Dân hoang mang sau vụ bắt 2 xe tải chở bình nhiên liệu nghi của máy bay về “thủ phủ đồng nát”
Hàng ngày, người dân ở “thủ phủ đồng nát” luôn phải sống trong nơm nớp, lo sợ. Họ sợ chẳng may những vật liệu kia gây nổ, sợ bệnh tật ập đến cướp đi sinh mạng bất cứ lúc nào…
Liên quan đến việc 2 xe tải chở vật thể lạ nghi bom chạy bon bon trên đường vừa bị bắt giữ, lãnh đạo Công an huyện Yên Phong (Bắc Ninh) cho biết, chủ lô hàng trên là bà Nguyễn Thị Toàn có cơ sở phế liệu nằm trên địa bàn thôn Quan Độ (xã Văn Môn, huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh).
Theo Công an huyện Yên Phong, bà Toàn chưa xuất trình được các giấy tờ chứng minh nguồn gốc số hàng trên. Tại cơ sở phế liệu của bà Toàn, qua kiểm tra, cơ quan chức năng phát hiện thêm nhiều bình chứa nhiên liệu chất thành đống, có hiện tượng hoen gỉ.
“Tôi chỉ biết mua nhôm chứ không biết bên trong có chứa gì và thực tế chặt ra thì chẳng có gì ngoài nhôm không”, chủ lô hàng cho biết.
Chiếc xe tải mang BKS 99C – 059.61 chở nhiều bình nhiên liệu nghi của máy bay đi trên cầu Thanh Trì, Hà Nội. Ảnh: PV
Để tìm hiểu rõ sự tình, PV Báo Gia đình và Xã hội đã tìm về thôn Quan Độ, xã Văn Môn (huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh) – nơi nổi tiếng với cái tên “thủ phủ đồng nát”.
Ngay từ đầu làng, người dân đã xôn xao về câu chuyện. Theo lời họ, tình trạng vận chuyển những vật liệu như đầu đạn, vỏ bom, bình nhiên liệu quân sự… từ nơi khác về địa phương xảy ra rất nhiều lần.
Không chỉ phải sống cùng với mùi hôi thối của rác thải, mùi khi đốt từ những lò luyện kim, những người dân thôn Quan Độ còn phải đối mặt với những hiểm họa chực chờ.
Số phế liệu không rõ nguồn gốc này được đưa đến một cơ sở phế liệu ở thôn Quan Độ - "Thủ phủ đồng nát" ở Bắc Ninh.
“Đầu năm 2018 vừa rồi, tại cơ sở phế liệu của ông Nguyễn Văn Tiến trong thôn đã xảy ra vụ nổ gần 7 tấn đầu đạn. Hậu quả khiến nhiều ngôi nhà bị đổ sập, hai em bé thiệt mạng cùng nhiều người bị thương”,bà Nguyễn Thị Dậu (62 tuổi, một người dân địa phương) kể lại.
Theo lời người phụ nữ này, làng nghề tái chế phế liệu Quan Độ đã hình thành và tồn tại hàng chục năm nay. Trong làng nhiều gia đình giàu lên trông thấy nhờ nghề nhưng cũng không ít cái chết thương tâm nghi bị ung thư từ ảnh hưởng của ô nhiễm môi trường.
Hai người phụ nữ trong thôn Quan Độ, xã Văn Môn tỏ ra hoang mang trước những hiểm họa từ làng nghề tái chế sắt vụn.
“Không nói gì xa xôi, chồng tôi cũng mới qua đời năm ngoái do bị ung thư. Bây giờ người chết vì căn bệnh này không còn lạ lẫm đối với dân làng. Cứ 10 người đi khám thì hơn nửa nhận kết quả bị bệnh ung thư rồi bệnh viện trả về. Tuần trước, hai người trong làng cũng vừa nhận được kết quả mắc bệnh ung thư”, bà Dậu tâm tư.
Bà Lê Thị Thùy (cùng ở thôn Quan Độ) cho hay, các cơ sở phế liệu ở đây thu mua rất nhiều loại từ dây điện, tủ điện, máy móc đến vỏ bom, đầu đạn. Chưa kể sau khi tái chế, các loại phế liệu trên chảy dầu ra ô nhiễm nguồn nước.
Vỏ dây điện vứt la liệt trong quá trình chờ tiêu hủy.
“Chúng tôi ở đây luôn sống trong nơm nớp, lo sợ. Sợ chẳng may những vật liệu kia gây nổ, sợ bệnh tật ập đến bất cứ lúc nào…”, người phụ nữ 51 tuổi ngấn lệ kể.
Theo quan sát của PV Báo Gia đình & Xã hội, hai bên đường dẫn vào thôn Quan Độ là những đống rác thải đang chờ được đem đốt. Những loại phế liệu máy móc đã mua rất lâu năm đến nỗi chủ chưa bán mà cỏ mọc xanh tốt phủ kín.
Bãi rác thải công nghiệp vây quanh nơi ở và trồng trọt, sản xuất của người dân thôn Quan Độ.
Cũng theo tìm hiểu của chúng tôi, nhiều cơ sở phế liệu trong thôn Quan Độ thường xuyên mang rác thải công nghiệp ra đổ “chui” xuống dòng sông Ngũ Huyện Khê gây ô nhiễm đến sinh hoạt của người dân địa phương.
Ở một số khu vực quanh làng, người ta còn đào hố sâu để làm nơi chôn rác thải. Trong số đó, nhiều loại phế liệu không thể tự phân hủy, tiềm ẩn hiểm họa về sau.
Lực lượng công an đã xác định chủ cơ sở mua hàng chục bình chứa nhiên liệu nghi là của máy bay.