Dân sẽ đi lại bằng một mã QR
Hiện có 7 nền tảng công nghệ phục vụ phòng, chống dịch Covid-19 đã được áp dụng, nhưng người dân vẫn phải khai báo thủ công khi đi lại...
7 nền tảng công nghệ phục vụ phòng, chống dịch Covid-19 đã được vận hành, bước đầu đem lại những hiệu quả nhất định. Tuy nhiên, người dân vẫn phải khai báo thủ công, trình kết quả xét nghiệm hay giấy chứng nhận tiêm phòng Covid-19 khi đi lại...
Làm thế nào để đồng bộ dữ liệu, tích hợp các nền tảng, áp dụng trên toàn quốc để tiến tới mỗi người chỉ cần cài đặt một ứng dụng duy nhất thay vì nhiều ứng dụng như hiện nay?
Tới nay, có 7 nền tảng công nghệ phục vụ phòng, chống dịch Covid-19 đã được vận hành, bước đầu đem lại những hiệu quả nhất định (Trong ảnh: Người dân quét mã QR Code khai báo y tế khi qua chốt bảo vệ vùng xanh tại xã Song Phượng, huyện Đan Phượng, Hà Nội). Ảnh: Tạ Hải
Chậm cập nhật dữ liệu quản lý online vì đâu?
Mặc dù đã hoàn thành tiêm mũi thứ 2 vaccine phòng Covid-19 tại BV Bạch Mai từ 12/7 song tới nay, chị H.V (Hai Bà Trưng, Hà Nội) vẫn chưa được cấp giấy chứng nhận tiêm chủng.
“Khi tiêm xong mũi 2, nhân viên bệnh viện cho biết sẽ gửi giấy chứng nhận về cơ quan. Nhưng tới nay, tôi chưa nhận được, tra cứu trên ứng dụng quản lý tiêm vaccine, vẫn cho kết quả chưa tiêm!”, chị V. băn khoăn.
Theo tìm hiểu, đầu tháng 8, BV Bạch Mai đã sử dụng phần mềm quản lý tiêm chủng Sổ sức khoẻ điện tử, song tới nay vẫn chưa thể triển khai đồng bộ.
“Khi bắt tay vào mới thấy nhiều rắc rối, đặc biệt tăng thêm nhiều thao tác cho các bộ phận phối hợp trên hệ thống”, một cán bộ của BV nói và chia sẻ, đã kiến nghị nhưng tới nay vẫn chưa được sửa đổi.
Trong khi đó, một số địa phương lại triển khai rất nhanh việc đồng bộ dữ liệu trên nền tảng tiêm chủng quốc gia. Đơn cử tại Quảng Ninh, ông Vũ Quyết Thắng, Phó giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng (CDC tỉnh Quảng Ninh) cho biết, đã cơ bản hoàn thành việc cập nhật Sổ sức khỏe điện tử, tới cuối năm 2021 sẽ cố gắng hoàn thành chiến dịch tiêm vaccine Covid-19 trên diện rộng.
Theo ông Thắng, Quảng Ninh làm nhanh được là do chuẩn bị tốt về nguồn nhân lực. Tỉnh đào tạo, tập huấn kỹ lưỡng cho đội ngũ cán bộ y tế ở xã, phường nên đến khi áp dụng phần mềm tiêm vaccine Covid-19, lực lượng này có thể triển khai ngay được theo quy trình “4 bước”.
Chỉ cần đăng nhập bằng mã bảo hiểm y tế trên ứng dụng Sổ sức khỏe điện tử hoặc cổng thông tin tiemchungcovid19.gov.vn, người dân Quảng Ninh có thể đăng ký tiêm chủng và tra cứu chứng nhận ngừa Covid-19...
Đặc biệt, 100% các cơ sở y tế của Quảng Ninh sử dụng phần mềm quản lý khám chữa bệnh đã liên thông với Sổ sức khỏe điện tử, do đó các dữ liệu được cập nhật ngay sau khi kết thúc quá trình khám chữa bệnh...
Trong những ngày qua, số ca F0 trong cộng đồng tại Hà Nội đang đi ngang và có dấu hiệu giảm xuống. Đây là một tín hiệu đáng mừng, là thành quả của lực lượng tuyến đầu phòng, chống dịch bệnh, sự tuân thủ của các tầng lớp nhân dân và sự vào cuộc quyết liệt, có hiệu quả của hệ thống chính quyền. Trong đó, công nghệ đang góp phần trở thành “lá chắn” không thể thiếu, hình thành những “nền tảng quốc dân”. Ông Đỗ Lập Hiển, Phó giám đốc Trung tâm Chính phủ điện tử |
Theo thống kê của Bộ Y tế tới ngày 15/8, hơn 14,6 triệu liều vaccine Covid-19 đã được tiêm trên cả nước. Tuy nhiên, hiện nền tảng tiêm chủng vaccine phòng Covid-19 mới ghi nhận một nửa dữ liệu.
