Đan Mạch: Vườn thú xả thịt hươu cho sư tử ăn
Việc giết con hươu cao cổ làm thức ăn cho sư tử đã làm dấy lên làn sóng phản đối dữ dội của dư luận trong nước và quốc tế.
Ngày 9/2, Vườn thú Copenhagen ở Đan Mạch đã giết một con hươu cao cổ 2 tuổi để làm thức ăn cho sư tử với lý do ngăn chặn việc giao phối cận huyết, bất chấp sự phản ứng của dư luận trong nước và quốc tế.
Người phát ngôn của vườn thú Tobias Bro cho biết chú hươu cao cổ khỏe mạnh Marius đã bị hạ bằng súng vào sáng Chủ nhật, và vườn thú đã mời khách tham quan, trong đó có cả trẻ em tới quan sát quá trình mổ xẻ con thú này.
Số phận của chú hươu Marius đã châm ngòi cho làn sóng phản đối trên mạng và làm dấy lên tranh luận về các điều kiện sống của những con vật trong vườn thú. Trước khi Marius bị giết, hơn 20.000 người đã đăng ký ghi danh vào một đơn kiến nghị trên mạng nhằm cứu lấy cuộc sống cho chú hươu cao cổ.
Chú hươu cao cổ Marius trước khi bị sát hại
Ông Bro cho biết vườn thú đã thực hiện theo đúng khuyến nghị của Hiệp hội Vườn thú và Công viên Hải sinh châu Âu (EAZA) khi giết Marius vì hiện tổ chức này đã có rất nhiều cá thể hươu cao cổ có bộ gen tương tự như Marius.
Ông nói rằng vườn thú cũng đã từ chối đề xuất của các vườn thú khác nhận nuôi Marius cũng như đề nghị từ một cá nhân muốn mua lại chú hươu cao cổ này với giá 680.000 USD.
Ông Bengt Holst, giám đốc khoa học của Vườn thú Copenhagen cho biết họ đã từ chối đề xuất của Công viên Hoang dã Yorkshire ở Anh bởi anh của Marius hiện đang được nuôi ở công viên này, và không gian của công viên có thể được sử dụng cho “một con hươu cao cổ có bộ gen giá trị hơn.”
Công viên Hoang dã Yorkshire cho biết họ đã gọi cho Vườn thú Copenhagen để đưa ra đề xuất vào phút chót nhằm nhận nuôi Marius, và họ đã rất buồn vì đề nghị này bị từ chối, nhưng không đưa ra bình luận nào thêm.
Vườn thú Copenhagen cũng đã từ chối đề xuất của một vườn thú khác ở Thụy Điển vì không phải là thành viên của EAZA và không muốn tuân thủ những tiêu chuẩn nghiêm ngặt của tổ chức này.
Marius trở thành thức ăn cho sư tử trong vườn thú
Ông Holst cho biết vườn thú này không áp dụng các biện pháp triệt sản cho Marius và những con hươu cao cổ trong vườn bởi chúng có thể gây ra nhiều tác dụng phụ lên nội tạng của chúng, và vườn thú coi việc sinh con đẻ cái là một chức năng quan trọng của những con vật này.
Tuy nhiên, cách làm này của vườn thú đã vấp phải sự phản ứng dữ dội của dư luận. Tổ chức bảo vệ quyền động vật Thụy Điển đã kêu gọi mọi người không đến tham quan Vườn thú Copenhagen vì “họ giết động vật khi không còn chỗ nuôi hoặc chúng không có loại gen đặc sắc”.
Bà Elisa Allen, người đại diện tổ chức Hành xử có Đạo đức với Động vật ở Anh cho biết trường hợp của Marius là một tiếng chuông thức tỉnh cho những người vẫn “ảo tưởng rằng vườn thú là nơi cứu vớt động vật chứ không phải nơi cầm tù chúng vì mục đích kiếm tiền.”
Trong tuyên bố của mình, bà Allen khẳng định: “Hươu cao cổ thường không sống được quá lâu trong điều kiện nuôi nhốt, và nếu như Marius không bị sát hại hôm nay, nó có thể trải qua quãng đời ngắn ngủi của mình như một vật trưng bày sống giữa khí hậu lạnh giá, cách xa quê nhà thực sự của nó hàng ngàn cây số.”