Đàn Xã Tắc và cầu vượt đều là văn hóa

Nếu nói Đàn Xã Tắc là văn hóa, không có nghĩa rằng cây cầu vượt không phải là văn hóa. Văn hóa là giá trị kết tinh từ trong lao động, tình yêu, sinh hoạt... qua nhiều đời. Sau một thời gian nữa, chính cây cầu vượt cũng là văn hóa.

Đề xuất "sớm xây cầu vượt qua Đàn Xã Tắc" của Hiệp hội Vận tải Hà Nội đang được nhiều người ủng hộ nhưng cũng không ít ý kiến trái chiều.

PGS. TS Trịnh Hòa Bình (Viện Xã hội học) cho rằng, nếu nói Đàn Xã Tắc là văn hóa, không có nghĩa rằng cây cầu vượt không phải là văn hóa. Đề xuất của Hiệp hội Vận tải dù đúng hay sai vẫn cần được tôn trọng.

Nhà xã hội học thừa nhận, khi đề xuất xây cầu vượt, cách nói của Hiệp hội vận tải Hà Nội có thể là chưa khéo khi cho rằng Đàn Xã Tắc là "phế tích" gắn với triều đại nọ kia.

Tuy nhiên, những người có chủ trương xây dựng Thủ đô văn minh, hiện đại đều có lý lẽ của riêng mình. Miễn là việc làm đó không chà đạp thô bạo vào những di tích, những giá trị văn hóa. Ví dụ, di tích đó đang hiện hữu nguyên trạng hẳn hoi mà chúng ta đào lên, phá đi. Đó mới là điều đáng nói.

Tiến sĩ Bình cho rằng: Giữ nguyên giá trị lịch sử là điều ai cũng hoan nghênh. Chúng ta phải tôn trọng, nâng niu những giá trị di sản, văn hóa. Nhưng trong thực tế cuộc sống, có nhiều thứ phải ưu tiên hơn thế nữa. Có những công trình dân sinh, những con đường hết sức cần thiết, di sản đó vẫn có thể xê dịch sang bên cạnh. Đâu nhất thiết phải nằm đúng một vị trí ở đấy.

Sử sách nhiều chỗ ghi chép khác nhau. Đời này đặt Đàn Xã Tắc ở điểm này, đời kia đặt ở điểm kia. Ở Huế cũng có, ở Hà Nội cũng có. Hoa Lư có. Đâu nhất thiết Đàn Xã Tắc phải nằm nguyên tại một vị trí. Thậm chí chắc gì ở Hà Nội, Đàn Xã Tắc chỉ nằm tại một nơi duy nhất. Mặt khác, chúng ta cũng đâu có khôi phục được nguyên trạng di tích Đàn Xã Tắc.

"Đôi khi người ta cứ tuyệt đối hóa một giá trị nào đó, khép "tội" cho người khác là: "ngồi lên di sản", "phá hoại giá trị truyền thống"... Tôi cho rằng không nên tuyệt đối hóa như thế!" - Ông Bình nói.

Vị giám đốc Trung tâm Điều tra Dư luận xã hội này cho rằng, đừng nhất nhất cho rằng, cái nọ là văn hóa, mà cái kia không phải là văn hóa. Đàn Xã Tắc là văn hóa thì cây cầu vượt cũng là văn hóa.

"Văn hóa là giá trị kết tinh từ trong lao động, tình yêu, sinh hoạt... qua nhiều đời, là sự vun trồng của xã hội. Sau một thời gian nữa, chính cây cầu vượt cũng là văn hóa" - Nhà xã hội học nhấn mạnh.

TS. Bình cũng thừa nhận, có thể Đàn Xã Tắc có tính chất thiêng liêng hơn, bởi nó đánh thức, gợi mở lại một thời đại nào đó, có thể huy hoàng rực rỡ hoặc không. Nhưng xã hội hoàn toàn có thể dung hòa giữa văn hóa và phát triển. Đòi hỏi của thực tiễn đời sống phát triển, đôi khi buộc một vài di sản văn hóa phải "hy sinh".

Khi những công trình hiện đại là điều cần thiết cho một Thủ đô văn minh, để khơi thông dòng chảy lịch sử, có lẽ vẫn nên được ưu tiên hơn là việc bảo tồn một di sản.
Tuy nhiên, nếu phải tranh cãi, TS. Bình cho rằng, Hiệp hội Vận tải hay một ai đó có ý kiến không đồng nhất nhau, có thể vì góc tiếp cận của mỗi người khác nhau. Người này cho là giá trị văn hóa cần hơn nhưng có người cho rằng giải quyết đời sống thực tiễn cần hơn. Nhưng mục đích cuối cùng là vì sự phát triển.

"Dù phương pháp đúng hay sai thì đó mới chỉ là đề xuất. Đề xuất đó vẫn cần được tôn trọng. Nếu các nhà nghiên cứu, hoạch định thấy rằng đề xuất đó không đủ sức nặng, thứ khác cần ưu tiên hơn thì không chấp nhận" - TS. Trịnh Hòa Bình kết luận.

TS. Đinh Thanh Bình (Viện trưởng Viện Quy hoạch & Quản lý GTVT) cho rằng, nếu ngã tư, ngã năm đã quá ách tắc, bắt buộc phải xây cầu vượt hoặc hầm chui. Nhưng có nhiều phương pháp để vừa đảm bảo cảnh quan vừa đảm bảo giao thông. Đâu phải chỉ có mỗi một cách thiết kế là xâm phạm vào di sản văn hóa. Không đặt trụ cầu chỗ này thì có thể kéo dài ra đặt chỗ khác.

Mặt khác, vị Viện trưởng cho rằng, trong phương án quy hoạch đô thị, các nhà hoạch định đề đã phải tính toán để những nút giao thông trọng yếu phải tách rời với vị trí di tích văn hóa. Quy hoạch đô thị luôn tích hợp với quy hoạch giao thông. Cho nên khi quy hoạch đã phải xác định rõ những vị trí cần bảo tồn và không động đến nữa để phát triển những khu khác. Vậy nhưng, để dẫn đến những tranh cãi này, TS. Bình cho rằng, Thủ đô nước mình chưa được tính đến chuyện đó, hoặc phần tích hợp nói trên rất ít.

Nếu ai đó lo sợ rằng, "đào hầm động đến long mạch, làm cầu vượt lại đi trên đầu tổ tiên", chỉ còn một cách là dời nút giao thông trọng yếu sang chỗ khác. Nhưng muốn dời nút đó sang chỗ khác thì chỉ có cách là quy hoạch lại Thủ đô.

Đàn Xã Tắc và cầu vượt đều là văn hóa - 1

GS.TS. Ngô Đức Thịnh  - nguyên Viện trưởng Viện Văn hóa Việt Nam

Di tích và phế tích

GS. TS. Ngô Đức Thịnh - nguyên Viện trưởng Viện Văn hóa Việt Nam cho rằng, di tích hay phế tích đều là một. Có những di tích đang còn nguyên vẹn, có những di tích lại bị sụp đổ chỉ còn là phế tích. Ví dụ Đàn Nam Giao ở Huế còn nguyên vẹn, Đàn Xã Tắc ở Hà Nội chỉ còn là phế tích. Nhưng cả hai đều được coi là di tích.Phế tích có dạng bảo tồn riêng.

Vị giáo sư này cho rằng, đôi khi bảo tồn phế tích bằng cách giữ nguyên hiện trạng có giá trị hơn là dựng lại hình hài cũ. Tuy nhiên, hiện nay có hai trường phái tranh cãi nhau về phương pháp bảo tồn. Một bên cho rằng, muốn bảo tồn phải dựng lại nguyên mẫu. Số khác lại cho rằng không nên dựng lại mới có giá trị.

Ông Thịnh nhận định, có thể các nhà khoa học mới chỉ phát hiện được phần trung tâm Đàn Xã Tắc, nhưng có thể nó còn rộng lớn hơn nhiều.

"Nếu thấy rằng Đàn Xã Tắc là quan trọng hơn, chúng ta có thể chặn đoạn đường đoạn này lại, dời nút giao thông tìm con đường khác. Nhiều con đường vẫn bị chặn để bảo vệ lãnh đạo nhà nước. Vậy cũng có thể chặn đường để bảo tồn di tích." - Nhà văn hóa này nói.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Cảnh Kiên ([Tên nguồn])
Hà Nội xây cầu vượt qua Đàn Xã Tắc Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN