Đắng lòng nhiều vụ tự tử vì lý do lãng xẹt

Sự kiện: Bệnh thần kinh

Thật bất ngờ có những người lại chọn dịp Tết để quyên sinh. Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai, dịp Tết Quý Tỵ đã cứu chữa cho 7 người tự tử. Họ còn rất trẻ. Vì sao lại như vậy?

Chẳng vì sao, cũng tự tử

Câu chuyện của bố mẹ cô gái 22 tuổi tên L. (Mai Châu - Hòa Bình) đang nằm điều trị tại  Trung tâm Chống độc, BV Bạch Mai đã khiến  người nghe không khỏi giật mình vì lý do tự  tử của em. L. là sinh viên năm cuối của một  trường cao đẳng ở Hòa Bình. Em bị ngộ độc  thuốc diệt cỏ paraquat do tự tử. Theo lời kể của  mẹ L., dịp Tết vừa rồi em bị mệt và đau đầu,  uống thuốc cũng không thấy đỡ. Vì bận rộn nên  gia đình cũng chỉ thăm hỏi qua loa.

Sau khi L.  uống thuốc một ngày, gia đình mới biết và đưa  đi cấp cứu vào đúng mùng 1 Tết. “Khi nó tỉnh,  nó bảo, con thấy buồn buồn, trong lúc chẳng  nghĩ được gì, đầu trống rỗng con lấy chai thuốc  diệt cỏ mẹ cất trong kho và uống... Gia đình tôi  làm nghề nông, trồng mía, trồng sắn, trong nhà  lúc nào chẳng có thuốc trừ sâu, diệt cỏ. Trẻ con,  một, hai tuổi còn bảo là chưa biết gì, đằng này  22 tuổi đầu rồi, mà đã cất cẩn thận vào kho, ai  ngờ cháu lại dại dột thế, bác sĩ bảo phải chờ  3 tháng nếu cháu nó còn sống thì mới gọi là yên tâm...!”, trong nỗi xót xa, mẹ L. nghẹn ngào  nói.

Đắng lòng nhiều vụ tự tử vì lý do lãng xẹt - 1

Cấp cứu cho bệnh nhân trẻ tuổi tự tử. Ảnh: TM

Bệnh nhân nhỏ tuổi nhất là T. (Thạch Thành  - Thanh Hóa) mới 14 tuổi, so với các bạn cùng trang lứa thì em có phần còi cọc. Cô bé có khuôn mặt tròn trịa, xinh xắn và rất cá tính. Bố em tâm  sự: “T. là con lớn trong gia đình, dưới có em   trai, ở lớp là học sinh khá. T. trầm tính nhưng rất ngoan ngoãn và biết việc. Gia đình không  thể biết được lý do tại sao cháu uống thuốc tự  tử, vì hỏi cháu chỉ khóc. Chắc chắn là cháu biết đó là thuốc độc, vì mấy đứa em cháu nhỏ hơn còn biết thuốc đó không uống được”.

Nằm trong khu  điều trị dành cho bệnh nhân đặc biệt, người phụ nữ 22 tuổi ở Quảng Ninh đang ngân ngấn những giọt nước mắt hối hận muộn màng vì một chút “nông nổi”. Vợ chồng chị cãi cọ nhau chỉ vì chồng chị uống rượu và chơi cờ bạc nợ nần, không có  tiền tiêu Tết, trong lúc nghĩ quẩn đã uống axít tự tử dù may mắn được cứu sống, nhưng  thai nhi 2 tháng đang hình thành trong người mình thì mãi mãi mất đi...

Chỉ cần người thân biết quan tâm hơn

Trao đổi với phóng viên, TS. Phạm Duệ,  Giám  đốc Trung tâm Chống  độc, BV Bạch  Mai cho biết, trước Tết trung tâm cũng tiếp  nhận rải rác các trường hợp tự tử bằng thuốc  độc, nhưng chỉ trong vòng 10 ngày Tết, trung  tâm tiếp nhận 7 bệnh nhân ngộ độc thuốc bảo  vệ thực vật, axit và thuốc ngủ... đa số các bệnh  nhân ngộ độc thuốc kể trên là do có ý định tự  tử và ở độ tuổi thanh niên. Đáng lưu ý, loại  thuốc bảo vệ thực vật được tìm thấy qua xét  nghiệm lần này lại chủ yếu là thuốc diệt cỏ  paraquat (4/7 trường hợp).

Theo tiêu chuẩn xét  nghiệm, 1mcrogam paraquat/1ml nước tiểu đã  có thể gây tử vong cho người sử dụng. Trong  khi đó, có những bệnh nhân đến bệnh viện,  xét nghiệm nước tiểu, thành phần paraquat  chiếm từ 20 - 30% mcrogam/1ml nước tiểu.  TS. Phạm Duệ cho biết thêm, qua thông tin  bệnh nhân và người nhà cung cấp, lý do tự tử  đa số là chán sống, thấy buồn buồn, thậm chí  qua một vài lần vợ chồng cãi cọ, xô xát là tự  tử... Nhiều bệnh nhân sau khi vào viện lại thấy  hối hận và khát khao muốn sống.

Liên quan đến tâm lý của bệnh nhân tự tử,  bà Phùng Minh Trang (chuyên viên Trung tâm  Phòng chống khủng hoảng tâm lý Hà Nội),  những nguyên nhân trực tiếp dẫn đến việc tự  tử chỉ là giọt nước cuối cùng làm tràn ly. Hầu  hết, những người tự tử đều có một quá trình  “lung lay”, rệu rã về mặt tâm lý, sức khỏe tâm  thần,  đến khi sức chịu  đựng  đã “căng” hết  mức, “suy yếu” hết mức thì chỉ cần một lý do  nhỏ nữa, sẽ khiến nó “đứt phựt” và thúc đẩy  người ta tự tử. Hoặc người tự tử đã nung nấu,  nuôi dưỡng ý định tự tử trong một thời gian  dài rồi mới thực hiện. Lúc này, chỉ cần người  thân và gia đình quan tâm, gần gũi trò chuyện  sẽ cứu được một mạng người.

Theo Trung tâm Phòng chống khủng hoảng (PCP), qua một số nghiên cứu về tự tử tại Việt Nam,  có tới 25,4% người dân có ý định tự tử; 15,6% có kế hoạch tự tử và thực hiện hành vi tự tử là 4,2%. Còn theo Báo cáo chuyên đề sức khỏe tâm thần vị thành niên và thanh niên Việt Nam của Trường  ĐH Y tế công cộng năm 2010 cho thấy, 4,1% các em nghĩ đến chuyện tự tử, 25% số này tìm cách  kết thúc cuộc sống. Đáng lưu ý, tỷ lệ nữ giới đã từng nghĩ đến tự tử cao gấp 2 lần nam giới, tỷ lệ ở  thành thị (5,4%), cao hơn nông thôn (3,6%). Đặc biệt, 7,5% tự gây thương tích nhằm thoát khỏi  cảm xúc đau đớn và tâm lý căng thẳng.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo NGUYỄN HỒNG (Sức khỏe & Đời sống)
Bệnh thần kinh Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN