Đằng sau vụ nữ sinh bị hiếp dâm ở Ấn Độ
Vụ nữ sinh viên 23 tuổi bị cưỡng hiếp và giết hại ở thủ đô New Delhi đã châm ngòi cho làn sóng giận dữ khắp đất nước. Câu chuyện của một nhà báo đến thăm nơi ở của một số bị can trong vụ án có thể nói lên câu chuyện xã hội rộng lớn hơn về địa vị của phụ nữ Ấn Độ.
Một quả chanh nhỏ khiến tôi chú ý khi đứng trước cửa ngôi nhà nơi người tài xế xe buýt (một trong sáu đối tượng bị cáo buộc hãm hại cô gái) đang sống với anh trai. Quả chanh được treo bằng sợi dây từ chiếc cột cửa bằng gỗ từ ba tuần trước để đuổi tà ma, một người hàng xóm cho biết.
Ngôi nhà một tầng khá chật ở phía nam Delhi giờ mang đầy tai tiếng, vì đó là nơi ở của bốn trong sáu người bị bắt vì tội cưỡng hiếp, giết hại nữ sinh hồi tháng trước.
Vụ việc đã khiến hình ảnh của đất nước Ấn Độ bị tổn thương nặng nề trong mắt cộng đồng quốc tế.
Những phóng viên BBC viết bài này cố gắng tìm ra bức tranh lớn hơn, và ngôi nhà của bốn đối tượng có thể nói lên câu chuyện đằng sau tội ác kinh hoàng.
Hầu hết người dân sống ở khu vực này là dân nhập cư từ các vùng nông thôn nghèo khó. Đó cũng là nơi bắt nguồn của thái độ không tôn trọng phụ nữ, khi số liệu thống kê cho thấy các vụ hiếp dâm diễn ra như cơm bữa, nhưng ít khi được báo lên chính quyền, chủ yếu vì định kiến xã hoi.
Đây không phải nơi dành cho những người nhập cư chân ướt chân ráo như nhiều người vẫn nói. Nhiều người đã sống ở đây được 20 năm.
Đó không phải nơi sống thoải mái, nhưng vẫn tốt hơn nhiều so với nhiều khu ổ chuột khác mà tôi từng đến, vì ở đây còn có nhà tường kiên cố, được sơn sáng sủa, và có những dịch vụ cơ bản như điện, nước, hệ thống cống rãnh.
“Đừng nghĩ rằng chúng tôi giống những kẻ bị buộc tội. Khi bạn xay lúa mỳ thì không tránh khỏi có côn trùng trong đó”, một bà hàng xóm nói.
Tất cả trẻ em ở đây đều đi học hằng ngày. Khi tôi đang nói chuyện với những người hàng xóm, tôi thấy ba chàng trai lắng nghe.
Họ đều nói tiếng Anh rất tốt; hoá ra, họ đang học ngành kinh doanh tại một trường cao đẳng ở địa phương.
Vâng, họ biết những kẻ vừa bị buộc tội, nhưng “các anh không nên mặc định rằng chúng tôi giống bọn chúng”, họ nói như vậy. Điều đó khiến tôi nghĩ đến những thực tế hoàn toàn khác trong câu chuyện này.
Tôi đang nói về tầng lớp trung lưu ở Ấn Độ, những người đang đi tiên phong trong công cuộc xây dựng và thay đổi đất nước theo hướng tự do hơn, cởi mở hơn.
Những người biểu tình giơ biển ghi các dòng chữ: “Treo cổ những kẻ hiếp dâm”, “Cứu các cô gái - Cứu nhân loại”…. Ảnh: Getty Images.
Nhưng có rất nhiều bằng chứng cho thấy những tầng lớp có học thức hơn, giàu có hơn ở Ấn Độ lại mang nặng tư tưởng thành kiến giới tính đối với phụ nữ.
Mỗi năm, hàng nghìn cô gái ở đây phải phá thai vì truyền thống thích con trai, còn các bác sĩ và nhân viên y tế nhận hối lộ để tiết lộ giới tính của thai nhi. Điều này dẫn tới tỷ lệ chênh lệnh giới tính lớn, đặc biệt là ở khu vực phía nam Delhi giàu có.
