Dân tố bị đẩy vào nơi "không đường sống"
Đó là tình cảnh của khoảng 450 hộ dân huyện Vũ Quang (Hà Tĩnh), những người đang bị buộc phải di chuyển nhà cửa, mồ mả cha ông vào sống tại khu tái định cư (TĐC) đang được xây dựng... trong rừng, với tổng vốn đầu tư 350 tỷ đồng. Việc họ phải đi là để nhường lại mảnh đất bao đời sinh sôi cho Dự án trọng điểm, đa mục tiêu xây dựng hồ thủy lợi Ngàn Trươi - Cẩm Trang.
Được phê duyệt từ năm 2006, hồ thủy lợi Ngàn Trươi - Cẩm Trang là Dự án trọng điểm lớn nhất của tỉnh Hà Tĩnh. Ngoài chức năng tưới tiêu cho 3.000ha đất sản xuất nông nghiệp của 7 huyện thị của Hà Tĩnh, hồ thủy lợi Ngàn Trươi còn có mục tiêu điều hòa sinh thái; khai thác giá trị thủy lợi; điều hòa lũ thượng du, khai thác tiềm năng thủy điện...
Tổng diện tích của hồ thủy lợi Ngàn Trươi là 775 triệu m3 nước, lớn gấp 2,5 lần diện tích hồ thủy lợi Kẻ Gỗ. Toàn bộ diện tích hai xã Hương Quang, Hương Điền (huyện Vũ Quang) nằm hoàn toàn trong khu vực lòng hồ; 100% dân cư thuộc diện phải di dời, bị thu hồi toàn bộ đất ở, đất nông nghiệp và tài sản trên đất. 60 hộ dân thuộc thị trấn Vũ Quang cũng nằm trong diện di dời để nhường đất xây dựng đập ngăn của hồ (vị trí nằm gần khu vực thị trấn, tiếp giáp với đường mòn Hồ Chí Minh).
Vào TĐC chỉ còn cách phá rừng để sống
Theo tiến độ được ông Nguyễn Đình Đức - Phó chủ tịch (PCT) UBND huyện Vũ Quang, Trưởng ban chuyên trách bồi thường, hỗ trợ tái định cư công trình thủy lợi Ngàn Trươi - Cẩm Trang (gọi tắt là Ban chuyên trách), ngày 15/8/2013 sẽ là thời hạn cuối các hộ dân phải di dời đến nơi ở mới để trả mặt bằng cho Dự án thi công lòng hồ; cuối năm 2013 sẽ tiến hành chặn dòng tích nước. Tuy nhiên, tiến độ trên sẽ rất khó thực hiện được, bởi hàng loạt hộ dân đã đồng loạt viết đơn từ chối không vào khu TĐC.
Để phục vụ mục đích di dân, BQL dự án đã tiến hành xây dựng 3 khu TĐC, bao gồm Khe Ná - Khe Gỗ; Hói Trung (hay còn gọi là Hói Trùng) và khu TĐC Đồng Nậy cho 60 hộ dân tại Tổ 1 thị trấn Vũ Quang. Dự tính, hai khu TĐC tập trung hơn 400 hộ dân thuộc hai xã Hương Quang, Hương Điền sau khi hoàn tất hạ tầng sẽ đưa người dân về nơi ở mới, với các điều kiện đáp ứng được nhu cầu tối thiểu đồng thời cấp đất nông, lâm nghiệp cho các hộ dân.
Nhiều người dân xã Hương Quang (Huyện Vũ Quang, Hà Tĩnh) không chịu bàn giao đất và đến nơi ở mới vì lý do khu TĐC không đảm bảo cuộc sống
Tuy nhiên, sau nhiều năm triển khai, công tác di dân vẫn là một mớ rối bời với nhiều đơn thư phản ánh, khiếu nại, bức xúc… rất nhiều hộ dân thuộc diện tự TĐC nhưng vẫn kiên quyết không bàn giao đất. Bởi theo họ, khu TĐC Khe Ná, Khe Gỗ được tạo lập trong rừng sâu, bám theo hai bờ Khe Ná - Khe Gỗ với độ dốc trên 45 độ; không đủ điều kiện để sinh sống, không có nguồn nước sinh hoạt. Và quan trọng nhất là dân không có tư liệu sản xuất, khi bao xung quanh khu hạ tầng này là rừng phòng hộ và đất rừng thuộc Vườn quốc gia (VQG) Vũ Quang. Nếu đến đây, vì mưu sinh, người dân sẽ buộc phải chặt phá rừng.
Với những lý do trên, hàng chục hộ dân đã có đơn gửi UBND xã Hương Điền, từ chối vào khu TĐC. Tuy nhiên, theo họ, chính quyền sở tại đã từ chối không tiếp nhận đơn của người dân.
Chị Phạm Thị Hà (thôn Đăng, xã Hương Điền) nói: “Ngày 14/5/2013, tôi mang đơn từ chối vào khu TĐC đến nộp tại UBND xã, nhưng xã không nhận, cũng không giải thích. Hai ngày sau, họ gửi cho chúng tôi mẫu đơn “Bản trình bày và cam kết không vào khu TĐC” do xã soạn, với nội dung người dân phải thừa nhận là khu TĐC được xây dựng đảm bảo chất lượng, và lý do không vào khu TĐC là do nhu cầu thực tế riêng của mỗi gia đình. Điều này khác hẳn với lý do đơn từ chối của chúng tôi. Chúng tôi từ chối vì chất lượng khu TĐC không đảm bảo, dân không có tư liệu sản xuất!”.
