Đàn Xã Tắc hay "tắc Xã Đàn"?
“Dừng công trình cầu vượt qua Đàn Xã Tắc sẽ dẫn đến 'tắc Xã Đàn'”, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội nói.
Hôm nay 22/4, Hiệp hội Vận tải Hà Nội cho biết vừa có công văn gửi UBND TP. Hà Nội đề nghị sớm khởi công cầu vượt qua Đàn Xã Tắc.
Theo Hiệp hội Vận tải, xung quanh dự án xây cầu vượt nút giao Xã Đàn - Nguyễn Lương Bằng (qua Đàn Xã Tắc), có một số ý kiến đề nghị dừng thi công hoặc đổi hướng tuyến cầu vượt.
Đây là công trình giao thông Vành đai 1, dựa theo hướng tuyến đường đã có từ thời Pháp thuộc thế kỷ trước. Vành đai 1 bắt đầu từ Nhật Tân đi theo dọc đê sông Hồng đến Nguyễn Khoái, vòng theo chiều kim đồng hồ rẽ vào Trần Khát Chân, theo đê La Thành đến Cầu Giấy, theo đê Bưởi qua Lạc Long Quân đến Nhật Tân. Hướng tuyến như trên nhằm tránh xâm phạm vào vùng đất nội đô nhằm bảo tồn các di sản lịch sử nghìn năm Thăng Long và kết nối giữa các cửa ô.
Nút giao Xã Đàn - Nguyễn Lương Bằng (qua Đàn Xã Tắc) (Ảnh: Văn Đức)
Vì phải GPMB hàng nghìn hộ dân và các khó khăn về nguồn lực tài chính, nên Hà Nội làm dần từng đoạn. Khi đến cuối phố Xã Đàn thì phát lộ một số nền gạch và mảnh vỡ đất nung. Lập tức các cơ quan bảo tàng công bố đây là “Đàn Xã Tắc”, nơi các vua chúa cầu cúng thần đất và thần nông. Công trình sau đó bị dừng lại để bảo tồn Đàn Xã Tắc. Hà Nội đã điều chỉnh thiết kế, biến nơi này thành một đảo giao thông, gây tắc đường thường xuyên.
Từ đó, Hiệp hội Vận tải Hà Nội cho rằng, nên sớm xây cầu vượt Xã Đàn để tạo thuận lợi đi lại cho người dân.
"Dừng công trình cầu vượt qua Đàn Xã Tắc sẽ khiến “tắc Xã Đàn”. Lúc đó, không rõ trời đất có linh thiêng không, hay chỉ thấy hàng chục vạn người dân phải khổ sở vì ách tắc giao thông, vì ô nhiễm khói bụi...", ông Bùi Danh Liên, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội nói.
Đàn Xã Tắc (Ảnh: Văn Đức)
Ông Liên phân tích thêm: Đàn Xã Tắc phát lộ chỉ mấy trăm m2 đã không cho cầu vượt chạy qua. Vậy nếu phát lộ hàng nghìn m2, liệu có phải khai quật tất cả nhà dân không? Hoặc giả sử khi thi công đường lại phát hiện một số nền gạch khác thì xử lý ra sao? Hay phải dời Hà Nội lên Xuân Mai, Ba Vì?...
Trong văn bản gửi thành phố, Hiệp hội Vận tải cũng nêu quan điểm: “Đàn Xã Tắc có thể là phế tích của một triều đại phong kiến đã bị phá hủy. Cho rằng đây là khu tâm linh trời và đất của đất nước ta là ngộ nhận. Tâm linh là ở trong tâm thức của con người. Khu vực Đàn Xã Tắc không thể coi là văn hóa tâm linh của người Việt. Bởi lẽ khu vực này đã biến mất mà không ai đoái hoài, ghi nhớ”.
Hiệp hội này cũng cho rằng: xóa bỏ Đàn Xã Tắc cuối thời Lê là “xóa đi hình ảnh chế độ phong kiến mục nát trong tâm thức người dân”. Khôi phục, tôn thờ Đàn Xã Tắc quá mức là “phản cảm với khu di tích gò Đống Đa cách đó chưa đầy 1 km”, nơi gắn với chiến công hiển hách của vua Quang Trung.
Hà Nội đang nghiên cứu phương án xây cầu vượt tại ngã năm Ô Chợ Dừa. Đây là nơi giao cắt của đường La Thành, Khâm Thiên, Tôn Đức Thắng, Nguyễn Lương Bằng và Kim Liên Mới. Dự kiến, cây cầu vượt này dài 500m, với 4 làn xe chạy, sẽ hoàn thành vào năm 2015. Đưa ra bàn thảo đã lâu nhưng đến nay Hà Nội vẫn chưa có thông tin về việc khởi công cây cầu này bởi cuộc tranh luận về "long mạch". Đơn giản vì ngã năm này là nơi phát lộ Đàn Xã Tắc. Nhiều người, nhiều nhà khoa học phản đối việc xây dựng cây cầu này. Họ cho rằng, xây cầu vượt làm giảm tắc đường nhưng xâm phạm di sản văn hóa quốc gia. |
Đàn Xã Tắc tại Hà Nội được coi là một trong những di tích quan trọng vào bậc nhất của Thăng Long xưa. Đàn được lập từ thời vua Lý Thái Tông (năm Mậu Tý 1048), đến sau thời vua Lê Chiêu Thống (1788) thì mất dấu. Sau hơn 200 năm mất dấu, tình cờ Đàn Xã Tắc được tìm thấy vào tháng 11/2006, khi thi công đường vành đai 1 thuộc dự án cải tạo đường Kim Liên - Ô Chợ Dừa. Vị trí của Đàn Xã Tắc hiện nằm tại ngõ Xã Đàn 1 (phường Nam Đồng, Đống Đa, Hà Nội). |