Lý giải về việc này, ông Nguyễn Trường Nam, Phó cục trưởng Cục Công nghệ thông tin, Bộ Y tế cho hay, nền tảng tiêm chủng vaccine phòng Covid-19 mới hoạt động từ 12/7, trong khi việc tiêm vaccine đã được thực hiện trước đó.
Do vậy, nhiều người dù đã được tiêm nhưng không tìm được thông tin trên cổng thông tin tiêm chủng hay ứng dụng Sổ sức khỏe điện tử.
Bên cạnh đó, vẫn còn nhiều cơ sở tiêm chưa hoàn toàn sử dụng phần mềm quản lý nên dữ liệu tiêm chưa được cập nhật trên hệ thống.
Ông Nam cũng cho biết, trong tháng 8, Bộ Y tế sẽ đưa vào vận hành hệ thống cấp chứng nhận tiêm vaccine phòng Covid-19 điện tử. Đây được coi là “tấm vé thông hành” cho người dân.
Theo đó, sau khi hoàn thành 2 mũi tiêm, người dân có thể tải ứng dụng trên điện thoại thông minh hoặc truy cập vào website: chungnhanvacxin.vn, điền thông tin theo hướng dẫn đăng ký cấp chứng nhận tiêm vaccine Covid-19.
“Khi thông tin đã được hệ thống xác nhận, người dân sẽ nhận về 1 mã QR ẩn chứa mã hoá chữ ký số của cơ quan phê duyệt cấp chứng nhận. Mã QR này cũng được xây dựng theo tiêu chuẩn của WHO và Liên minh châu Âu. Hiện, Việt Nam đang đàm phán để các nước thừa nhận chữ ký số trên chứng nhận tiêm chủng này”, ông Nam cho hay.
Chính quyền địa phương có vai trò quyết định
Hệ thống quản lý tiêm chủng Covid-19 quốc gia, kiểm soát ra/vào bằng mã QR và quản lý xét nghiệm là 3 nền tảng mới đây được Bộ TT&TT đề nghị các địa phương bắt buộc sử dụng dùng chung trên toàn quốc phục vụ phòng chống dịch.
Trao đổi với Báo Giao thông, ông Đỗ Công Anh, Cục trưởng Cục Tin học hóa, Bộ TT&TT nhận định, trong đợt dịch thứ 4 này, nền tảng hỗ trợ truy vết của Trung tâm Công nghệ phòng, chống dịch Covid-19 Quốc gia đã hỗ trợ rất hiệu quả cho đội ngũ Y tế trong công tác truy vết.
Tham gia chống dịch, các tập đoàn và công ty công nghệ của cả nước mỗi đơn vị nhận một nhiệm vụ khác nhau. Sau hơn một năm chúng ta có được những giải pháp đơn lẻ. Và nay chúng tôi được giao nhiệm vụ để thiết kế ra một hệ thống tổng thể kết nối tất cả những giải pháp đơn lẻ đó với nhau. Một trong những công việc lớn nhất chúng tôi đang thực hiện là phân tích dữ liệu do nhiều đơn vị cung cấp, để có dữ liệu tập trung, từ đó phân tích xu hướng của dịch. Cũng như đánh trận, phải biết “địch” đang ở đâu, đang như thế nào, trên cơ sở đó chúng ta mới xây dựng chiến lược dập dịch, khoanh vùng hiệu quả. Và rất vui vì hiện nay việc cấu trúc tất cả các hệ thống đang được thực hiện tốt. Ông Nguyễn Tử Quảng, CEO BKAV |
“Từ đầu đợt dịch tính đến nay, trung tâm đã phối hợp cùng các địa phương thực hiện truy vết gần 4.800 ca nhiễm/nghi nhiễm; 53.000 ca có liên quan; hơn 1.200 trường hợp F0, đặc biệt là rất nhiều F0 bỏ trốn”, ông Công Anh nói.
Vị này dẫn chứng, trong ổ dịch được phát hiện tại Công ty thực phẩm Thanh Nga, chỉ sau 1 giờ truy vết, nền tảng đã giúp tìm ra hơn 5.500 người đến các cửa hàng, siêu thị có liên quan, giúp cho việc khoanh vùng, cách ly được thực hiện nhanh chóng, chính xác.
Theo số liệu cập nhật từ Sở Y tế Hà Nội, qua giám sát 13.579 trường hợp ho, sốt, từ các ứng dụng Bluezone, tokhaiyte cung cấp, thành phố đã ghi nhận 95 trường hợp dương tính với Covid-19. Tổng số F0 phát hiện được từ hoạt động giám sát người có triệu chứng nghi ngờ chiếm 40% số ca mắc ghi nhận của toàn Hà Nội.
Hiệu quả là vậy, song thực tế nhiều địa phương vẫn chưa yêu cầu bắt buộc sử dụng các ứng dụng công nghệ trong truy vết, khai báo y tế; thay vào đó việc kiểm soát thủ công, kê khai bằng giấy vẫn diễn ra.
“Các nền tảng công nghệ sẽ chỉ phát huy hiệu quả khi có nhiều người dùng. Chính vì vậy, sự quyết tâm của chính quyền địa phương ở các cấp trong việc triển khai các nền tảng đóng vai trò quyết định. Nếu tất cả mọi người dân đều tuân thủ nghiêm túc việc quét mã QR khi tới các địa điểm công cộng và nơi tụ tập đông người, thì khi có ca lây nhiễm, cơ quan chức năng sẽ có một cơ sở dữ liệu đủ lớn để giúp cho việc truy vết, khoanh vùng nhanh chóng và chính xác, giảm thiểu được tối đa nguy cơ lây nhiễm lan ra cộng đồng”, ông Công Anh phân tích.
Mỗi người dân chỉ cần cài 1 ứng dụng phòng dịch
Tới đây, mỗi người dân chỉ cần cài đặt một ứng dụng duy nhất có sẵn mã QR, có thể tích hợp toàn bộ thông tin phục vụ phòng dịch, từ thông tin sức khỏe đến lịch sử tiếp xúc, kết quả xét nghiệm đến lịch sử tiêm vaccine... (Trong ảnh: Người dân quét mã QR tại Khu liên cơ Võ Chí Công, Hà Nội). Ảnh: Tạ Hải
Tới nay, 7 nền tảng công nghệ phục vụ hoạt động phòng chống dịch Covid-19 đã được vận hành, điều phối bởi Trung tâm Công nghệ phòng, chống dịch Covid-19 Quốc gia bao gồm: Nền tảng xét nghiệm; Truy vết; Kiểm soát ra/vào bằng QR Code; Khai báo y tế và phản ánh ý kiến; Giám sát nguy cơ dịch bệnh; Cách ly; Quản lý tiêm vaccine.
Theo ông Công Anh, thời gian tới, để phát huy hiệu quả công nghệ trong phòng chống dịch Covid-19, các nền tảng cần được tiếp tục hoàn thiện nhằm đáp ứng nhu cầu sử dụng ở quy mô toàn quốc, đặc biệt là vấn đề đồng bộ dữ liệu từ các ứng dụng khác nhau.
Liên quan tới vấn đề trên, ông Nguyễn Tử Quảng, CEO BKAV, kiến trúc sư trưởng Hệ thống Công nghệ phòng, chống dịch Covid-19 Quốc gia cho biết, mục tiêu của Trung tâm Công nghệ phòng, chống dịch Covid-19 Quốc gia là để tới đây mỗi người dân chỉ cần cài đặt một ứng dụng duy nhất thay vì nhiều ứng dụng khác nhau.
Theo đó, trên ứng dụng này có sẵn mã QR, có thể tích hợp toàn bộ thông tin phục vụ phòng dịch, từ thông tin sức khoẻ đến lịch sử tiếp xúc, kết quả xét nghiệm đến lịch sử tiêm vaccine...
“Quá trình di chuyển, làm việc, người dân thay vì phải khai báo thủ công hay trình giấy chứng nhận kết quả xét nghiệm, tiêm vaccine… thì chỉ cần chìa ra mã QR này. Các cơ quan, đơn vị kiểm soát phòng dịch chỉ cần quét mã là nhận đủ thông tin cần thiết, chính xác và rất nhanh chóng, tiện lợi, hạn chế tối đa thời gian, khoảng cách tiếp xúc”, ông Quảng cho biết.
Về công tác quản lý, theo ông Quảng, các nền tảng công nghệ này sẽ giúp tiết kiệm công sức cho lực lượng chức năng, góp phần nâng cao hiệu quả phòng dịch. Ví dụ, như với nền tảng truy vết, khi có một ca F0, trên hệ thống sẽ tự động tìm ra được những người tiếp xúc, các mốc dịch tễ nơi người bệnh đã từng đến và những người ở đó cùng một thời điểm với người bệnh.
Toàn bộ thông tin này ngay lập tức được đưa lên hệ thống, tự động chuyển tới những trung tâm điều phối của các địa phương thay vì chờ gọi điện hoặc gửi thông báo. Đồng thời, truyền ngay tới đầu mối chống dịch các cấp phục vụ truy vết, khoanh vùng, cách ly y tế…
Và các nền tảng còn lại cũng vận hành tự động, theo cách thức tương tự, đồng thời kết nối với nhau qua Hệ thống Công nghệ phòng, chống dịch Covid-19 Quốc gia để hình thành một kho dữ liệu tập trung, giúp các bộ ngành, địa phương nhanh chóng ra các quyết định phòng dịch phù hợp như cảnh báo, truy vết, điều phối phân bổ vaccine, quản lý kết quả xét nghiệm, cách ly…
Trong khi đó, một thành viên của Trung tâm Công nghệ phòng, chống dịch Covid-19 Quốc gia cho biết, về kỹ thuật, công nghệ, hiện hệ thống đã sẵn sàng (7 nền tảng kết nối đã xong). Vấn đề chỉ nằm ở các cá nhân người dùng (có tải phần mềm về dùng không) và các địa phương (có kết nối với hệ thống này hay không).
Tối 17/8, Bộ Y tế công bố 9.595 ca mắc COVID-19 trong nước, riêng TP. HCM có 3.559 ca, Bình Dương có 3.332 ca.
Nguồn: [Link nguồn]