Cũng như trong ngôi làng nhỏ này, nhiều gia đình thuộc tầng lớp trung lưu thích con trai thừa kế tài sản của gia đình.
Một trong nhiều hậu quả của thực trạng ít phụ nữ hơn nam giới là nạn buôn bán phụ nữ cho những cuộc hôn nhân cưỡng ép và mại dâm- và vòng tuần hoàn lạm dụng phụ nữ đó cứ mãi tiếp diễn.
Chính phủ Ấn Độ lên án vụ hiếp dâm tập thể và hứa sẽ xử nhanh vụ việc này, nhưng không có chính trị gia nào nêu lên vấn đề xã hội rộng hơn đằng sau nó.
Tôi vừa có cuộc phỏng vấn một phụ nữ sống sót sau khi bị hiếp dâm. Nhiều năm sau khi bị tấn công, người phụ nữ ấy vẫn mòn mỏi đi tìm công lý.
Cô đã tham gia những đoàn biểu tình trên đường phố Delhi, trong đó rất nhiều gã đàn ông lợi dụng đám đông để sờ mó phụ nữ.
Tuy nhiên, cô cho biết nhiều thanh niên trẻ đã ra tay bảo vệ cô và các bạn bằng cách tạo thành một vòng tròn quanh các cô gái để ngăn những gã đục nước béo cò lại gần họ.
Các nhạc sĩ và các nhà làm phim Bollywood giờ đây cũng phải chịu áp lực trước những bài hát và bộ phim xây dựng hình ảnh người phụ nữ như những đồ vật tình dục.
Hình ảnh tôi không thể quên được trong suốt nhiều tuần qua là một người đàn ông Ấn Độ ngồi giữa đám biểu tình với cây nến dưới chân để biểu hiện tinh thần đoàn kết đối với cô gái bị sát hại dã man. Trước mặt anh ta là tấm áp phích: “Trước tiên, hãy nhìn lại chính mình”.
Cha nạn nhân muốn công khai danh tính con gái Cha của cô gái bị cưỡng hiếp tập thể và bị đánh đập trên xe buýt tối 16-12-2012 (rồi thiệt mạng sau đó vì vết thương quá nặng) nói rằng, ông muốn tên con mình được công khai để thôi thúc những nạn nhân bị lạm dụng tình dục khác đứng lên đòi công lý, báo Times of India đưa tin ngày 6-1. Luật pháp Ấn Độ quy định bảo mật danh tính nạn nhân để tránh bị xã hội kỳ thị, trừ khi nạn nhân qua đời và gia đình đồng ý. Hôm qua, cảnh sát Delhi đâm đơn kiện kênh truyền hình Zee News vì cuộc phỏng vấn với người bạn trai đi cùng nạn nhân hôm bị tấn công, theo Delhi News. Tên của người bạn trai này không được tiết lộ, nhưng khuôn mặt của người này lại được công khai. Cảnh sát đang điều tra xem Zee News có vi phạm luật truyền hình khi tiết lộ đặc điểm của nạn nhân hay không. Chàng trai 28 tuổi kể rằng, các cảnh sát từ chối đưa người bạn gái đang đầm đìa máu của anh lên một chiếc xe công vụ. Anh cho rằng, sự chậm trễ này khiến cô gái mất hai giờ mới đến được bệnh viện. Tuy nhiên, một quan chức cảnh sát cấp cao ở nơi hai nạn nhân được tìm thấy nói rằng, cảnh sát đã có mặt tại hiện trường chỉ sáu phút sau khi nhận được cuộc điện thoại kêu cứu, và cặp đôi được đưa đến bệnh viện 28 phút sau đó. Năm trong sáu đối tượng trong vụ án đã bị truy tố tội bắt cóc, cưỡng hiếp và giết người. Nghi phạm thứ sáu đang trong quá trình xác minh xem đã đủ tuổi thành niên chưa. |