Dân thờ ơ đổi xe máy cũ lấy xe mới, vì sao?

Sự kiện: Tin ngắn

Các tiêu chí để tham gia chương trình đổi xe như hiện nay chưa thực sự phù hợp với thực tế, dẫn đến việc người dân chưa mặn mà.

Sở TN&MT, Sở GTVT Hà Nội vừa phối hợp với Hiệp hội Các nhà sản xuất xe máy Việt Nam (VAMM) triển khai chương trình thí điểm đo kiểm khí thải xe mô tô, đổi xe gắn máy cũ lấy xe mới đang lưu hành trên địa bàn Thủ đô.

Tuy nhiên, sau một tháng, số người đến đổi rất ít.

Khách hàng đến kiểm tra khí thải và nghe nhân viên tại một đại lý hãng Honda tư vấn về chương trình đổi xe máy cũ lấy xe mới

Khách hàng đến kiểm tra khí thải và nghe nhân viên tại một đại lý hãng Honda tư vấn về chương trình đổi xe máy cũ lấy xe mới

Chưa mặn mà vì quy định quá chặt chẽ

Ghi nhận của PV Báo Giao thông, tại các đại lý, có rất ít khách hàng đến đo khí thải xe máy miễn phí và đổi xe máy cũ lấy xe máy mới.

Lãnh đạo một đại lý của hãng Honda trên đường Trần Phú (quận Hà Đông) cho biết, cả tháng qua có rất đông khách hàng đến để thực hiện mua bán và bảo dưỡng xe, song chỉ có khoảng 30 người kiểm tra, đo khí thải.

Đáng nói, có 4 khách hàng mang xe máy rất cũ (sản xuất từ năm 2004, 2006, 2007), khi kiểm tra nồng độ khí thải đều vượt mức cho phép.

Tiến hành khởi động xe, ống pô xả ra khói đen xì nhưng các xe này đều chưa được phép đổi bởi theo quy định của thành phố phải là xe máy đời từ năm 2002 đổ về.

Anh Vũ Mạnh Tuấn (trú phố Hàng Điếu, quận Hoàn Kiếm) chia sẻ, khi anh mang chiếc Honda Wave đời 2002 đến đại lý Kường Ngân 1 để đổi lấy xe mới, đại lý lại cho biết, do xe mua bán trao tay nên dù có nhu cầu đổi xe cũ lấy xe mới cũng không được chấp nhận.

“Ban đầu tôi cũng hào hứng, khi nghe thông tin về chương trình đã cầm theo số tiền 18 triệu góp nhặt được để đổi xe mới, nhưng không để ý đến việc bắt buộc phải là xe chính chủ. Nếu đổi xe cũ lấy xe mới mà yêu cầu như vậy rất khó khả thi, những xe đời sâu thì yêu cầu chính chủ rất khó”, anh Tuấn nói.

Mang chiếc xe thuộc hãng Yamaha được mua năm 2005 qua đại lý Yamaha Town Cầu Giấy để kiểm tra khí thải, anh Nguyễn Hữu Tuấn nhận được thông báo về chỉ số nồng độ khí thải vượt mức cho phép.

Chiếc xe được anh dùng 16 năm qua, hiện đã rất cũ. Dù có biết về chương trình hỗ trợ 2 - 4 triệu đồng để đổi xe cũ lấy xe mới, anh đã tham khảo nhưng thấy không đủ điều kiện do không phải xe sản xuất trước năm 2002.

Anh Tuấn cũng cho rằng, ngay cả khi được hỗ trợ, số tiền còn lại mà anh phải bỏ ra vẫn quá lớn để sở hữu chiếc xe mới. Vì thế, anh sẽ bỏ thêm vài triệu đồng để tân trang lại chiếc xe đang dùng để tiếp tục sử dụng.

Tại một cửa hàng trên phố Trần Xuân Soạn chuyên về xe máy của hãng Piaggio, quản lý ở đây cho biết, từ khi bắt đầu chương trình, có ít rất khách đến đo khí thải và không có khách nào đến tham gia đổi xe máy cũ.

Theo vị này, các tiêu chí để tham gia chương trình đổi xe như hiện nay chưa thực sự phù hợp với thực tế, dẫn đến việc người dân chưa mặn mà.

Cũng theo khảo sát của PV và phản ánh của một số hãng xe tham gia chương trình, các cửa hàng không được hỗ trợ gì, mà thợ thì lại thêm việc. Vì thế, ngay các cửa hàng tham gia chương trình cũng không mặn mà.

“Số tiền hỗ trợ hiện nay chỉ 2 - 4 triệu đồng/xe. Thủ tục để đổi xe cũng khá phức tạp, khách phải kê thông tin lên Cục CSGT rồi lấy thu hồi đăng ký… Nhiều người cho rằng, giá trị của chiếc xe khi bán ở bên ngoài có thể cao hơn số tiền hỗ trợ nên họ lựa chọn đem bán ở nơi khác vừa được giá, vừa đỡ mất thời gian”, đại diện một đại lý xe máy nói.

Cần thay đổi tiêu chí để thu hút người dân

Khẳng định chương trình đo khí thải, đổi xe máy cũ lấy xe mới là hướng đi đúng, giúp cải thiện tình trạng ô nhiễm môi trường cũng như đảm bảo an toàn cho người tham gia giao thông, song chuyên gia giao thông, TS. Nguyễn Hữu Đức cũng cho rằng, các tiêu chí mà Sở TN&MT Hà Nội đưa ra rất khó thu hút người dân.

“Chương trình hiện nay mới dừng ở mức thí điểm, nên cần thay đổi các tiêu chí để phù hợp với thực tế. Từ thí điểm lần này, các cơ quan chức năng cần nới lỏng các tiêu chí tham gia, nâng mức hỗ trợ, vì số tiền 2 - 4 triệu đồng như hiện nay còn quá thấp”, TS. Đức nói.

Nói về nguy cơ mất ATGT và ô nhiễm môi trường do các phương tiện quá hạn kiểm định và hết niên hạn gây ra, Ths. Hoàng Xuân Thảo, Phòng Kiểm định xe cơ giới - Cục Đăng kiểm VN dẫn chứng: “Không khó để bắt gặp những chiếc xe máy cũ nát được tận dụng để chở đá lạnh, rác, gia cầm… nhất là ở các tuyến đường có ít lực lượng chức năng tuần tra kiểm soát. Nguy hiểm hơn, có những trường hợp xe hết niên hạn sử dụng được “chế” lại để làm phương tiện đưa đón học sinh đã bị cơ quan chức năng phát hiện, xử lý trong thời gian qua”.

Theo ông Nguyễn Minh Mười, Phó giám đốc Sở TN&MT Hà Nội, hoạt động của xe gắn máy, xe cơ giới góp phần lớn phát thải gây ô nhiễm môi trường. Thống kê đến hết quý I/2019, Hà Nội có 5,7 triệu xe máy, trong đó hơn 2 triệu xe cũ.

“Để kiểm soát nguồn gây ô nhiễm không khí từ phương tiện giao thông cần ban hành quy định đối với xe máy. Kế hoạch thí điểm đo kiểm khí thải xe máy là cơ sở thực tiễn để đề xuất chính sách, giải pháp kiểm soát khí thải, thu hồi xe máy cũ của TP Hà Nội”, ông Mười nói và cho biết, trong quá trình thực hiện thí điểm sẽ phối hợp với các sở, ngành, cơ quan đơn vị để đề xuất với thành phố những vấn đề vướng mắc.

Chương trình đo kiểm khí thải xe mô tô, xe gắn máy cũ đang lưu hành được TP Hà Nội cho phép các sở, ngành thực hiện thí điểm nhằm đánh giá hiện trạng phát thải của xe mô tô, xe gắn máy cũ đang lưu hành, thực thi các giải pháp cải thiện chất lượng không khí và quản lý giao thông hiệu quả.

Chương trình bao gồm các hoạt động như: Đo kiểm khí thải, thí điểm tiếp nhận xe mô tô, xe gắn máy cũ mà người dân thải bỏ và hỗ trợ chuyển đổi sang xe máy mới, khảo sát ý kiến người dân về tác động của chính sách kiểm soát khí thải xe máy…

Hà Nội có 24 điểm hỗ trợ, tư vấn người dân chuyển đổi xe máy cũ

24 điểm tư vấn, hỗ trợ người dân chuyển đổi xe máy cũ thải bỏ được bố trí tại 11 quận, huyện, thị xã trên địa...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Nhóm phóng viên ([Tên nguồn])
Tin ngắn Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN