Dàn phi cơ mô hình “khủng” bay lượn so tài trên sân bay quân sự ở HN
Các “phi công” điều khiển máy bay thi biểu diễn lộn nhào, vượt 2 dây, và kéo thả hàng.
Ngày 23/4, tại sân bay quân sự Hòa Lạc (Hà Nội), Câu lạc bộ hàng không phía Bắc tổ chức cuộc thi điều khiển bay biểu diễn mô hình hàng không.
Cuộc thi quy tụ nhiều câu lạc bộ bay, người chơi máy bay mô hình từ nhiều tỉnh thành trên cả nước như Hải Phòng, Hà Nội, TP.HCM, Đồng Nai, Thanh Hóa, Nghệ An, Quảng Ninh, Hải Dương…
Trung tá Lại Hoàng Vinh, Phó trưởng Phòng Quân huấn - Nhà trường, Bộ Tham mưu Quân chủng Phòng không không quân, khẳng định buổi tổ chức bay mô hình hàng không là điều kiện thuận lợi để các hội viên câu lạc bộ hàng không trên cả nước kết nối.
"Cuộc thi thể hiện được chức năng giáo dục quốc phòng, khoa học kỹ thuật. Từ đó phát hiện và bồi dưỡng các hội viên có trình độ tốt trong ứng dụng điều khiển máy bay mô hình hàng không, thiết bị bay không người lái sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ khi Đảng và Nhà nước yêu cầu”, Trung tá Lại Hoàng Vinh nói.
Cuộc thi có 3 nội dung: thi biểu diễn lộn nhào, vượt 2 dây, và kéo thả hàng.
Các “phi công” kiểm tra máy bay chuẩn bị tranh tài.
Máy bay thi biểu diễn nhào lộn.
Phần thi vượt 2 dây yêu cầu máy bay phải lượn từ trên cao xuống dưới 2 dây có độ cao chừng 1 mét căng ngang đường băng.
Kéo thả hàng là phần thi khó nhất. Rất nhiều “phi công” đã thất bại trong việc nhấc hàng và di chuyển tới điểm yêu cầu trả hàng và hạ cánh.
Rất nhiều mẫu máy bay mô hình được mang đến cuộc thi. Có mẫu mô phỏng loại máy bay cổ điển, có mẫu mô phỏng phi cơ chiến đấu, hay mô hình máy bay dân dụng.
Phi cơ chiến đấu là mô hình được các “phi công” ưa thích nhất.
Anh Bảo Tháp (CLB RC Biên Hòa) đưa máy bay từ Đồng Nai ra Hà Nội tranh tài. Chiếc máy bay phản lực cỡ nhỏ của anh Bảo Tháp biểu diễn nhào lộn khiến khán giả phấn khích.
Anh Bảo Tháp cho biết, chiếc may bay phản lực này được anh đặt mua từ nước ngoài về rồi tự lắp ráp, tổng trị giá khoảng 180 triệu đồng.
Theo chia sẻ của các thành viên tham gia cuộc thi, giá trị những chiếc máy bay mô hình tùy thuộc vào cấu tạo động cơ, chất liệu thân vỏ, bộ điều khiển… Có những chiếc cỡ nhỏ khoảng 1 triệu đồng nhưng có những chiếc lên đến hàng trăm triệu đồng.
Chiếc OV-10 tỷ lệ 1/3 so với máy bay nguyên bản được anh Nguyễn Đình Thọ và anh Nguyễn Trường Sơn (Hà Nội) chế tạo. Đây là chiếc phi cơ lớn nhất tại cuộc thi năm nay.
Ban tổ chức trao giải cho các thành viên có thành tích xuất sắc nhất cuộc thi.
Nguồn: [Link nguồn]