Dân mong QH bỏ phiếu tín nhiệm thực chất
Kỳ họp thứ năm, Quốc hội khoá XIII - kỳ họp khởi đầu hoạt động đánh giá tín nhiệm các chức danh chủ chốt do Quốc hội bầu, phê chuẩn khai mạc ngày 20/5 tại Thủ đô Hà Nội.
Chuẩn bị cho kỳ họp thứ năm Quốc hội khóa XIII, Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phối hợp với Ủy ban thường vụ Quốc hội tổng hợp được 1.724 ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân cả nước gửi tới Quốc hội.
Cử tri cả nước tập trung kiến nghị một số nội dung trọng tâm như lấy ý kiến nhân dân vào dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992; bệnh viện vẫn quá tải, dạy thêm còn tràn lan; phòng, chống tham nhũng, lãng phí...
Trong đó, cử tri cả nước cũng hoan nghênh đến việc lấy phiếu tín nhiệm 49 chức danh do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn. Kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XIII là lần đầu tiên Quốc hội làm việc này.
Lấy phiếu tín nhiệm giúp người được lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm thấy được mức độ tín nhiệm của mình để phấn đấu, rèn luyện, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động.
Các đại biểu Quốc hội ấn nút thông qua các Nghị quyết tại kỳ họp thứ 4, QH khóa XIII (Ảnh: Văn phòng QH)
Cử tri kiến nghị các đại biểu Quốc hội nêu cao ý thức trách nhiệm để việc lấy phiếu tín nhiệm được tiến hành thực chất, không hình thức. Góp phần xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo của Nhà nước thực sự có năng lực, đạo đức tốt, liêm khiết, gương mẫu...
Để làm tốt việc này, cử tri kiến nghị Quốc hội cần giám sát; yêu cầu Bộ trưởng, trưởng ngành... nêu cao trách nhiệm trong quản lý ngành, lĩnh vực; giám sát việc thực hiện lời hứa của các thành viên Chính phủ tại các phiên chất vấn của Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội.
Trước đó, tại buổi họp báo chiều 17/5, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc đã giới thiệu về nội dung của Kỳ họp đầu tiên của Quốc hội trong năm 2013. Ông Phúc khẳng định, việc đảm bảo lấy phiếu, bỏ phiếu khách quan và công tâm không chỉ là mong muốn của các Đại biểu Quốc hội mà còn là mong muốn của cử tri cả nước. Vì vậy, cách thức tiến hành và quy trình, thủ tục lấy phiếu, bỏ phiếu tín nhiệm sẽ tuân thủ các quy định tại Nghị quyết 35.
Các chức danh thuộc diện được lấy phiếu tín nhiệm đã gửi giải trình về kết quả công tác, cũng như việc tuân thủ pháp luật, đạo đức, lối sống của mình tới các đại biểu quốc hội 20 ngày trước khi kỳ họp Quốc hội khai mạc.
Đối với những trường hợp có kết quả lấy phiếu tín nhiệm dưới 50%, ông Phúc cho biết, vấn đề này cũng đã được quy định trong Nghị quyết 35 của Quốc hội với các hình thức bỏ phiếu hoặc từ chức. Kết quả lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm cũng sẽ được công khai trước toàn dân.
Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khoá XIII khai mạc ngày 20/5 tại Thủ đô Hà Nội. Từ 8 giờ Quốc hội họp phiên trù bị để thảo luận, thông qua Chương trình kỳ họp và trao đổi về một số vấn đề cần thiết khác. Đúng 9 giờ 00, Quốc hội sẽ họp phiên khai mạc. Dự kiến, sau bài phát biểu khai mạc của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, các cơ quan của Chính phủ, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam sẽ trình bày các báo cáo về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội, ngân sách nhà nước năm 2012 và những tháng đầu năm 2013; Báo cáo giải trình, tiếp thu ý kiến nhân dân và chỉnh lý dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992; Báo cáo kiến nghị cử tri gửi đến kỳ họp... |