Dân liều chặn đường tàu hỏa, luật xử sao?

Mặc dù khi có tàu đến, nhân viên gác trực ra kéo rào chắn, ngăn các phương tiện băng qua đường tàu nhưng nhiều người vẫn băng qua đường sắt, bất chấp sự an nguy.

Sáng 13-4, tàu hỏa mang số hiệu A4835 phải dừng lại đột ngột nhường đường cho xe máy trên đoạn đường giao cắt tại Km+429 quốc lộ 21B, thuộc địa phận quận Hà Đông (Hà Nội).

Chị Phạm Thị Nga, nhân viên trực gác thuộc kíp trực trong thời điểm diễn ra sự việc, kể: Tình huống trên xảy ra vào khoảng 7 giờ 17 phút sáng 13-4.

Chửi mắng nhân viên gác tàu

“Khi đó tàu hỏa chỉ còn cách khoảng 150 m, các nhân viên lập tức ra hiệu cảnh báo cho tàu hỏa dừng lại nhường đường cho các phương tiện kia cho đến khi an toàn” - chị Nga kể. Lúc đó, dòng phương tiện tham gia giao thông không chấp hành hiệu lệnh mà còn dỡ cả rào chắn để băng qua đường. Tại khu vực này tốc độ tàu hỏa rất chậm bởi sắp vào ga nên lái tàu cũng lường trước được sự việc người dân ở đây bất chấp “vượt rào”.

Theo chị Nga, chuyện người dân dỡ cả rào chắn để băng qua đường bất chấp hiệu lệnh là chuyện xảy ra hằng ngày tại đây. “Người dân cố tình đi qua dù có cảnh báo. Thời điểm đó rất nhiều người đèo con nhỏ trên xe máy nhưng họ vẫn bất chấp coi thường tính mạng vượt qua đường” - chị Nga nói.

Một nhân viên khác tại trạm gác trực này là chị Phạm Thị Lan nói rằng việc người dân “vượt rào” vẫn diễn ra thường ngày. Theo chị Lan và một số người dân sinh sống gần trạm thì nhiều lúc tàu sắp đến ga, khi nhân viên kéo rào còn bị người tham gia giao thông buông lời đe dọa, không tiếc lời chửi bới nhân viên.

Dan chan tau hoa o Ha Noi

Tại khu vực này, lái tàu thường chạy chậm bởi sắp vào ga, ý thức người dân kém. Nhiều người biết điều này nên cố tình băng qua đường sắt. Ảnh: PHI HÙNG

Đã từng có người tử vong tại đây…

Trong khi đó, nhiều người dân ở khu vực này khi được hỏi về sự việc hi hữu trên cho biết việc các phương tiện bất chấp nguy hiểm, bất chấp cảnh báo đã quá quen thuộc, không có gì lạ. Cũng vì ý thức người tham gia giao thông quá kém nên khoảng ba năm trước, một nhân viên gác trực buổi đêm đã tử vong tại ga này. Nguyên do là khi có đoàn tàu đi qua, người gác trực ra kéo rào nhưng một tài xế xe tải vẫn cố tình đâm vào rào chắn, hàng rào này bật vào nhân viên gác trực khiến người này trọng thương và tử vong sau đó.

Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, anh Vũ Ngọc Thắng (thuộc Xí nghiệp đầu máy Vinh), là người lái tàu hôm 13-4, cho biết: “Lúc đó tàu chỉ cách gác chắn khoảng 50-60 m nên các thao tác để phanh gấp đoàn tàu được thực hiện rất nhanh. Chúng tôi đã thực hiện chế độ hô đáp quan sát cao độ và kéo còi giật van hãm khẩn. Do vậy tàu đã dừng trước đường ngang chỉ vài mét”.

Theo anh Thắng, rất may là nhân viên gác chắn đã ra hiệu lệnh sớm để lái tàu kịp thời thực hiện các thao tác khẩn, nếu không chắc chắn tàu sẽ đi qua đường ngang đang có hàng chục người và xe máy ở khu vực đường ray…

Theo anh Thắng, bản thân đã lái tàu được 15 năm và đây cũng không phải là lần đầu người lái tàu này phải dừng lại nhường đường cho người dân khi đến điểm giao cắt nói trên. “Ý thức người tham gia giao thông rất kém, đây không phải là lần đầu tiên tôi phải dừng như vậy” - anh Thắng bức xúc.

Cũng trong ngày 14-4, ông Phạm Nguyễn Chiến, Phó Giám đốc Công ty Cổ phần Đường sắt Hà Thái, cho hay đơn vị đang lập báo cáo sự việc trên với Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam. Theo ông Chiến, hiện nay có nhiều điểm ở khu vực Hà Nội, người dân vẫn cố tình vượt rào chắn khi tàu hỏa sắp lao tới. Như vậy nguy cơ tai nạn giao thông rất dễ xảy ra.

Tại Điều 71 Luật Đường sắt 2006 và Điều 25 Luật Giao thông đường bộ 2008 quy định tại đường ngang, cầu chung, quyền ưu tiên giao thông thuộc về tàu. Nếu lúc đó lái tàu không dừng lại được thì sẽ có biết bao nhiêu tính mạng con người bị nguy hiểm, mà lỗi đó hoàn toàn không thuộc về người lái tàu.

Những hành vi vô ý thức này của người vi phạm đã gây ra nhiều vụ tai nạn giao thông thảm khốc, thiệt hại về người và của... Hành vi này đã gây mất an ninh trật tự, vi phạm vào Điều 46 Nghị định số 171/2013 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt. Hình thức xử phạt là phạt tiền. Mức phạt đối với người đi bộ, người điều khiển xe đạp, xe máy, ô tô… bị phạt từ 50.000 đồng đến 1.200.000 đồng.

Nếu làm hỏng cần chắn, giàn chắn sẽ bị phạt tiền từ 2 triệu đồng đến 3 triệu đồng…

Trong trường hợp người vi phạm hội đủ dấu hiệu của tội cản trở giao thông đường sắt thì sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 209 BLHS.

Vấn đề đặt ra là làm sao để người dân ý thức được hành vi của mình là nguy hiểm và không được phép làm như vậy. Để khắc phục, ngành đường sắt nên tăng cường thêm nhân viên trực và đưa ra các biện pháp tích cực hơn như tuyên truyền, lập các lớp rào chắn kép, thực thi pháp luật nghiêm minh hơn.

TS-LS NGUYỄN HỮU THẾ TRẠCH, Đoàn Luật sư TP.HCM

________________________________

Sáng 3-4, một tai nạn thương tâm xảy ra khi một người đàn ông đang làm công nhân cạnh đường sắt, khu vực gần phường 4, quận Phú Nhuận, TP.HCM. Người này đã cố chui qua hàng rào sắt ngăn cách hai bên đường sắt với nhà dân để băng qua bên kia đường. Đúng lúc chuyến tàu trung chuyển số 7501 chạy tới đã tông phải ông. Người đàn ông bị đoàn tàu kéo lê và đẩy văng khoảng 100 m, tử vong tại chỗ.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Phi Hùng (Pháp Luật TPHCM)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN