Dân tự mở đường để chuyển hàng... lậu

Để dễ bề lẩn trốn sự kiểm soát, truy quét gắt gao từ các cơ quan chức năng, một số hộ dân đã tự bỏ tiền túi để mở một con đường mòn trên rừng dài gần 2km, thuận tiện cho những chuyến hàng lậu.

Từ khi Khu kinh tế cửa khẩu Cầu Treo (Hương Sơn, Hà Tĩnh) đi vào hoạt động, tình trạng buôn lậu diễn biến ngày càng phức tạp. Những mặt hàng “nóng nhất” được vận chuyển trái phép qua cửa khẩu là bia rượu, nước giải khát… bởi đem lại lợi nhuận “khủng”.

Giả danh “cửu vạn”

Để hàng lậu dễ bề lẩn trốn sự kiểm soát, truy quét gắt gao từ các cơ quan chức năng, một số hộ dân ở xóm Cây Tắt (xã Sơn Tây, Hương Sơn) đã tự bỏ tiền túi để mở một con đường mòn trên rừng dài gần 2km, thuận tiện cho những chuyến xe chở hàng lậu. Cứ về đêm, những chuyến xe chở hàng lậu lại nối đuôi nhau lặng lẽ trườn vào nội địa...

Thời gian gần đây, các mặt hàng trốn thuế (hàng lậu) tại khu vực cửa khẩu Cầu Treo không còn đa dạng như trước. Nếu như trước đây, các mặt hàng điện tử, điện lạnh... được dân buôn lậu ưa chuộng vì đem lại lợi nhuận lớn thì hiện giờ, các mặt hàng thực phẩm như bia rượu, nước giải khát hay gạo nếp Thái Lan… lên ngôi.

Nói một cách công bằng, từ khi cổng kiểm soát giữa Khu kinh tế cửa khẩu Cầu Treo và nội địa (cổng B) được khai trương và đi vào hoạt động (3/1/2013), tình trạng buôn lậu đã giảm đi đáng kể. Tuy nhiên, thay vì buôn lậu các mặt hàng điện tử, điện lạnh, dân buôn lậu lại chuyển sang buôn những mặt hàng dễ nhập nhèm đánh lận con đen giữa khu miễn thuế và khu nội địa. Theo ghi nhận của phóng viên NTNN, mặt hàng lậu “hot” nhất hiện nay ở cửa khẩu Cầu Treo là nước tăng lực RedBull, bia lon Heineken và các loại rượu ngoại... Những mặt hàng này được tuồn qua khu vực kiểm soát cổng B vào trong nội địa bằng đủ cách thức, chiêu trò khác nhau.

Dân tự mở đường để chuyển hàng... lậu - 1

Xe tải và container chờ “nuốt” hàng lậu ngoài cổng kiểm soát

Anh Nguyễn Văn H (xã Sơn Tây) – người chuyên vận chuyển hàng lậu (còn gọi là dân bo hàng) cho các đầu nậu qua cổng B – tâm sự: “Hàng lậu đợt này qua cổng B khó hơn vì lực lượng chức năng như hải quan, biên phòng làm rất chặt. Trước kia, chúng tôi vận chuyển 1 két “bò húc” (nước tăng lực RebBull) qua cổng B cho các chủ hàng được trả 15.000 đồng, bia Heineken thì được 40.000 đồng. Ngày làm 3 tiếng cũng kiếm được hơn chục triệu. Nhưng giờ các chủ hàng thấy anh em làm ăn dễ dàng nên trả công rẻ hơn. Nhưng dù sao, chạy hàng lậu vẫn là nghề thu nhập khá cao”.

Theo anh H, khi cổng chính bị kiểm soát nghiêm ngặt và bị lực lượng chức năng chặn bắt gắt gao, dân bo hàng liền mở các đường tiểu ngạch để né tránh lực lượng chức năng. “Người có đất rừng còn thuê máy ủi máy xúc về mở đường mòn cho chúng tôi đi qua rồi thu tiền lộ phí” – H vừa nói vừa chỉ vào khu rừng keo của một hộ gia đình tên Đ ở xóm Cây Tắc, nơi được dân bo hàng coi là con đường “huyết mạch” vì mỗi ngày, có cả trăm xe ô tô vào ăn hàng và vận chuyển hàng lậu trên con đường này.

Được sự “bảo kê” của H, chúng tôi theo chân anh làm cửu vạn bốc vác hàng – là những két “bò húc”. Từ lúc cổng B đi vào hoạt động, anh H đã tậu hẳn một chiếc xe 16 chỗ loại cũ để chuyên chở hàng lậu.

Khoảng 7 giờ tối, sau khi cơm nước xong, đang nhâm nhi chén chè xanh, nhận được tín hiệu đường đã thông, H thúc chúng tôi: “Lên đường thôi các chú. Chủ kho vừa gọi lên bo hàng ra ngoài khu kiểm soát”. Nhảy lên chiếc xe 16 chỗ cũ kỹ với toàn bộ ghế đã bị tháo chỉ để mỗi ghế lái, chúng tôi ngồi bệt xuống sàn xe. H giải thích, mỗi chuyến xe ít ra cũng chở được 500 thùng “bò húc”, tính ra một chuyến anh cũng kiếm được 5 triệu đồng. Ngày cao điểm, anh làm được 4 chuyến như vậy.

Xe chở chúng tôi đến một kho hàng lậu tập kết tại xóm Tân Thủy (xã Sơn Tây, Hương Sơn) nằm trong khu kinh tế. Nhà kho này của một đầu nậu thuê gửi hàng. Xe vừa dừng trước cổng, chúng tôi thấy có 5 chiếc xe cùng loại từ trong kho chạy ra, dáng chạy lặc lè, bánh xe như bẹp gí xuống đường, chắc do chở đầy ắp những thùng “bò húc”. Không cần nói nhiều, H phóng thẳng xe vào trong kho tập kết hàng lậu. Trước mắt chúng tôi là hàng chục ngàn thùng “bò húc” được chất cao ngất tới tận nóc kho. Các đội cửu vạn đang lặng lẽ bốc hàng lên xe, rất kiệm lời. Tay quản lý kho hàng dáng người nhỏ thó phất tay về phía anh H, nói như ra lệnh: “Cho cửu vạn bốc đi rồi rút nhanh xuống kho dưới (ngoài khu kinh tế) đổ hàng nhé”. Anh H và chúng tôi lao vào việc. Chỉ khoảng 30 phút, xe đã chất đầy các thùng nước giải khát “bò húc” rồi xuất phát.

Chiếc xe lăn bánh, nhóm cửu vạn chúng tôi ngồi khom người trên đống hàng nhưng đầu vẫn kịch trần. Anh H động viên: “Hôm nay đi đường rừng, hơi dốc và gập ghềnh, các chú chịu khó nhé. Đi thế khổ tí nhưng an toàn hơn nhiều”. Đi được khoảng 1km, xe leo lên con đường đất vừa đủ 1 xe chạy xuyên qua cánh rừng mới được ủi tạm. Anh H thông báo, qua cánh rừng này là thoát khỏi trạm kiểm soát. Đến cuối con đường, xe gặp “trạm soát vé” của chủ rừng. Mỗi xe phải trả 30.000 đồng cho chủ rừng, người đã bỏ tiền ủi đường tắt. Theo tiết lộ của anh H, có ngày chủ rừng kiếm tới cả triệu bạc từ việc thu lộ phí lậu này.

Sắm ô tô chở hàng lậu

“Trước kia, chúng tôi vận chuyển một két “bò húc” qua cổng B cho các chủ hàng được trả 15.000 đồng, bia Heineken thì được 40.000 đồng. Ngày làm 3 tiếng cũng kiếm được hơn chục triệu. Nhưng giờ các chủ hàng thấy anh em làm ăn dễ dàng nên trả công rẻ hơn. Nhưng dù sao, chạy hàng lậu vẫn là nghề thu nhập khá cao” - anh Nguyễn Văn H cho biết.

Chiếc xe đổ hàng tại một kho hàng lậu cực lớn nằm tại xã Sơn Diệm (Hương Sơn), bên ngoài khu kiểm soát cổng B. Thấy chúng tôi còn thắc mắc, anh H giảng giải thêm: “Các chủ buôn lậu muốn chở hàng trót lọt về xuôi tiêu thụ phải qua 2 cổng A và B của Khu kinh tế cửa khẩu Cầu Treo. Từ cổng A về đến cổng B, các mặt hàng không chịu sự kiểm soát của cơ quan chức năng (vì là khu kinh tế mở, hàng hóa được miễn thuế). Chỉ khi qua cổng B, lực lượng hải quan mới kiểm soát giấy tờ, làm các thủ tục để thông quan”.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, thấy việc vận chuyển hàng lậu dễ ăn, hàng chục hộ dân xung quanh cổng B cũng sắm xe ô tô để vận chuyển hàng lậu qua cổng kiểm soát. Bà Nguyễn Hồng Thu – một người dân tại cổng B, thôn Cây Tắt (Sơn Tây, Hương Sơn) kể:

“Từ khi khu cổng B khai trương, xóm tôi nhà nhà sắm ô tô. Toàn xe loại 12-16 chỗ để chở thuê hàng lậu. Có nhà “làm ăn” được còn sắm hẳn 2, 3 cái”. Chỉ mấy tháng trở lại đây, theo thống kê của người dân, khu vực này đã có thêm gần 30 xe ô tô để chở hàng. Đa phần là xe thanh lý hoặc đã hết thời gian lưu hành. Mua xe về, người dần sẽ tháo biển số ra để chạy hàng lậu.

Các xe chở hàng lậu hoạt động hết sức ngang nhiên không kể ngày đêm. Những ngày này, ngồi ở đâu chúng tôi cũng nghe người dân bàn về chuyện vận chuyển bò húc, bia ken (Heineken). Những gia đình khó khăn hơn thì dùng xe máy, cũng kiếm đủ tiền để nuôi sống gia đình và tích cóp chờ đến lúc mua ô tô.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Gia Tưởng - Thắng Quang (Dân Việt)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN