Đăng ảnh bị can, bị cáo có vi phạm quyền nhân thân?
"Quyền cá nhân đối với hình ảnh là quyền nhân thân, quyền con người được Hiến pháp bảo hộ nên luật phải quy định cụ thể", đại biểu Quốc hội Lê Minh Hiền bày tỏ.
Tại buổi thảo luận góp ý cho dự thảo Bộ luật Dân sự (sửa đổi), ngày 24.10, ĐBQH Lê Minh Hiền (Khánh Hòa) đã đề cập đến quyền cá nhân, trong đó có việc sử dụng hình ảnh cá nhân, đặc biệt chuyện báo chí sử dụng ảnh của bị can, bị cáo trong các vụ án.
ĐB Hiền cho biết, chuyện chụp ảnh bị cáo tại phiên toà diễn ra khá phổ biển. Theo ĐB này, hiện nay không có quy định nào buộc nhà báo phải xin phép bị cáo mới được chụp và đăng ảnh người đó tại phiên toà xét xử công khai. Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003 không quy định còn Bộ luật Dân sự 2005 và pháp luật về báo chí quy định chưa thống nhất về điều này nên việc áp dụng có khác nhau, mỗi nơi mỗi kiểu, trong khi đó quyền của cá nhân về hình ảnh là quyền nhân thân được Hiến pháp bảo hộ.
Đại biểu Quốc hội Lê Minh Hiền (Khánh Hòa)
Trong thực tiễn, khi thông tin về nhiều vụ án hình sự báo chí có đăng ảnh nghi can, hình ảnh do cơ quan công an cung cấp dưới dạng hồ sơ, có ý kiến cho rằng như vậy là vi phạm nhân quyền về hình ảnh cá nhân.
“Từ thực tiễn thi hành cho thấy việc đồng thuận và phản đối chụp ảnh bị cáo tại phiên toà đều viện dẫn khoản này, điều nọ của luật này, luật kia. Đây là bất cập, vướng mắc trong việc áp dụng pháp luật về quyền của cá nhân về hình ảnh và quyền của báo chí trong việc đăng ảnh cá nhân như thế nào mới đúng", ĐB Hiền nêu.
Nghị định 51 năm 2002 của Chính phủ hướng dẫn thi hành Luật Báo chí có quy định: “Không được đăng, phát ảnh của cá nhân mà không có chú thích rõ ràng hoặc làm ảnh hưởng đến uy tín, danh dự của cá nhân đó (trừ ảnh thông tin các buổi họp công khai, sinh hoạt tập thể, các buổi lao động, biểu diễn nghệ thuật, thể dục thể thao, những người có lệnh truy nã, các cuộc xét xử công khai của tòa án, những người phạm tội trong các vụ trọng án đã bị tuyên án)".
ĐB Lê Minh Hiền cho rằng, Nghị định 51 hướng dẫn thi hành đã mở rộng việc sử dụng ảnh cá nhân cho báo chí được sử dụng hình ảnh cá nhân và như vậy cũng là việc hạn chế quyền con người, quyền công dân.
Cũng theo ĐB Lê Minh Hiền, quá trình thi hành Bộ luật Dân sự, Luật Báo chí còn nhiều vấn đề chưa được cụ thể, như tiêu chí nào để xác định thế nào là ảnh cá nhân, ảnh sinh hoạt tập thể, thế nào là vì lợi ích cá nhân, lợi ích công cộng. Đặc biệt là đăng ảnh đương sự trong các phiên toà dân sự, hành chính, lao động, pháp luật cần quy định để áp dụng thống nhất, đồng bộ.
"Tôi đề nghị Bộ luật Dân sự (sửa đổi) quy định rõ việc sử dụng hình ảnh khác phải theo luật định. Về nguyên tắc định hướng Bộ luật Dân sự (sửa đổi) và Luật báo chí (sửa đổi) cần quy định cụ thể để bảo vệ quyền nhân thân, trong đó có quyền của cá nhân đối với hình ảnh", ĐB Hiền góp ý.