Đảng viên cấp cao phải chống việc "chạy" phiếu tín nhiệm

Sự kiện: Thời sự

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng vừa ký ban hành Quy định trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Uỷ viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ủy viên Trung ương nêu rõ Đảng viên cấp cao nhất quyết phải chống việc "chạy" hoặc tiếp tay cho chạy chức, chạy quyền, chạy phiếu bầu, chạy phiếu tín nhiệm.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng vừa ký ban hành Quy định trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương (quy định nêu gương).

Đảng viên cấp cao phải chống việc "chạy" phiếu tín nhiệm - 1

Quy định nêu gương được cho ý kiến tại Hội nghị Trung ương 8 - Ảnh: Nhật Bắc

Chủ động xin từ chức khi thấy mình không còn đủ năng lực, uy tín...

Quy định nêu gương có 4 điều.

Theo đó, quy định nêu rõ trước hết, khoảng 200 cán bộ Đảng viên đứng đầu hệ thống phải tuyệt đối trung thành với Tổ quốc, với nhân dân, với Đảng, có lập trường tư tưởng vững vàng, quan điểm đúng đắn, chính kiến rõ ràng trước những vấn đề mới, khó, phức tạp, nhạy cảm. Chủ động ngăn chặn, phản bác các thông tin, quan điểm xuyên tạc, sai trái, thù địch. 

Lấy ấm no, hạnh phúc và sự hài lòng của nhân dân làm mục tiêu phấn đấu.

Phải sẵn sàng nhận và nỗ lực hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ khi được phân công. Tâm huyết, tận tuỵ với công việc. Tích cực giải quyết dứt điểm các vấn đề phức tạp, bức xúc, tồn đọng kéo dài; chủ động, kịp thời xử lý có hiệu quả các tình huống khẩn cấp, đột xuất, bất ngờ trong địa phương, lĩnh vực mình phụ trách.

Ngoài ra, 200 cán bộ thuộc diện này phải nghiêm túc thực hành tự phê bình và phê bình; thấy đúng phải cương quyết bảo vệ, thấy sai phải quyết liệt đấu tranh; không tranh công đổ lỗi. Dũng cảm nhận khuyết điểm và trách nhiệm. Chủ động xin từ chức khi thấy mình không còn đủ điều kiện, năng lực, uy tín để thực hiện nhiệm vụ.

Cấm cán bộ cung cấp tài liệu hoặt tự viết sai sự thật về mình trên mạng xã hội

Quy định về trách nhiệm nêu gương cũng ràng buộc các cán bộ, Đảng viên cấp cao phải nghiêm khắc với bản thân, kiên quyết chống 8 biểu hiện, trước hết là chống chủ nghĩa cá nhân, cục bộ, bản vị, lợi dụng tập thể để né tránh trách nhiệm hoặc lấy danh nghĩa tập thể thực hiện mục đích cá nhân.

Biểu hiện độc đoán, chuyên quyền, quan liêu, xa dân, thờ ơ, vô cảm trước những khó khăn, bức xúc của nhân dân, định kiến với người góp ý, phê bình cũng thuộc nhóm "điều cấm" phạm phải.

Quy định nghiêm cấm cán bộ trực tiếp, mượn danh hoặc cung cấp tài liệu cho người khác để nói, viết, đăng tin, bài sai sự thật tốt cho mình hoặc hạ thấp uy tín của tập thể, cá nhân khác trên các phương tiện truyền thông, mạng xã hội.

Đáng chú ý, quy định nêu gương nêu rõ Đảng viên cấp cao nhất quyết phải chống việc "chạy" hoặc tiếp tay cho chạy chức, chạy quyền, chạy phiếu bầu, chạy phiếu tín nhiệm. Can thiệp không đúng thẩm quyền, trách nhiệm, trái quy định vào công tác cán bộ; đề bạt, bổ nhiệm, bố trí cán bộ không đủ tiêu chuẩn, điều kiện theo quy định, nhất là đối với người nhà, người thân.

Đảng nghiêm cấm cán bộ tham nhũng hối lộ dưới mọi hình thức; tặng quà, nhận quà vì vụ lợi. Can thiệp không đúng thẩm quyền, trách nhiệm, trái quy định vào công tác kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án, đấu thầu, đấu giá đất đai, tài sản nhà nước.

Cần chống việc lãng phí công quỹ, tài sản, phương tiện, nhân lực và thời gian làm việc. Tổ chức đoàn đi công tác ở trong và ngoài nước không đúng thành phần, thời gian và nội dung yêu cầu công việc. Sống, sinh hoạt, tiêu dùng, giải trí xa hoa, lãng phí.

Các đảng viên thuộc diện Uỷ viên Bộ Chính trị, Uỷ viên Ban Bí thư, Uỷ viên Trung ương tuyệt đối không lợi dụng doanh nghiệp hoặc để doanh nghiệp lợi dụng nhằm vụ lợi; lợi dụng chức vụ, quyền hạn, uy tín để sử dụng, vay, mượn tiền, tài sản, phương tiện của tổ chức, cá nhân trái quy định. 

Để vợ (chồng), bố, mẹ, con, anh chị em ruột lợi dụng chức vụ, quyền hạn, uy tín của mình để vụ lợi; để vợ (chồng), con đẻ, con nuôi sống xa hoa, phô trương, lãng phí hoặc sa vào tệ nạn xã hội, vi phạm pháp luật.

Kiên quyết xoá bỏ tệ chạy chức, chạy quyền

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vừa ký Nghị quyết số 132 ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 19/5/2018 của Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược, đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ; Kế hoạch số 10-KH/TW ngày 6-6-2018 của Bộ Chính trị thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW.

Theo đó, Chính phủ yêu cầu Bộ Nội vụ chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan rà soát, báo cáo Chính phủ nội dung sửa đổi, bổ sung Luật tổ chức Chính phủ, Luật tổ chức chính quyền địa phương, Luật cán bộ, công chức, Luật viên chức và các luật, nghị quyết có liên quan đến tổ chức bộ máy và công tác cán bộ để trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến, thông qua trong năm 2018, 2019.

Trong đó chú trọng tới các quy định về: thẩm quyền, trách nhiệm của người đứng đầu trong công tác cán bộ, đặc biệt là công tác quản lý cán bộ; kiểm soát quyền lực; kỷ luật cán bộ, công chức, viên chức; xác định vị trí việc làm gắn với chức danh, chức vụ để nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, tiến tới bỏ chế độ “công chức suốt đời”.

Tập trung siết chặt kỷ luật, kỷ cương, kiên quyết xoá bỏ tệ chạy chức, chạy quyền; ngăn chặn và đẩy lùi tình trạng suy thoái, "tự diễn biến", "tự chuyển hoá" trong cán bộ, đảng viên. Xử lý kịp thời, nghiêm minh những tổ chức, cá nhân vi phạm kỷ luật của Đảng, pháp luật của Nhà nước; lợi dụng quyền lực để thực hiện những hành vi sai trái trong công tác cán bộ hoặc tiếp tay cho chạy chức, chạy quyền; huỷ bỏ, thu hồi các quyết định không đúng về công tác cán bộ, đồng thời xử lý nghiêm những tổ chức, cá nhân sai phạm, không có "vùng cấm"...

5 tướng công an vi phạm đến mức phải xem xét, thi hành kỷ luật

Ủy ban Kiểm tra trung ương vừa ra thông báo kết quả Kỳ họp 30, trong đó có kết luận về vi phạm đối với Đảng ủy,...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Thế Dũng ([Tên nguồn])
Thời sự Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN