Dẫn nước sông Hồng 'tẩy rửa' sông Nhuệ
Dự án xây dựng cụm công trình đầu mối Liên Mạc, quận Bắc Từ Liêm (giai đoạn 1) với tổng mức đầu tư hơn 4.000 tỷ đồng được kỳ vọng dẫn nước sông Hồng để làm sạch sông Nhuệ, phục vụ tưới tiêu sản xuất nông nghiệp kết hợp thoát nước đô thị...
Dự án đa mục tiêu
HĐND TP Hà Nội vừa thông qua chủ trương Dự án xây dựng cụm công trình đầu mối Liên Mạc, quận Bắc Từ Liêm (giai đoạn 1). Công trình sẽ giúp lấy nước từ sông Hồng vào sông Nhuệ với lưu lượng 70 m3/s, cấp nước tưới tiêu kết hợp giảm thiểu ô nhiễm môi trường sông Nhuệ và các sông thuộc nội thành Hà Nội.
Đại diện Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội cho biết, dự án vừa được HĐND TP Hà Nội thông qua chủ trương đầu tư. Sau khi có Nghị quyết của HĐND TP, UBND TP sẽ ban hành quyết định giao cho Ban quản lý Đầu tư xây dựng công trình hạ tầng và kỹ thuật nông nghiệp TP Hà Nội làm chủ đầu tư để lập dự án.
Nhiều khu vực trên sông Nhuệ luôn trong tình trạng ô nhiễm nghiêm trọng
Theo vị này, dự án thuộc lĩnh vực thủy lợi nên mục tiêu hàng đầu không phải là xử lý làm sạch nước sông Nhuệ mà để phục vụ tưới tiêu sản xuất nông nghiệp kết hợp tiêu thoát nước đô thị, là một bước góp phần hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật nông thôn và đô thị cho thành phố. Dự án vừa có tính chất là công trình phòng chống lụt bão để chủ động với biến đổi khí hậu, vừa có vai trò cải thiện môi trường, mang lại lợi ích về mặt kinh tế xã hội.
Theo kết quả quan trắc được Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) công bố tháng 8/2020, sông Nhuệ đoạn chảy qua Hà Nội có 7 điểm cho chỉ số chất lượng nước (WQI) ở mức 10-25, tức ô nhiễm nặng đến rất nặng. Hai điểm cầu Tó (Thanh Trì) và Cự Đà (Tả Thanh Oai) ô nhiễm nặng nhất với chỉ số là 10.
Được biết, năm 2013 dự án xây dựng cụm công trình đầu mối Liên Mạc (giai đoạn 1) với tổng mức đầu tư hơn 4.200 tỷ đồng đã được phê duyệt thực hiện theo hình thức BT. Tuy nhiên, đến 14/9/2023, UBND TP Hà Nội đã có quyết định chấm dứt thực hiện đề xuất xây dựng dự án này.
Phải kiểm soát nước thải đầu nguồn
Sông Nhuệ là một trong những con sông ô nhiễm nhất Hà Nội nên việc "hồi sinh dòng sông chết" được dư luận đặc biệt quan tâm. Ông Nguyễn Quang Huân, ĐBQH khóa XV, Phó Chủ tịch Hội Nước sạch và Môi trường Việt Nam cho rằng, ngoài tính chất tích cực của hoạt động tiêu thoát đô thị, cần xem xét việc cải tạo nguồn nước sông Nhuệ có hiệu quả hay không. Ông Huân cho rằng: nếu dẫn nước sông Hồng vào sông Nhuệ chắc chắn sẽ làm thay đổi dòng chảy của sông. Hơn nữa, nước sông Nhuệ có nhiều hóa chất, kim loại nặng. Để pha loãng nước ô nhiễm thì phải có tỷ lệ cụ thể. Nếu chưa có đánh giá được trữ lượng nước của sông Nhuệ, nồng độ ô nhiễm thì khi thau rửa có khi lại làm vùng hạ lưu, cửa biển ô nhiễm nặng hơn. Do đó, rất cần sự vào cuộc của nhà khoa học, nhà xã hội học, môi trường.
Theo ông Huân, vấn đề cần tính toán là lưu lượng nước của sông Hồng mùa cạn có đủ để dẫn sang sông Nhuệ không và phục vụ các mục tiêu khác hay không. Thông thường, sông Hồng sẽ cấp nước sinh hoạt cho hạ nguồn, dùng để di chuyển cho tàu thuyền, thủy lợi. Nếu mực nước sông Hồng tới hạn (căng thẳng về nước), tức khai thác nước đạt tới 40% tổng lưu lượng nước tại thời điểm đó là căng thẳng. Ngân hàng thế giới đã tính, mức khai thác đạt 20-30% tổng lưu lượng nước trong một thời điểm đã là báo động.
Theo ông Huân, phải quản lý tốt khâu xử lý nước thải từ đầu nguồn. Theo đó, thành phố cần thu gom nước thải hai bên bờ sông do sinh hoạt sản xuất thải ra. Đồng thời, xử lý chặt đứt nguồn thải để không còn nước thải không đạt tiêu chuẩn đổ ra sông Nhuệ. Thành phố cũng cần tiến hành nạo vét sông Nhuệ. Những chất bẩn, bùn bẩn thì được mang đi xử lý đúng quy định. Nếu không xử lý được vấn đề này, thì việc dẫn nước từ sông Hồng vào sông Nhuệ chẳng khác gì việc vận chuyển cục bộ ô nhiễm từ khu vực này sang khu vực khác.
GS.TS Đào Trọng Tứ, Trưởng ban điều hành Mạng lưới sông ngòi Việt Nam cho rằng, hiện nay chúng ta phát triển hệ thống công trình trên hệ thống trên sông Hồng là rất lớn, cả ở phía Trung Quốc và Việt Nam. Việc lấy nước thường xuyên ở sông Hồng vào sông Nhuệ thì có thể làm được nhưng phải tính sẽ lấy nước ở đoạn nào. Hơn nữa, để bảo đảm cho nước sông Nhuệ sạch thì tỷ lệ nước pha loãng là rất lớn. Mỗi ngày cần cả triệu m3 nước sông Hồng thì mới có thể pha loãng được.
Hà Nội dự kiến lắp 8 trạm bơm dã chiến để bơm nước bổ cập nhằm cải thiện tình trạng ô nhiễm tại sông Tô Lịch và sông Nhuệ…
Nguồn: [Link nguồn]