Ngoài gia đình chị Hà, rất nhiều hộ dân khác như hộ Lê Thanh Hùng, Nguyễn Sỹ Văn; Lê Quốc Huân, Trần Minh Phong, Nguyễn Thị Nhiệm, Nguyễn Văn Đào, Nguyễn Văn Trường cùng trú tại thôn Đăng, xã Hương Điền cùng có đơn từ chối vào khu tái định cư Khe Ná - Khe Gỗ.
Nhiều năm sống hoang mang
UBND huyện Vũ Quang được giao nhiệm vụ thực hiện công tác thu hồi, đền bù, GPMB và di dân tái định cư. Khi dự án được ký quyết định phê duyệt, năm 2006, chính quyền huyện Vũ Quang đã tiến hành quay phim, chụp ảnh để ghi lại hiện trạng đất ở, đất canh tác… của các hộ dân nằm trong diện thu hồi thuộc hai xã Hương Quang, Hương Điền. Đây là cơ sở để thực hiện công tác kiểm đếm, đo đạc đất ở và tài sản trên đất khi tiến hành thu hồi, đền bù.
Tuy nhiên, bốn năm sau (năm 2010), việc kiểm đếm mới được thực hiện. Trước đó, ngày 20/11/2006, UBND tỉnh Hà Tĩnh đã ban hành Chỉ thị số 32 về việc đình chỉ xây dựng, cơi nới các công trình, nhà cửa, vật kiến trúc và trồng cây lâu năm thuộc quy hoạch lòng hồ và khu tái định cư Dự án thủy lợi Ngàn Trươi - Cẩm Trang. “Cả một quãng thời gian rất dài như vậy, người dân chúng tôi bức bách về điều kiện sống, muốn xây dựng thêm chuồng trại để chăn nuôi, tăng gia kinh tế cũng không dám làm. Ngay như việc dựng vợ gả chồng cho con cái, việc chia tách hộ, tách khẩu… cũng xảy ra rất nhiều phiền toái…” - anh Trần Minh Phong, người dân xóm Đăng (xã Hương Điền) bức xúc.
Căn cứ theo Chỉ thị 32, BQL dự án TĐC và GPMB huyện Vũ Quang đã lập phương án đền bù tài sản, hoa màu trên đất, áp giá đất đền bù đối với các loại đất ở, đất vườn, đất sản xuất nông nghiệp, đất rừng… đối với các hộ thuộc diện bị thu hồi. Theo đó, những cây dài ngày trong độ tuổi dưới 4 năm, hoặc đường kính thân tùy thuộc từng loại cây bị xếp vào nhóm không được đền bù; nhiều công trình nhà ở kiên cố của người dân, khi chính quyền tiến hành kiểm kê, người dân được hướng dẫn phải viết đơn xác nhận đó là “nhà tạm”…
Việc ban hành Chỉ thị cấm người dân cơi nới và thời hạn kiểm kê, đo đạc chốt danh sách đền bù kéo dài đã khiến hàng trăm hộ dân hoang mang. Hàng ngàn người dân luôn ở trong tình trạng bị động, không biết bao giờ mới đến thời hạn về nơi ở mới, do đó, rất nhiều hộ dân không dám đầu tư phát triển kinh tế, vì nếu họ đầu tư sẽ không được đền bù khi Nhà nước thu hồi. Tuy nhiên, nếu không đầu tư sản xuất, chăn nuôi, kinh tế hộ gia đình sẽ ngưng trệ, không phát triển được.
Chia sẻ điều này, ông Nguyễn Đình Đức - PCT UBND huyện Vũ Quang, thừa nhận: “Thời hạn kiểm đếm kéo dài so với Chỉ thị đình chỉ xây dựng, cơi nới… của tỉnh đã khiến đời sống kinh tế các hộ dân gặp nhiều khó khăn, và cũng gây khó khăn đối với BQL dự án. Trong thời gian từ năm 2006 đến nay, riêng xã Hương Quang đã có thêm 93 hộ xây dựng gia đình và tách hộ. Không chỉ khó khăn cho việc quản lý nhân khẩu, việc kiểm kê, kiểm đếm… để thực hiện công tác đền bù cũng phát sinh nhiều vấn đề”.
Hiện tại, những hộ dân thuộc diện di dân tập trung (tại 2 khu TĐC Khe Ná - Khe Gỗ, Hói Trung) vẫn chưa đồng tình với mức giá đền bù nên chưa bàn giao đất. Nhiều hộ dân thuộc diện tự di cư đã nhận tiền đền bù nhưng không chịu di dời, tiếp tục khiếu kiện chính quyền sở tại về mức áp giá đền bù, quy trình thu hồi đất vi phạm pháp luật.
Người dân viết đơn từ chối vào khu TĐC là có thật, tuy nhiên không có chuyện xã từ chối nhận đơn. Việc xã ban hành mẫu đơn đối với các hộ không vào khu TĐC là để thống nhất các nội dung để xã báo cáo lên BQL dự án”. Ông Trần Việt Hà - Chủ tịch UBND xã Hương Điền |