều tiết, giải thích cụ thể tại sao. Hơn nữa, kết quả thanh tra kiểm tra đều được công khai qua báo chí...
Còn về minh bạch, theo ông Tuấn, các chi phí cấu thành giá, giá cơ sở… đều được công khai rõ ràng.
Về phía doanh nghiệp, ông Hoàng Ngọc Bảo, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) lý giải: Nói minh bạch hoá xăng dầu theo Nghị định 84 sẽ không đầy đủ nếu không bám theo lộ trình của Chính phủ về điều hành xăng dầu theo thị trường. Ông Bảo cho biết, từ khi có Quyết định 187/2003, công tác quản lý giá xăng dầu đã theo tinh thần minh bạch, công khai, tiếp cận với giá thị trường.
Hơn nữa, đối với Petrolimex, từ một đơn vị trước năm 1990 độc quyền 100%, đến nay, theo ông Bảo, cơ bản đã có 13 đầu mối, hàng ngàn doanh nghiệp với 13.000 cửa hàng, trong đó Petrolimex có 2.500, tất cả doanh nghiệp đầu mối khoảng trên 3.000. Như vậy, “thị trường xăng dầu đã có khả năng xác lập. Vấn đề còn lại là vận hành như thế nào để tạo ra thị trường thực thụ”- ông Bảo nhấn mạnh.